CafeLand - Tại Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2018 mới đây, nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự không đồng tình đối với Nghị định 20 liên quan đến việc khống chế chi phí lãi vay ở mức 20% và đã đề xuất Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét đề xuất Chính phủ sửa đổi.

Đối thoại chính sách thuế và hải quan được Bộ Tài chính tổ chức trong những năm gần đây nhằm lắng nghe ý kiến phản hồi từ phía cộng đồng doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề khó khăn, vướng mắc khi thực thi các chính sách, pháp luật, thủ tục hành chính, qua đó góp phần cải cách thể chế, chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan theo hướng ngày càng rõ ràng, minh bạchhơn.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến và câu hỏi được các doanh nghiệp đặt ra liên quan đến Nghị định 20 về việc khống chế chi phí lãi vay ở mức 20%, nghĩa là tổng chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế không vượt quá 20%. Cụ thể, nếu một doanh nghiệp có lợi nhuận thuần là 100 đồng, thì tổng chi phí lãi vay không được quá 20 đồng. Vượt quá mức này thì chi phí lãi vay đó không được tính là chi phí hợp lệ và không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ảnh minh hoạ.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, mặc dù nghị định này phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng nếu xét điều kiện của Việt Nam thì đang gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước.

Đại diện Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng cho rằng nghị định này không phù hợp, tạo sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Vietcombank chỉ phát sinh giao dịch liên kết trong hoạt động đi thuê văn phòng với công ty mẹ, hoạt động chuyển giá gần như không thể nhưng doanh nghiệp vẫn phải chịu khống chế lãi vay ở mức 20%.

Trước những băn khoăn của các doanh nghiệp, ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế,cho biết chính sách thuế Việt Nam càng ngày càng phục vụ việc hội nhập sâu vào kinh tế thế giới.Xu hướng hội nhập kinh tế thế giới buộc Việt Nam phải thực hiện các cam kết của quốc tế trong việc bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và quốc tế, trong đó có cắt giảm ưu đãi.

Nghị định 20 thực hiện trên cơ sở khuyến nghị của các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và các nước G20 yêu cầu phải tập trung trong việc chống chuyển giá, chống xói mòn nguồn thu. Việc ban hành Nghị định 20 là điều kiện tiên quyết để Việt Nam gia nhập diễn đàn kinh tế thế giới.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo chí mới đây, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng Việt Nam nên học tập thêm kinh nghiệm của OECD, áp dụng theo hướng “mở” hơn.

Cụ thể, OECD đưa ra các quy định khác biệt như cho phép tính trên chi phí lãi vay ròng (phần chi phí lãi vay vượt thu nhập lãi vay); cho phép doanh nghiệp chuyển sang kỳ sau chi phí lãi vay bị loại vì vượt quá mức khống chế.

Đặc biệt OECD áp dụng thêm một tỷ lệ biến động bên cạnh tỷ lệ cố định 20%. Cụ thể, nếu tỷ lệ chi phí lãi vay với bên thứ ba/lợi nhuận trước thuế chưa trừ chi phí lãi vay và chi phí khấu hao trên báo cáo hợp nhất của toàn tập đoàn lớn hơn 20% thì cho phép áp dụng tỷ lệ này cho từng công ty thành viên trong tập đoàn.

Được biết trước đó, Tổng cục Thuế cũng đã có buổi làm việc để giải đáp những thắc mắc, phản ứng của hàng loạt doanh nghiệp về vấn đề này. Hiện nay, Vụ chính sách thuế doanh nghiệp lớn chính là đơn vị đang được giao tham mưu để có kế hoạch chỉnh sửa lại Nghị định 20 cho phù hợp, tránh tác động đến tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong nước.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, chính sách và thủ tục hành chính về thuế và hải quan đòi hỏi phải liên tục được hoàn thiện, cập nhật kịp thời cho phù hợp với yêu cầu thực tế. Do đó, trong quá trình áp dụng các quy định của chính sách và thủ tục hành chính vào thực tiễn không tránh khỏi có các khó khăn, vướng mắc.

Bộ Tài chính sẵn sàng lắng nghe những ý kiến đóng góp từ phía các doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện chính sách, đồng thời giải đáp, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp về thủ tục hành chính, chính sách thuế và hải quan, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.