Khu đất bị quy hoạch dự án Nhà ở cán bộ, công nhân viên thuộc Nhà máy thuốc lá Sài Gòn (quận Thủ Ðức).
Ông Ngô Mạnh Hân (211 A Nguyễn Văn Thủ, phường Ða Kao, quận 1, TP Hồ Chí Minh) cho biết, năm 1992 ông mua 17.000 m2 tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Ðức. Suốt từ năm 1992 đến nay, ông Hân nhiều lần làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đều bị UBND quận Thủ Ðức từ chối với lý do, đất của ông nằm trong quy hoạch.
Cụ thể, khu đất của ông Hân nằm trong diện quy hoạch theo Quyết định số 190/TTg ngày 29-3-1997 của Thủ tướng Chính phủ giao đất cho Nhà máy Thuốc lá Sài Gòn (sau này là Nhà máy thuốc lá Vĩnh Hội), sử dụng để đầu tư xây dựng dự án Nhà ở cán bộ công nhân viên.
Sau khi được giao đất, Nhà máy Thuốc lá Vĩnh Hội lại không có chức năng lẫn năng lực đầu tư cho nên đã liên kết, liên danh với nhiều đơn vị khác thực hiện dự án. Lần hợp tác cuối là với Công ty TNHH Ðồng Xuân Thủ Ðức để xây dựng 289 căn hộ. Tuy nhiên, hàng chục năm trôi qua, dự án này vẫn nằm trên giấy. Dự án bị bỏ hoang hơn 20 năm khiến gia đình ông Hân và các hộ dân có đất trong dự án lâm vào tình trạng đi không được, ở cũng không xong.
Do vướng quy hoạch, các hộ dân ở đây phải sống trong tình trạng không được xây cất, hạ tầng đường sá không có, phải đi lại trên những đường đất nhỏ, nước ngập lầy lội. Ðặc biệt hơn, đất thuộc dự án "treo", công tác quản lý lỏng lẻo cho nên đã bị lấn chiếm bất hợp pháp khiến quyền lợi người dân có đất đã thiệt thòi lại càng thiệt thòi hơn.
Bà Phạm Thị Ðiệp (khu phố 2, phường Hiệp Phú, quận 9) đã nhiều lần làm đơn đến các cấp lãnh đạo TP Hồ Chí Minh xin xóa quy hoạch khu đất có diện tích 11.882 m2 tại tờ bản đồ số 04 phường Phước Long B (quận 9) để bà ổn định cuộc sống. Theo bà trình bày, do khu đất thuộc quy hoạch một phần đất giáo dục (trường tiểu học, trường mầm non) và một phần đường Ðỗ Xuân Hợp có lộ giới 30 m của quận 9 nhưng hàng chục năm trôi qua chính quyền không triển khai dự án.
Thực trạng này khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn, rơi vào cảnh khó khăn vì không thể mua bán chuyển nhượng, xây dựng, sửa sang nhà cửa. Bà mong muốn nếu thực hiện quy hoạch thì thực hiện sớm, không thì xóa quy hoạch để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, thành phố còn khoảng 547 dự án "treo" với tổng diện tích hơn 20.000 ha, trong đó không ít dự án đã "treo" hơn 20 năm. Có thể nêu các "siêu dự án" như: dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Ða (quận Bình Thạnh) rộng 426 ha với tổng cộng hơn 3.000 hộ dân sinh sống bị treo 26 năm; dự án Công viên Sài Gòn Safari (huyện Củ Chi) rộng 485 ha với hơn 700 hộ dân bị ảnh hưởng treo từ năm 2004; dự án khu đô thị Sing - Việt (huyện Bình Chánh) rộng 331ha với 571 hộ dân bị ảnh hưởng, di dời treo từ năm 1997 đến nay; dự án khu đô thị Ðại học Quốc tế (huyện Hóc Môn) rộng hơn 900 ha treo gần 20 năm...
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Ðức cho biết, UBND quận Thủ Ðức không thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Lê Mạnh Hân vì phần lớn khu đất của gia đình ông Hân thuộc dự án Nhà máy Thuốc lá Sài Gòn theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố Hồ Chí Minh. Hiện, ông Hân đang khởi kiện vụ việc ra tòa án. Khi Tòa án có phán quyết, quận Thủ Ðức sẽ báo cáo UBND thành phố xem xét giải quyết.
Ðối với trường hợp bà Phạm Thị Ðiệp, UBND quận 9 thừa nhận khu đất của bà Ðiệp thuộc quy hoạch đất giáo dục từ năm 2013 nhưng quận chưa bố trí được nguồn vốn để thực hiện dự án. Ðịa bàn quận 9 đang chịu áp lực tăng quy mô dân số, đặc biệt là các khu dân cư dọc theo trục Xa Lộ Hà Nội do tác động của tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, dẫn đến áp lực về nhu cầu công trình công cộng phục vụ các khu dân cư tăng cao; do vậy quận giữ nguyên quy hoạch để phục vụ mục đích dân sinh.
Ðể bảo đảm quyền lợi, người dân có thể xây dựng có thời hạn hoặc sửa chữa nhà hiện hữu trên thửa đất có mục đích là đất ở đô thị. Ðối với phần đất không phải đất ở đô thị, người dân có thể xây dựng các công trình phục vụ sinh hoạt cộng đồng ngoài trời...
Mới đây, tại kỳ họp lần thứ 12 của HÐND thành phố Hồ Chí Minh, trả lời ý kiến đại biểu về các dự án chậm triển khai, làm ảnh hưởng cuộc sống của người dân, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho biết, thành phố còn khoảng 547 dự án phải thu hồi chủ trương do tổ chức thực hiện chậm. Hiện, 180 dự án được trình UBND thành phố thu hồi chủ trương thực hiện.
Phương án giải quyết của thành phố là sẽ sàng lọc, rà soát tất cả các dự án. Ðối với những dự án chậm tiến độ nhưng có tính khả thi, phù hợp quy hoạch đô thị thì thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống. Dự án không còn phù hợp quy hoạch thì xem xét điều chỉnh và chỉ gia hạn một lần cho một dự án.
Với những dự án mà chủ đầu tư không có khả năng thực hiện thành phố kiên quyết thu hồi quyết định giao đất, văn bản thỏa thuận địa điểm và các chủ trương khác có liên quan để kêu gọi đầu tư theo quy định và quy hoạch được duyệt.
Ðại diện Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, để giải quyết quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch, thành phố đã cho phép người dân được xây dựng, sửa chữa nhà có thời hạn trong khu quy hoạch.
Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành phố cũng đang phối hợp các quận, huyện rà soát, đánh giá quá trình tổ chức thực hiện các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000, tỷ lệ 1/500, khắc phục tình trạng quy hoạch thiếu tính khả thi, hạn chế ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong khu vực quy hoạch.
Theo Luật sư Nguyễn Vân Trường, Ðoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, Luật Ðất đai đã quy định, nếu sau ba năm đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà dự án chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì phải điều chỉnh, hủy bỏ. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng đã ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có nội dung: dự án đã được cấp phép đầu tư nhưng quá thời hạn quy định không triển khai thực hiện theo cam kết hoặc theo giấy phép sẽ bị thu hồi. Ðối với các đồ án quy hoạch, nếu quá 5 năm không thực hiện được phải rà soát, xem xét lại tính khả thi, nếu không thể thực hiện được phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch để bảo đảm quyền lợi cho người dân có đất bị ảnh hưởng. |