26/10/2012 7:40 AM
Đề án lập công ty quốc gia về mua bán nợ xấu đang được Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện và dự kiến báo cáo Chính phủ vào 15/11 tới, trước khi trình Bộ Chính trị xin ý kiến triển khai.

Quy mô, cách thức hoạt động của công ty này cũng như tiêu chí mua bán nợ chưa được tiết lộ. Theo ý tưởng ban đầu Ngân hàng Nhà nước sẽ là đơn vị chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan để vận hành doanh nghiệp đặc biệt này.

Đầu tháng 7, Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng đến hết quý I vào khoảng 202.000 tỷ đồng, tương đương 8,6% dư nợ tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu hiện tại, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, vẫn ở mức 8-10%.

Theo ông Nghĩa, 85% số nợ xấu nói trên đều có tài sản đảm bảo và số tài sản đảm bảo này có giá trị tương đương 135% tổng nợ xấu. Trong khi đó, bản thân các ngân hàng cũng đã trích lập dự phòng rủi ro trên dưới 70.000 tỷ đồng.

"Nói như vậy để thấy rằng không phải chúng ta sẽ mất trắng 202.000 tỷ đồng. Công ty mua bán nợ nếu được thành lập sẽ có mục tiêu xử lý 60.000-100.000 tỷ đồng. Thực tế những tháng qua, khoảng 36.000 tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý bằng các hình thức tái cơ cấu, giãn hoặc xóa nợ", ông Nghĩa nói.

Ý tưởng thành lập công ty quốc gia về mua bán nợ xấu được nêu ra từ cuối năm ngoái và thu hút nhiều quan điểm trái chiều. Người ủng hộ cho rằng ý tưởng này là cần thiết, nhằm khơi thông dòng vốn đang tắc nghẽn trong ngân hàng vì khối nợ xấu khổng lồ, từ đó vực dậy sản xuất kinh doanh. Nhưng cũng có ý kiến lo ngại nếu công ty này trực thuộc Ngân hàng Nhà nước sẽ không minh bạch, kém hiệu quả. Trong khi trên thực tế đã có công ty mua bán nợ trực thuộc Bộ Tài chính, chuyên xử lý nợ tồn đọng của các doanh nghiệp.

"Mục tiêu quan trọng nhất của đề án là giải quyết nợ xấu với chi phí thấp nhất và hiệu quả nhất. Đặt công ty mua bán nợ ở đâu không quan trọng, nhưng Ngân hàng Nhà nước hơn ai hết là người hiểu rõ và có kinh nghiệm về vấn đề này. Tất nhiên vẫn cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành liên quan", ông nói.

Trong số 9 ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu bắt buộc, Ngân hàng Nhà nước thời gian qua đã tiến hành thanh tra, đồng thời mời kiểm toán độc lập vào làm việc. Kết quả cho thấy, nợ xấu tại một số đơn vị cao hơn nhiều báo cáo, có nơi công bố nợ xấu trên dưới 3% nhưng kết quả thanh tra lên đến hàng chục phần trăm.

Ông Nghĩa cho biết 5 ngân hàng trong số này đã có phương án tái cấu trúc được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận và đang triển khai. 4 ngân hàng còn lại (một ngoài Bắc và 3 trong Nam) chưa có được đề án hợp lý.

"Từ nay tới cuối năm nếu các đơn vị không có phương án phù hợp, Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp bắt buộc", ông Nghĩa nói.

Ngoài 9 ngân hàng này, một số đơn vị như HDBank và Đại Á Bank cũng đang rục rịch chuẩn bị cho kế hoạch tái cơ cấu tự nguyện. Ngân hàng Nhà nước cũng có kế hoạch sắp xếp các công ty tài chính theo hướng cho sáp nhập vào các ngân hàng thương mại, hoặc trở thành công ty con trực thuộc ngân hàng.

Tính tới tháng 19/10, tăng trưởng huy động vốn đạt 14,02%, trong đó huy động tiền đồng tăng 17,52%, ngoại tệ giảm 1,55%. Riêng khu vực dân cư, tiền gửi vào ngân hàng tăng 23,31% so với đầu năm, trong đó tiền gửi VNĐ tăng 28,76% và ngoại tệ giảm 5,53%.

Tăng trưởng tín dụng cùng thời gian này đạt 2,77%.

6 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước mua ròng 10 tỷ USD Mỹ. Riêng ngày 25/10, số mua vào lên tới 100 triệu USD.

Theo Song Linh (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.