Cầu Thái Hà có nhịp chính lên đến 120 m
Công trình đặc biệt
Tuyến chính của dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng. Chiều rộng cầu 12 m, vận tốc thiết kế 100 km/h bao gồm hai làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ. Cầu gồm 46 nhịp, kết cấu phần trên gồm một dầm hộp liên tục bằng bê tông cốt thép (BTCT) dự ứng lực được thi công bằng phương pháp đúc hẫng cân bằng.
Ông Nguyễn Minh Lương, Trưởng phòng dự án 4 (Ban QLDA Thăng Long - đơn vị làm đại diện Nhà nước cơ quan có thẩm quyền) cho biết, cầu Thái Hà có nhịp chính lên đến 120 m, được thi công theo công nghệ đúc hẫng cân bằng, thuộc loại dài nhất Việt Nam hiện nay. “Tuy nhiên, với năng lực của các nhà đầu tư, nhà thầu đã có nhiều kinh nghiệm, việc thi công nhịp dài, có độ khó lớn thế này là trong tầm tay và hoàn toàn có thể đảm bảo tiến độ, chất lượng”, ông Lương nói.
Trao đổi với PV, ông Ngô Tiến Cương - Tổng giám đốc Công ty TNHH Tiến Đại Phát cho biết, tổng vốn đầu tư của dự án khoảng hơn 1.700 tỷ đồng. Trong đó, công tác GPMB và tái định cư được tách thành dự án riêng do UBND tỉnh Thái Bình và tỉnh Hà Nam triển khai thực hiện. Tổng mức đầu tư dự án thành phần GPMB, tái định cư, bao gồm dự phòng chi phí khoảng hơn 102 tỷ đồng (Thái Bình: 47,6 tỷ đồng và Hà Nam: 54,9 tỷ đồng). Thời gian thi công dự án trong vòng 24 tháng.
Cũng theo ông Ngô Tiến Cương, sau khi dự án hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ góp phần từng bước hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông của hai tỉnh Hà Nam và Thái Bình, mạng lưới hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Hồng, đường Vành đai V - vùng Thủ đô Hà Nội. Dự án cũng nối trực tiếp hai tuyến cao tốc lớn của khu vực phía Bắc là Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện tham gia giao thông, phát huy hiệu quả cho hai tuyến cao tốc. Trong thời gian thi công, dự án sẽ huy động một số lượng lớn nhân công, lao động góp phần tạo công ăn việc làm cho các địa phương có công trình đi qua.
“Tất cả những điều đó sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nam, Thái Bình nói riêng và các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng nói chung. Các nhà đầu tư hiện đã huy động đủ vốn sở hữu và cam kết huy động tối đa nguồn vốn để dự án đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng. Sau khi khởi công, chúng tôi yêu cầu các đơn vị thi công bắt tay vào làm ngay để tranh thủ mùa khô. Với sự quan tâm, hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư của Bộ GTVT và các địa phương, chắc chắn dự án sẽ hoàn thành đúng kế hoạch vào năm 2016”, ông Cương chia sẻ.
Ông Lê Minh Lương cho biết thêm, Ban QLDA Thăng Long thời gian qua cũng yêu cầu nhà đầu tư chuẩn bị đủ vốn sở hữu và phối hợp chặt chẽ với các địa phương sớm GPMB, bắt tay vào thi công. Với năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư và công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, cầu Thái Hà hoàn toàn có thể đáp ứng được tiến độ yêu cầu.