Tòa nhà được xây 2 block tách biệt, nhưng do 5 trong số 6 thang máy của tòa nhà bị hỏng, những hộ tầng thấp phải đi cầu thang bộ lên xuống, còn cư dân tầng 8-9 (những tầng cao nhất) phía bên này “liều mạng” vượt qua mái tôn để sang block bên kia, nơi cũng chỉ còn một thang máy hoạt động, để đi nhờ. Trẻ con, người già vẫn gieo tính mạng của mình trên những tấm tôn nóng bỏng trưa nắng, trơn trượt chiều mưa, từng ngày như thế…
Cư dân G9 Xuân Đỉnh phải leo lên nóc nhà để đi lại
Sự việc kéo dài như vậy và chỉ được dư luận biết đến khi mới đây một số trang mạng, truyền hình đăng tải lại. Phóng viên một báo hình có mặt trực tiếp trên những tấm tôn mái ấy cảm thán: “Đi qua hãi lắm!”. Nhưng, anh phóng viên nọ mới chỉ là người liều mình để cảm nhận ở vị trí người dân khi làm phóng sự, với hàng trăm cư dân G9 Xuân Đỉnh thì đó là điều họ trải nghiệm mỗi ngày.
“Người ta nói chủ dự án phủi trách nhiệm, bỏ đi hết rồi”, phóng viên truyền hình nói trên cho biết. “Người dân chẳng biết tìm ai để hỏi quỹ bảo trì của họ giờ ở đâu, làm sao để có nguồn tiền sửa thang máy, sửa chữa tường nứt, kính vỡ…”. Bức xúc với tình trạng hiện nay của tòa chung cư, người dân G9 đã nhiều lần làm đơn thư gửi đi các cấp, nhưng không có giải pháp khả thi nào được đưa ra để xử lý dứt điểm vấn đề…
Tình trạng nhà tái định cư xuống cấp nhanh chóng không phải là hiếm trên địa bàn Hà Nội, nhất là ở những chung cư xây dựng khoảng 10 năm trở về trước. Người viết từng đến nhiều chung cư như thế, chuyện thang máy hỏng rất phổ biến. Chưa kể, nhà lún khiến hè đường quanh tòa nhà sụt xuống, vênh váo. Tường nứt có thể lùa que đũa qua, gạch hành lang không được lát chắc chắn trở nên bong, vỡ. Thiếu một số tiện ích cơ bản, đặc biệt là nhà sinh hoạt cộng đồng…
Cho đến nay, chưa có thống kê nào về hiện trạng nhà tái định cư là chung cư. Nhưng tin chắc rằng, nếu rà soát tại 173 tòa nhà chung cư với 15.210 căn hộ thuộc diện nhà tái định cư tại Hà Nội, sẽ có nhiều vấn đề về chất lượng tòa nhà, căn hộ, tiện ích… Vì sao lại như vậy?
Trong các dự án tái định cư, việc tìm kiếm nhà thầu thường qua các hình thức như BT (xây dựng - chuyển giao), chỉ định thầu, đấu thầu… Các bên liên quan trực tiếp thường là chủ dự án với nhà thầu, mà rất “vắng” vai trò người dân - những người sẽ ở nhà tái định cư. Khi mà thiếu vắng vai trò người dân như thế, chủ dự án có động lực để xây nhà chất lượng không, từ nguồn tài chính của mình trong trường hợp nhà tái định cư này? Với câu hỏi đó, tin chắc nhiều người sẽ có cùng trả lời là không.
Nếu để lựa chọn phương án xây nhà chất lượng tốt, với chất lượng vừa phải và giá rẻ, có lẽ đa số chủ dự án nhà tái định cư sẽ chọn giá rẻ. Và vì giá rẻ, yêu cầu sẽ không được đặt ra quá cao đối với nhà thầu, thậm chí rất có thể còn xuê xoa một số sai phạm trong thi công? Cho nên, để xảy ra tình trạng chất lượng nhà tái định cư kém như hiện nay, vấn đề trách nhiệm và vai trò giám sát của chủ dự án cũng đáng phải nêu lên.
Trở lại với chung cư G9, một nguồn tin cho biết Chủ tịch thành phố đã nắm được sự việc, chắc sẽ sớm có thang máy cho cư dân. Đó là tin đáng mừng cho 120 hộ G9, khi cái Tết Âm lịch đang đến thật gần. Nhưng về lâu về dài, người dân sẽ phải tự chủ trước các vấn đề của mình, khi mà chủ dự án đã “phủi trách nhiệm” và thành phố không thể là bầu sữa để hỗ trợ mãi.
Rộng ra với các khu tái định cư khác, vì là người sinh sống và phải chịu đựng những bất tiện, những hiểm nguy có thể xảy ra suốt một đời dự án, người dân phải được tham gia vào từ quá trình lập quy hoạch địa điểm, phân khu, thiết kế, chọn nhà thầu, thi công, giám sát, hoàn thiện, bàn giao… Chỉ có như thế, vì quyền lợi của mình, các chung cư tái định cư mới trở nên là nơi đáng sống, chứ không phải những tòa nhà mà ở đó, người dân “sống trong sợ hãi”.