07/01/2016 9:49 PM
Mỗi chung cư có hàng chục, hàng trăm tỷ đồng quỹ bảo trì theo quy định, nhưng khi cơ sở vật chất hỏng hóc thì chẳng thấy khoản tiền này đâu.

Theo quy định của Luật Nhà ở, chủ đầu tư hoặc đơn vị được giao quản lý nhà chung cư có trách nhiệm chuẩn bị các nội dung để tổ chức hội nghị nhà chung cư để thành lập ban quản trị. Còn quỹ bảo trì chung cư được thành lập từ 2% giá trị các căn hộ được bán.

Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư chây ì không giao nộp số tiền 2% cho BQL chung cư khiến người dân phải sống khổ sở trong thời gian dài mà chưa tìm ra được hướng giải quyết.

Thành “chung cư ma” vì không có phí bảo trì

Điểm “nóng” về quỹ bảo trì chung cư trong thời gian qua là tòa nhà D11, Khu Đô thị mới Cầu Giấy, TP. Hà Nội khi người dân đã làm đơn kiện chủ đầu tư cố tình không bàn giao 2% giá trị nhà ở cho Ban quản lý (BQL) tòa nhà như trong quy định của pháp luật. Chiều ngày 23/12, trao đổi với Phunuonline, ông Nguyễn Thạch Toàn – một người có vị trí trong BQL cho biết, số tiền mà chủ đầu tư phải trả cho người dân làm quỹ bảo trì lên tới gần 5 tỷ đồng nhưng suốt 4 năm qua chẳng thấy đâu.

“Tiền quỹ bảo trì bị chủ đầu tư chiếm dụng suốt nhiều năm nay khiến chúng tôi gặp vô cùng khó khăn. Sau 4 năm, tòa nhà đã có nhiều biểu hiện xuống cấp cần tiền để sửa chữa nhưng chủ đầu tư mãi không trả. Hàng trăm hộ dân sống trong tòa nhà thường xuyên phải sống trong cảnh khổ cực vì thang máy, máy phát điện, các hạng mục công cộng hỏng hóc” – ông Toàn cho biết.

Anh Phạm Trọng Nam (41 tuổi, một người dân sống tại tòa nhà D11) kể: “Mùa hè vừa rồi, trời nóng bức đến 39 độ nhưng giữa đêm lại mất điện. Thời gian này, máy phát điện của chung cư cũng hỏng mà không có nguồn kinh phí sửa chữa. Đáng nhẽ, có quỹ bảo trì thì sẽ lấy ở đó thuê người sửa nhưng chủ đầu tư không chịu trả. Sau đêm đó, hai cháu nhà tôi sốt phải đi viện cấp cứu vì không chịu nổi được cái nóng”.

Người dân sống ở nhà G, khu tái định cư Đền Lừ (Q. Hoàng Mai - TP. Hà Nội) phải treo biển "Nam mô A di đà Phật" để cầu mong thang máy không gặp sự cố khi vận hành.

Sợ hãi trong chính nhà mình

Trở lại với khu nhà G, khu tái định cư Đền Lừ (Q. Hoàng Mai – TP. Hà Nội), sau hơn 1 tháng báo chí phản ánh người dân phải chui qua tầng thượng của tòa nhà để đi nhờ cầu thang vì cơ sở vật chất đã hỏng hóc đến mức thậm tệ.

“Tôi chuyển tới đây được 10 năm, tình trạng thang máy bị hỏng hóc như thế này diễn ra liên tục. Trước đây, chủ đầu tư còn gọi đơn vị lắp đặt đến sửa chữa vì còn nằm trong gói bảo hành. Nhưng oái oăm ở chỗ, nhiều khi thợ sửa thang máy vừa ra khỏi toà nhà là thang máy lại chết đứ đừ. Đến thời điểm này, người dân chờ đợi mà không thấy ai đến sửa nữa", ông Tăng Văn Nhưỡng, người dân sống tại khu nhà G buồn bã kể lại.

Ông Chu Văn Huấn (một người dân khác sống ở tái định cư Đền Lừ) kể lại câu chuyện thang máy bi rơi tự do cách đây không lâu: “Nỗi kinh hoàng chẳng khác gì thời chiến trận. Khi biết được thang máy rơi, tôi và nhiều người dân nhanh chóng có mặt, cũng may hôm đó thang máy rơi xuống đến tầng gần cuối cùng thì dừng lại. Bên trong có một người phụ nữ đang có bầu và hai đứa trẻ con. Bây giờ, nhiều người ở tầng 5, 6 không dám đi vì họ lo mất an toàn”.

Lối thoát hiểm của chung cư cao cấp GoldenLand ngập nước, bốc mùi xú uế.

Trong khi đó, người dân sống tại chung cư cao cấp cũng khổ sở vì chủ đầu tư không chịu trao trả quỹ bảo trì. Chị Giang Thanh Hạnh (35 tuổi, một người sống trong tòa nhà GoldenLand, địa chỉ 275 Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội) phản ánh, giá mỗi căn hộ ở đây ước tính vào khoảng 4 tỷ đồng, hiện có hơn 200 hộ dân đã chuyển đến sinh sống, từ đó số tiền tích vào quỹ bảo trì chung cư theo quy định cũng gần 20 tỷ đồng. Thế nhưng, sau gần 2 năm bàn giao công trình, nhiều hạng mục công cộng xuống cấp mà vẫn không được sửa chữa.

Nhiều hạng mục công cộng tại GoldenLand cũng xuống cấp trầm trọng nhưng không được sửa chữa. Nhiều vụ việc cửa kính bị vỡ, lan can cầu thang công cộng rơi rụng không đảm bảo an toàn, tủ bếp, bình nóng lạnh bỗng nhiên đổ sập… liên tiếp diễn ra khiến người dân hoang mang.

“Khu vực lối thoát hiểm từ tầng hầm lên bị ngập nước bốc mùi rất khó chịu, mỗi lần lấy xe mọi người sống trong tòa nhà lại được một phen nín thở nhớ đời. Đáng nhẽ BQL tòa nhà phải đứng ra sửa chữa những hỏng hóc đó nhưng đằng này họ đều im lặng. Chủ đầu tư cũng chần chừ giải quyết khiến chúng tôi rất sợ mỗi khi vào trong nơi mình sinh sống” – chị Hạnh nói.

Chi Nam (Phụ Nữ TP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.