Trước phản ánh của dư luận về hiện tượng giá nhà ở xã hội cao ngang ngửa nhà thương mại dù chủ đầu tư được hưởng vô số những ưu đãi của Nhà nước, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có mức giá trần cho nhà ở xã hội.
Hơn lúc nào hết, người dân hy vọng số tiền mình bỏ ra phải tương xứng với chất lượng thực sự của căn hộ. Tuy nhiên, đại diện bộ Xây dựng lại cho rằng, việc khống chế mức trần giá nhà xã hội là không thể. Câu chuyện xung đột giữa lợi ích của chủ đầu tư và khách hàng một lần nữa lại khiến thị trường bất động sản xôn xao.
Người tám lạng, kẻ nửa cân
Đó chính là mối tương quan khi đặt lên bàn cân so sánh mức giá của nhà ở xã hội và nhà thương mại hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, dù mang tiếng nhà ở xã hội nhưng nhiều dự án thậm chí chẳng rẻ hơn nhà thương mại là bao, trong khi chủ đầu tư được hưởng rất nhiều ưu đãi từ chính sách của Nhà nước. Đó chính là nghịch lý đang tồn tại khiến nhiều khách hàng không mấy mặn mà với câu chuyện xếp hàng chờ đợi để được mua nhà xã hội.
Một ví dụ điển hình nhất là dự án nhà ở xã hội SDU 143 Trần Phú và dự án Văn Phú Victoria đều thuộc quận Hà Đông (Hà Nội). Xét về tương quan lực lượng, cả hai dự án đều nằm ở những vị trí đắc địa với cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện. Một mang “vỏ bọc” nhà ở xã hội, một khoác chiếc áo nhà thương mại nhưng mức giá lại tương đương nhau.
Dự án nhà ở xã hội Trần Phú có mức giá tạm tính tới hơn 14,9 triệu đồng/m2 (bao gồm VAT). Trong khi đó, dự án Văn Phú - Victoria (Hà Đông) mức giá cũng chỉ từ 14,5 triệu đồng/m2, tùy vị trí căn hộ. Rõ ràng đây là một nghịch lý!
Nhìn vào thực tế, dự án nhà ở xã hội Trần Phú hiện mới chỉ động thổ, tương lai có được ngôi nhà trong mơ vẫn rất xa vời. Trong khi đó, dự án Văn Phú - Victoria hiện đã xây xong phần thô đang trong quá trình hoàn thiện. Về mặt tiến độ, Văn Phú - Victoria “ăn đứt” “người hàng xóm” Trần Phú.
Cũng tại khu vực Hà Đông, một số dự án thương mại khác cũng “ăn đứt” nhà ở xã hội. Đơn cử, dự án chung cư viện 103 (Văn Quán) đang được rao bán trên thị trường từ 13,9 – 14,5 triệu đồng/m2 (đã gồm VAT và 2% phí bảo trì). Dự án chung cư thương mại ở 110 Trần Phú hiện đã xây xong thô và đang bán với giá từ 18 – 18,5 triệu đồng/m2 (đã bao gồm VAT).
Đó là chưa kể, để mua được nhà ở xã hội, khách hàng cũng phải trải qua khá nhiều “cửa ải” gian lao. Việc hỗ trợ lãi suất vay của nhà ở xã hội do vướng quá nhiều điều kiện và thủ tục nên gần như rất ít khách hàng có thể tiếp cận được. Trong khi đó, tại nhiều dự án nhà ở thương mại giá rẻ, chủ đầu tư đã chủ động liên kết với các ngân hàng và đưa ra mức lãi suất 6%/năm trong sáu tháng hoặc một năm đầu tiên. Thủ tục vay ưu đãi khá đơn giản, người mua nhà trở thành “thượng đế” theo nghĩa thực sự.
Có khắc chế được sự thao túng giá của chủ đầu tư?
Dù giá nhà ở xã hội mới chỉ là giá tạm tính, nhưng một số chủ đầu tư cho hay, mức giá chính thức không khác nhiều so với giá tạm tính. Như vậy, khi những người có thu nhập thấp đang lo ngay ngáy khi dự án nhà ở xã hội cứ đắt dần lên, ngang ngửa với nhà thương mại? Câu chuyện về lợi ích của người dân và doanh nghiệp lại khiến dư luận băn khoăn.
Ảnh minh họa.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Mạc Vũ Quản, Giám đốc sàn bất động sản Việt Bình Minh thừa nhận, cuộc chiến cạnh tranh giữa nhà ở thương mại và nhà ở xã hội đang bước vào giai đoạn khốc liệt. Sức ép về giải phóng hàng tồn kho đang rất lớn cho doanh nghiệp.
Trên thực tế, để đưa ra những chính sách ưu đãi ngang ngửa với các dự án nhà ở xã hội, nhiều dự án nhà ở thương mại đã phải chấp nhận không có lợi nhuận, thậm chí cắt lỗ để bán hàng. Nhưng cũng phải thừa nhận trong cuộc cạnh tranh này, người mua nhà đang được hưởng lợi.
Từ thực tế đó, nhiều chuyên gia uy tín trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, cần thiết phải quy định mức trần về giá nhà ở xã hội để chủ đầu tư không “ăn quá dày”. Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, theo quy định, khi lựa chọn phân khúc nhà ở xã hội, chủ đầu tư đã bị khống chế mức lãi định mức là 10%.
Song, đã là nhà ở xã hội thì phải khống chế giá và cần phải có mức giá trần. Nay thị trường đã xuống giá mạnh, đã có căn hộ thương mại 10 triệu/m2 thì chẳng có lý do gì giá nhà xã hội vẫn cao. “Đến thời điểm này mà chủ đầu tư vẫn đưa ra mức giá tạm tính thì cần phải xem lại. Theo tôi, cần kiểm soát lại giá thành xây dựng của nhà ở xã hội, để buộc các chủ đầu tư hạ giá”, TS. Liêm thẳng thắn.
Tuy nhiên, phía bộ Xây dựng lại không mấy đồng thuận với ý tưởng quy định giá trần đối với nhà xã hội. Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (bộ Xây dựng), việc khống chế mức giá trần đối với nhà ở xã hội là không phù hợp. Doanh nghiệp làm nhà xã hội cũng phải thu hồi vốn, Nhà nước đã khống chế lãi định mức 10%. “Tùy từng điều kiện, tùy từng loại nhà mà có giá thành xây dựng khác nhau. Còn khống chế nhà ở xã hội chỉ được phép bán 8 - 10 triệu đồng mỗi m2 thì không phù hợp”, ông Hà nói thêm.
Câu chuyện về nghịch lý giữa giá nhà thương mại và nhà ở xã hội vẫn chưa tìm được hồi kết. Dư luận vẫn đang ngóng chờ đánh giá công bằng từ các cơ quan hữu quan. A.V
Giá nhà ở xã hội cao quá thì không mua nữa! Mới đây, tại hội thảo về nhà ở xã hội do bộ Xây dựng và Ngân hàng Thế giới tổ chức, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng, những dự án nhà ở thương mại có vị trí ở xa thì giá còn rẻ hơn nhà ở xã hội gần trung tâm. Đất ở gần giá rất đắt, Nhà nước không thu tiền đất nhưng doanh nghiệp phải đi mua của dân, hạ tầng tốt thì giá cao. “Có nơi chỉ bán 8,7 triệu đồng/m2, có nơi bán giá 11-12 triệu đồng/m2, người dân được quyền lựa chọn mua. Nếu giá nhà ở xã hội cao quá thì người dân không mua nữa, có thể lựa chọn mua nhà ở thương mại”, Thứ trưởng Nam nhấn mạnh. |