Mở đầu ngày chất vấn thứ hai, trả lời đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) về giải pháp thu hồi nợ đọng thuế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết mấy năm gần đây đã thu được 82% số nợ đọng. Cụ thể, năm 2017 thu được 44.773 tỷ đồng tăng 12% so với 2016 và 9 tháng thu được 25.382 tỷ đồng, đạt 61% tiền nợ đọng thuế có khả năng thu hồi tới 31/12/2017.
Bộ trưởng Dũng cho biết, hàng năm cũng có những đôn đốc thu hồi các khoản thuế truy thu trong kết luận của cơ quan kiểm toán, đạt trên 80%. Tỷ lệ nợ đọng thuế/tổng thu nội địa giảm dần qua các năm, năm 2016 là 8,5%; năm 2017 còn 7,6% và cuối tháng 9/2018 còn 7,5%. Tỷ lệ nợ đọng thuế có khả năng thu/tổng thu nội địa cũng giảm, năm 2016 là 5,6%, 2017 là 4,4% và 9 tháng 2018 còn 4,3%.
Nếu so với các nước ASEAN, tỷ lệ nợ đọng thuế của Việt Nam khoảng 7,5%, các nước ASEAN khoảng 8,5%.
Tuy nhiên, tổng số nợ thuế vẫn còn lớn, tính đến cuối 9/2018 số thuế còn nợ đọng là 82.961 tỷ đồng, trong đó tiền thuế nợ không có khả năng thu hồi chiếm 42,1% trên tổng số nợ đọng, tăng 11% so với cuối năm 2017, tiền phạt vi phạm hành chính tăng 6%.
Nguyên nhân nợ thuế chủ yếu số nợ đọng thuế không có khả năng thu hồi của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất khả năng, giải thế, phá sản và không hoạt động tai địa chỉ đăng ký...
Về giải pháp, Bộ trưởng Dũng cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, hiện Bộ Tài chính đang tổng hợp, rà soát, phân tích để báo cáo Quốc hội về số nợ không có khả năng thu hồi. Đồng thời, sắp xếp, xử lý như tăng cường cưỡng chế, thu hồi nợ, giảm nợ đọng thuế. Giao chỉ tiêu thu nợ cho từng Cục thuế, công chức thuế; công khai thông tin người nộp thuế chây ì, nợ đọng thuế; báo cáo Chính phủ sửa đổi Luật thuế.