Những ngày qua, hàng loạt căn nhà có địa chỉ 220 đến 240 đại lộ Võ Văn Kiệt (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP HCM) có dấu hiệu gạch bị vữa, tường bong tróc sắp sụp đổ.
Đây là dãy nhà từng được con trai nhà thơ Nguyễn Thông xây dựng từ năm 1917, làm nơi sản xuất của cơ sở nước mắm Liên Thành. Thời đó, bến Chương Dương hoạt động sầm uất, bên trong dãy nhà chứa các hầm ướp cá, ủ nước mắm. Sau năm 1975, dãy nhà này được bán lại cho nhiều người.
Suốt nhiều năm qua, các hộ dân đã viết đơn gửi chính quyền địa phương mong muốn tu sửa, hoặc tháo dỡ nhưng không được giải quyết vì đây được cho là dãy nhà cổ, cần được bảo tồn. Ngoài ra, các dãy nhà thuộc dự án mở rộng, chỉnh trang đại lộ Đông Tây; mọi việc phải "án binh bất động" đến khi quy hoạch thực hiện xong.
Ông Nguyễn Cảnh Hà (SN 1964, chủ căn hộ trên đường Võ Văn Kiệt) bức xúc: “Căn nhà chúng tôi dài 25 m và rộng 3,6 m. Đây không thể gọi nhà cổ được, nó giống như nhà ống có đường độc đạo. Những năm qua, dù quét vôi liên tục nhưng tường vẫn bong tróc. Dân ở đây khổ sở với cảnh xuống cấp nghiêm trọng nhưng không thể xây mới được”.
Để chứng minh, ông dẫn chúng tôi trèo lên các căn gác, thử cảm nhận độ rung sàn gỗ, sờ vào bức tường để cảm thấy tường đang muốn sập. Ông Hà lắc đầu: “Muốn sửa chữa phải lén lút như ăn trộm"
Do không thể ở được vì mức độ nguy hiểm ngày càng cao, các căn nhà này đa phần được chủ nhà cho vựa ve chai, tiệm tạp hoá, lò bánh mì thuê làm nơi chứa hàng nhưng việc buôn bán rất ế ẩm.
Theo các chuyên gia bất động sản, nếu cho phép đập bỏ để xây các dãy nhà cao tầng sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư đến kinh doanh. Bởi đây là khu đất vàng kế bên chợ Bến Thành, gần hầm vượt sông Sài Gòn, điều kiện giao thông rất thuận lợi.
Dù sàn nhà bị mối ăn có khả năng sập bất cứ lúc nào nhưng người sống không thể đập bỏ hoặc sửa chữa được vì được cho đây là nhà cổ.
Vách tường bị muối ăn mòn, dù quét vôi loại tốt nhưng đều bị tróc ra.