Không nghề nghiệp, thiếu đất sản xuất, sau khi hiến đất để xây dựng Khu Kinh tế Dung Quất, nhiều người dân ở xã Bình Đông và Bình Thuận (huyện Bình Sơn - Quảng Ngãi) lâm vào cảnh lao đao

Khu Kinh tế (KKT) Dung Quất và Nhà máy Lọc dầu Dung Quất mọc lên đã đem lại nguồn thu không nhỏ cho tỉnh Quảng Ngãi và đóng góp rất lớn cho nền kinh tế nước ta. Thế nhưng, phía sau “ánh đèn” Dung Quất là một khoảng lặng mênh mông. Những người dân ra đi nhường đất cho công trình này phải chịu nhiều cơ cực.

Bỏ hoang nhiều khu tái định cư

Đến khu tái định cư (TĐC) Đồng Lớn (thôn Vĩnh Sơn, xã Tịnh Hòa, huyện Sơn Tịnh), chúng tôi không khỏi chạnh lòng trước hình ảnh rất nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang, tốc mái trơ trọi giữa đồi. Con đường dẫn vào khu TĐC gập ghềnh sỏi đá. Ngôi trường cấp 1 và cấp 2 Vĩnh Sơn với hơn chục phòng học cũng đóng im ỉm, không một bóng người.
Các cánh cửa phòng học bị hỏng vứt khắp nơi, tường loang lổ, xung quanh cỏ dại mọc um tùm. Cách đó không xa, trạm y tế thôn Vĩnh Sơn cũng hoang phế và đang bị hư hỏng nặng…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nơi đây nguyên là khu TĐC cho người dân các xã Bình Đông, Bình Thuận (huyện Bình Sơn) nhường đất cho các công trình ở Dung Quất. Họ dọn về đây từ năm 1997 nhưng vì khu tái định cư nằm giữa đồi núi đá, không đất sản xuất, cằn cỗi nên người dân dần bỏ đi.
Ông Nguyễn Phê, ngụ đội 9, thôn Vĩnh Sơn, nói: “Ai đời làm nơi TĐC cho dân mà làm giữa đồi núi đá như thế thì lấy gì người dân làm ăn, sinh sống. Lúc đầu, một số người cũng vào đây nhưng sau đó không có kế sinh nhai nên đành phải bỏ đi. Các công trình hạ tầng bỏ hoang 7, 8 năm nay”.

Khu TĐC Đồng Lớn này cho đến bây giờ vẫn không có một hộ dân nào vào sinh sống. Những người thuộc diện di dời đã đi khắp nơi. Một phần người dân trở về nơi cũ, một phần xuống làm nông ở xã Bình Thanh, một số khác làm nghề biển ở xã Bình Châu (huyện Bình Sơn)...

Tại khu TĐC thôn Đông Thuận cũng tương tự. Nhiều công trình thiết yếu như trạm y tế Đông Thuận với hơn 10 phòng bệnh, Trường cấp 1 Đông Thuận với 6 phòng học cũng bị bỏ hoang và đang xuống cấp.


Khu tái định cư Đồng Lớn xây dựng giữa đồi núi đá bị bỏ hoang mấy năm nay

Quay quắt gánh nặng mưu sinh

Tìm đến xóm Động, thôn Tuyết Diêm 1, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, đập vào mắt chúng tôi là 2 hình ảnh đối lập nhau: một bên là các công trình bề thế trong KKT Dung Quất, một bên là những căn nhà lụp xụp của người dân xóm Động. “Lẽ ra, cái xóm này đã di dời từ lâu rồi nhưng vì về nơi mới không biết làm gì sinh sống, chúng tôi mới ở tạm bợ nơi đây, sống qua ngày, đợi khi nào bị đuổi thì chúng tôi đi” - ông Phùng Mười, ngụ xóm Động, nói.

Khi nhận tiền đền bù nhường đất cho KKT Dung Quất, người dân xóm Động đến nơi TĐC nhưng nơi đây không có việc để họ làm. Tiền đền bù đất đai chỉ đủ để họ cầm cự vài tháng, đành chấp nhận quay về nơi cũ để kiếm kế sinh nhai. “Ở cái xóm này người giàu nhất bây giờ chỉ đủ tiền xây được cái chòi bằng gạch. Đa phần còn lại phải chạy ăn từng bữa.
Ngày trước, người ta còn có cái ăn, cái mặc” - ông Mười nói. Ông Lê Quang Sơn, Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, cho rằng đa số người dân xóm Động là những người nghèo, thậm chí rất nghèo, nhiều người chỉ quen với nghề biển, sống bên sông nước. Nếu bây giờ không cho họ cư ngụ nơi đó, bắt về nơi TĐC, chắc chắn họ sẽ đói.

Không chỉ ở xóm Động, ở rất nhiều nơi khác, khi nhường đất KKT Dung Quất, người dân phải sống cuộc sống tạm bợ, khổ cực trên chính mảnh đất mình sinh ra. Một số người chấp nhận vào các khu TĐC nhưng cũng thiếu thốn trăm bề.

Dung Quất đưa Quảng Ngãi vươn lên...

Theo Ban Quản lý KKT Dung Quất, trong năm 2011, giá trị sản lượng công nghiệp, thương mại, dịch vụ của KKT Dung Quất đạt 115.000 tỉ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 250 triệu USD; hàng hóa thông qua cảng Dung Quất đạt 5,3 triệu tấn; thu ngân sách trên địa bàn KKT Dung Quất đạt 15.532 tỉ đồng. Dự kiến, năm 2012 giá trị sản lượng công nghiệp, thương mại, dịch vụ đạt 150.000 tỉ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 250 triệu USD; sản lượng hàng hóa qua cảng đạt 7,5 triệu tấn; đóng góp nguồn thu ngân sách đạt 15.000 tỉ đồng. KKT Dung Quất góp phần đưa Quảng Ngãi vươn lên là một trong 10 tỉnh có mức thu ngân sách cao của cả nước.

Theo Tú Trực (Người Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.