Dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền cần quy định rõ tính chất, mức độ của những dấu hiệu giao dịch rửa tiền đáng ngờ

Tại TPHCM ngày 8-2, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM đã tổ chức họp lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền. Hai nội dung được các đại biểu tập trung bàn thảo là quy định về những giao dịch đáng ngờ và trì hoãn giao dịch đối với các giao dịch có dấu hiệu rửa tiền.


Cần quy định cụ thể


Theo nội dung của dự luật, có rất nhiều dấu hiệu giao dịch rửa tiền đáng ngờ, nhưng các giao dịch đáng ngờ nhất thường tập trung vào lĩnh vực tài chính và bất động sản.


Trong lĩnh vực ngân hàng, giao dịch đáng ngờ nhất thường thể hiện doanh số trên tài khoản thay đổi đột biến, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển tiền ra nước ngoài sau khi nhận tiền từ nước ngoài chuyển vào Việt Nam. Đối với lĩnh vực bảo hiểm, khách hàng yêu cầu mua bảo hiểm giá trị lớn, các công ty bảo hiểm thường xuyên chi trả số tiền lớn cho một khách hàng. Trong giao dịch chứng khoán, cá nhân hay tổ chức thực hiện mua bán cổ phiếu bất thường trong nhiều ngày. Đối với bất động sản, khách hàng không quan tâm đến giá cả nhà đất, không cung cấp thông tin liên quan đến bất động sản hay nhân thân…

Khó trì hoãn giao dịch “đen”
Còn nhiều bất cập trong các biện pháp ngăn chặn rửa tiền (ảnh chỉ có tính chất minh họa). Ảnh: Hồng Thúy

Nhiều đại biểu dự họp cho rằng các hành vi rửa tiền thường biểu hiện khi giá trị hàng hóa giao dịch quá chênh lệch so với giá trị thực tế; chủng loại hàng hóa không phù hợp với ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp; hàng hóa trao tay qua nhiều tổ chức mà không có lý do rõ ràng. Dòng tiền thâm nhập các quốc gia đang phát triển có nguồn gốc từ khách du lịch, đầu tư vào bất động sản, chứng khoán... có thể là một loại hình rửa tiền tinh vi. Do vậy, theo ông Võ Văn Thuần, Phó chánh Thanh tra Ngân hàng (NH) Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TPHCM, dự luật cần phải làm rõ các hành vi rửa tiền, quy định cụ thể, chi tiết về tính chất, mức độ của những dấu hiệu giao dịch rửa tiền đáng ngờ nhằm tránh những rắc rối có thể phát sinh.


Vướng ở giao dịch “đen”


Một nội dung đáng chú ý khác của dự luật là cho phép NH trì hoãn giao dịch không quá 5 ngày làm việc khi khách hàng nằm trong “danh sách đen” (đối tượng nghi ngờ rửa tiền) hoặc có lý do hợp lý để nghi ngờ khoản tiền giao dịch liên quan đến rửa tiền. Đại diện NH Xuất Nhập khẩu Việt Nam lập luận: Cơ sở nào để NH không thực hiện giao dịch? Sau 5 ngày đó, nếu NH tiếp tục trì hoãn giao dịch thì giải quyết ra sao?...


Đại diện NH Sài Gòn Thương Tín cũng băn khoăn về quy định trì hoãn giao dịch. Nếu NH đưa ra lý do khách hàng có tên trong “danh sách đen” thì đối tượng rửa tiền sẽ nhận biết. Mặt khác, “danh sách đen” do cơ quan công an cung cấp cách đây 5 năm nhưng đến nay vẫn chưa cập nhật thông tin mới. Vì thế, dự luật nên quy định các cơ quan chức năng phải cập nhật thông tin đối tượng nghi ngờ rửa tiền. NH có quyền trì hoãn hoặc không thực hiện giao dịch khi khách hàng đó có tên trong “danh sách đen”.


Còn đại diện Công ty Bảo hiểm Prudential Việt Nam cho biết quy định này có thể gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng, NH bởi trên thực tế không được cơ quan công an cung cấp “danh sách đen”. Đại diện một số NH khác đồng tình cho rằng mọi thông tin về giao dịch đáng ngờ đều được NH báo cáo về cơ quan phòng chống rửa tiền của NH Nhà nước nhưng gần như không có phản hồi.


Theo TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, mọi ý kiến sẽ được tiếp thu để các đại biểu Quốc hội chuẩn bị ý kiến đóng góp cho Luật Phòng chống rửa tiền tại kỳ họp Quốc hội sắp tới. Về cơ quan phòng chống rửa tiền trực thuộc NH Nhà nước Việt Nam hay giao về Bộ Công an, tới đây, Quốc hội cũng sẽ phân cấp rõ.

Theo Thy Thơ (Người lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.