Ngày 9-5, tổng hợp mới nhất từ Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cho biết, số thửa đất dịch vụ đã giao được cho người dân chỉ đạt 11% tổng số nhu cầu. Nhiều huyện không giao được thửa đất nào. Đây là con số quá thấp so với nhu cầu rất lớn hiện nay.

Một số khu đất đã xong hạ tầng nhưng chưa giao được cho người dân

Dân chờ từng ngày


Từ năm 2008, khi Hà Nội chính thức mở rộng địa giới hành chính, câu chuyện đất dịch vụ (diện tích đất bồi thường bằng 10% cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp) đã trở thành vấn đề nóng bỏng ở Thủ đô. Người dân đề nghị thành phố quan tâm, đốc thúc các đơn vị liên quan khẩn trương giải quyết dứt điểm đất dịch vụ để người dân sớm ổn định cuộc sống. Ông Nguyễn Thanh Long (Di Trạch, Hoài Đức) nói: “Dân đang rất mong đất dịch vụ. Chúng tôi mong từng ngày để được giao đất. Đây là vấn đề an sinh xã hội nên người dân tha thiết đề nghị TP chỉ đạo UBND huyện nhanh chóng làm dự án để giải quyết dứt điểm”. Bức xúc không kém, ông Nguyễn Bá Khải, thôn Dậu 1 (Di Trạch, Hoài Đức) nói: “Chúng tôi chờ lâu quá rồi, không biết tới bao giờ mới được giao đất? Dự án vướng quy hoạch hay khó khăn thế nào không rõ nhưng đã hứa với dân rồi thì phải trả đất để chúng tôi yên tâm sản xuất. Đề nghị TP sớm vào cuộc tháo gỡ vướng mắc để người dân sớm được nhận đất”.

Phó Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội, ông Nguyễn Minh Mười cho biết, tổng diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi trên địa bàn thành phố thuộc diện được giao đất dịch vụ là 7.735,1 ha. Như vậy, tổng nhu cầu đất dịch vụ phải giao là 788,6ha (đất thương phẩm), với tổng số hộ có nhu cầu là 77.543 hộ. Trong đó, 731,4ha đã có quyết định thu hồi, gồm cả đất xây dựng hạ tầng kỹ thuật (HTKT), đạt khoảng 65% so với tổng nhu cầu. Hiện nay, quỹ đất dịch vụ vẫn còn thiếu 207ha (nếu tính cả diện tích xây dựng HTKT là 295ha). Tuy nhiên, trong tổng diện tích trên mới có 57,9ha đang triển khai GPMB (đạt khoảng 43%) và 258,8ha xây dựng xong HTKT (đạt 35%).

Nhu cầu là rất lớn song tính đến tháng 5-2013, kết quả giao đất dịch vụ cho các hộ dân đạt quá thấp so với nhu cầu. Toàn thành phố mới giao được 48,44ha, tương ứng với 9.080 hộ, đạt 11% số hộ có nhu cầu. Hiện nay, mới chỉ có huyện Đan Phượng là cơ bản giao xong đất dịch vụ cho các hộ dân (đạt khoảng 90%) và quận Hà Đông đạt khoảng 20%. Dự kiến, đến hết năm 2013, Hà Đông giao thêm gần 6.500 hộ thì mới đạt 41%. Còn lại các quận, huyện khác tiến độ triển khai thực hiện rất chậm. Thậm chí, một số nơi chưa giao được thửa đất nào như Mê Linh, Thạch Thất, Từ Liêm, Quốc Oai, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm...

Phải trả hết đất cho dân

Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong giao đất dịch vụ cho dân, ông Nguyễn Minh Mười cho biết, vướng mắc chủ yếu nằm ở đối tượng xét duyệt và cơ chế giao đất dịch vụ. Huyện Mê Linh là ví dụ điển hình về vướng cơ chế. Hiện nay, một số khu đất ở huyện này đã xong HTKT nhưng không giao đất cho các hộ dân được.

Tại quận Hà Đông, nhiều hộ bị thu hồi với diện tích lớn (lên tới 5.000- 6.000m2), nhưng nếu áp dụng nguyên tắc tính 10% diện tích bị thu hồi và hạn mức giao đất thì các hộ này cũng chỉ được giao 50m2 đất dịch vụ. Trong khi đó, có những hộ chỉ bị thu hồi khoảng 500m2 cũng được giao 1 thửa đất 50m2. Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Nguyễn Trường Sơn cho rằng, nếu áp dụng “cứng” theo nguyên tắc tối đa không quá 50m2/hộ sẽ không đảm bảo tính công bằng giữa hộ bị thu hồi diện tích lớn với hộ bị thu hồi diện tích nhỏ nên không được nhân dân đồng tình ủng hộ, dẫn đến việc thực hiện GPMB tại các dự án bị chậm trễ.

Một nguyên nhân quan trọng nữa khiến việc giao đất ì ạch là tình trạng thiếu vốn đầu tư xây dựng HTKT các khu đất. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp được giao đất trước đây, nay gặp khó khăn về vốn, bắt đầu tìm cách thoái thác trách nhiệm ứng vốn để GPMB và xây dựng HTKT. Đây là vấn đề lớn hiện nay bởi tính sơ bộ, để GPMB và xây dựng HTKT đối với diện tích đất dịch vụ còn thiếu (295 ha), Hà Nội sẽ cần số vốn khoảng 4.700 tỷ đồng.

Xung quanh vấn đề đất dịch vụ, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho biết, chủ trương của thành phố là tôn trọng và thực hiện đúng các chính sách, phương án giao đất đã phê duyệt cho các hộ dân trước khi hợp nhất về Thủ đô. Do đó, TP yêu cầu các địa phương phải tập trung giải quyết dứt điểm các vướng mắc, tồn tại để trả hết đất dịch vụ cho dân, nhằm ổn định cuộc sống và đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Trước mắt, TP chỉ đạo các quận, huyện, thị xã đã hoàn thành xây dựng HTKT các khu đất dịch vụ phải khẩn trương xét duyệt, tổ chức lập, công khai phương án và sớm bàn giao cho dân. Các ngành chức năng phải tổng hợp, cân đối các nguồn vốn ngân sách, bố trí đủ vốn để GPMB, xây dựng HTKT theo đề nghị của các quận, huyện...

Thành Nam (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.