19/12/2015 11:27 PM
Khả năng có dòng vốn dịch chuyển mạnh từ USD sang tiền đồng là rất khó bởi tâm lý người gửi USD vào ngân hàng không chỉ để hưởng lãi suất mà còn kỳ vọng tỉ giá tăng
Từ ngày 18-12, lãi suất tiền gửi bằng USD đối với tổ chức và cá nhân là 0%/năm (mức trước đây là 0,25%), theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm thực hiện chủ trương chống đô-la hóa và chuyển từ quan hệ huy động - cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua - bán bằng ngoại tệ. Quyết định của NHNN được xem là bước ứng phó đầu tiên sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cơ bản.
Vẫn chọn gửi USD
Chiều 18-12, ghi nhận tại một số NH thương mại ở TP HCM, nhân viên giao dịch mới bắt đầu thay đổi biểu lãi suất tiền gửi USD về 0% và hướng dẫn cho khách hàng đến giao dịch. Trong khi đó, biểu niêm yết trên website của nhiều NH thương mại vẫn để mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng USD là 0,25%/năm, do chưa cập nhật kịp. Ghi nhận trong ngày không có sự đột biến trong doanh số mua ngoại tệ của NH từ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp (DN), cũng không có nhiều người quyết định bán USD cho NH để gửi VNĐ.
Giao dịch USD tại một ngân hàng ở TP HCM ngày 18-12 Ảnh: TẤN THẠNH
Phó tổng giám đốc một NH cổ phần quy mô lớn cho biết không nhiều người tất toán sổ tiết kiệm bằng USD trước hạn để chuyển sang VNĐ. Thậm chí, một số khách hàng còn nói sẽ mua thêm ngoại tệ vì sợ tỉ giá tăng. “Lãi suất tiền gửi USD thực chất khá thấp thời gian qua và xuống mức 0,25%/năm từ tháng 9-2015. Nay lãi suất về 0%/năm cũng khó kích thích người dân rút USD chuyển sang VNĐ bởi họ kỳ vọng hưởng lợi từ điều chỉnh tỉ giá nhiều hơn” - vị này lý giải.
Chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu nhận xét động thái hạ lãi suất đồng USD của NHNN trong bối cảnh FED tăng lãi suất là bước đi phù hợp nhằm chống găm giữ ngoại tệ. “NHNN kỳ vọng sẽ có dòng ngoại tệ dịch chuyển từ VNĐ sang để tăng cung ngoại tệ cho thị trường, khi nhu cầu về ngoại tệ cuối năm tăng cao. Nhưng quan trọng là biện pháp tiếp theo để ứng phó với FED và cả đồng nhân dân tệ Trung Quốc đang tiếp tục giảm giá là gì, đây mới là điều thị trường quan tâm?” - TS Hiếu nói. Cũng theo ông, một số người đang nắm giữ USD chờ tỉ giá tăng để bán ra hưởng chênh lệch nên dù lãi suất tiền gửi có thấp, họ vẫn chọn giữ USD.
Sức ép tỉ giá vẫn lớn
Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, trong khi FED tăng lãi suất thì NHNN làm ngược lại và chính sách này có thể làm giảm động lực cho dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam.
Với khu vực trong nước, ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Chứng khoán SJC, phân tích mức lãi suất 0,25%/năm không phải hấp dẫn nên dù có giảm về 0%/năm như hiện nay, người có ngoại tệ vẫn không hẳn bán để chuyển sang VNĐ. Chưa kể một số DN giữ ngoại tệ cho mục đích thanh khoản (thanh toán các khoản gần đến hạn) nên sẽ khó có dòng vốn dịch chuyển mạnh từ USD sang VNĐ.
“Càng giảm lãi suất tiền gửi USD càng cho thấy sức ép lên tỉ giá vẫn còn và thị trường có thể kỳ vọng NHNN sẽ điều chỉnh tỉ giá trong tương lai. Kết quả là nhiều người chọn giữ USD không phải để nhận lãi suất tiền gửi mà kỳ vọng tỉ giá tăng. Chưa kể dù có bán USD chưa chắc người dân sẽ chuyển hết sang VNĐ mà còn nhiều kênh khác như bất động sản, chứng khoán” - ông Đỗ Thiên Anh Tuấn phân tích.
Một diễn biến khác, ngay sau khi FED tăng lãi suất, Trung Quốc đã có động thái phá giá tiếp đồng nhân dân tệ. Điều này càng khoét sâu thêm thâm hụt thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc và gián tiếp tạo áp lực lên tỉ giá USD/VNĐ trong tương lai. Do đó, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng NHNN cần linh hoạt hơn với tỉ giá và phát ra tín hiệu cho thị trường. Khi đó, các DN xuất nhập khẩu phải tìm cách phòng vệ, ứng phó với tỉ giá thay vì ỷ lại vào NHNN rằng tỉ giá sẽ ổn định hoặc chỉ biến động 2%-3% như cách làm hiện nay. “Sức ép lên tỉ giá trong 2-3 năm tới sẽ giảm nếu lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp, bởi đây mới thật sự là nguồn gốc của vấn đề” - ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nói.
Nhu cầu ngoại tệ vẫn cao
Trên thực tế, nhu cầu về ngoại tệ tiếp tục tăng cao dịp cuối năm. Giá USD trong các NH thương mại hôm 18-12 tiếp tục ở mức kịch trần biên độ cho phép, 22.547 đồng/USD bán ra, chiều mua vào một số NH thương mại nâng lên tới 22.540 đồng/USD hoặc thậm chí có ngày giá mua vào bằng với bán ra. Kế toán trưởng của một công ty xuất nhập khẩu cho biết công ty ông đang có khoảng 1,5-2 triệu USD cần bán lấy VNĐ và được các NH liên tục săn đón, cho thấy cầu ngoại tệ đang cao.
“Vài ngày trước, khoản ngoại tệ của công ty được một NH quốc doanh chào mua giá 22.543 đồng/USD, chỉ thấp hơn giá kịch trần 3 đồng/USD, cho thấy nhu cầu mua ngoại tệ của NH là rất lớn” - ông nói.
Trong khi đó, một số DN xuất khẩu cho biết việc NHNN hạ lãi suất USD về 0% không ảnh hưởng đến DN do lâu nay khi có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu, DN đều bán cho NH lấy VNĐ để sản xuất - kinh doanh. Ngược lại, việc vay ngoại tệ cũng chỉ áp dụng với những DN có nguồn thu ngoại tệ nên quyết định này cũng không tác động lớn.
Thái Phương (NLĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.