Cũng theo nhận định của ông Tài, nếu lãi suất cho vay thỏa thuận giảm thêm trong thời gian tới, khả năng sẽ thu hút nhiều hơn khách hàng vay vốn mua nhà, đất, cũng như tiêu dùng trả góp, nhất là khi nhu cầu của khách hàng tiêu dùng gia tăng dịp cuối năm. Tuy nhiên, các ngân hàng chưa dễ mạnh tay giảm lãi suất tiền gửi.
Ông Đàm Thế Thái, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân (Ngân
hàng TMCP An Bình - ABBank) cho biết, tính từ đầu năm đến nay, dư nợ
cho vay tiêu dùng cá nhân của ABBank đạt 4.210 tỷ đồng. Trong đó, vay
mua nhà đạt mức khá cao, với 1.930 tỷ đồng, chiếm 46% tổng dư nợ vay cá
nhân. ABBank kỳ vọng, cuối năm nay, dư nợ cho vay cá nhân của ABBank sẽ
đạt mức 7.000 tỷ đồng. Thế nhưng, với mức lãi suất áp dụng 14,5% -
16%/năm hiện nay, ABBank cũng khó khăn trong việc thu hút khách hàng cá
nhân vay vốn, cho dù nhu cầu về nhà ở cũng như tiêu dùng thực tế vẫn
luôn cao.
Chính vì vậy, ABBank đã đưa ra sản phẩm “vay tiền đắc lộc” dành cho khách hàng cá nhân vay tiền bằng VND, với thời hạn vay từ 12 tháng trở lên. ABBank dành 300 thẻ Visa Gold debit mỗi thẻ trị giá 500.000 đồng cho 300 khách hàng đầu tiên được giải ngân từ 500 triệu đồng trở lên trong thời gian từ nay đến ngày 30/8.
Tương tự, HDBank triển khai sản phẩm “Ứng trước tài khoản cá nhân”, cho phép khách hàng có thu nhập từ 3 triệu đồng trở lên được sử dụng vượt số tiền có trong tài khoản lên đến 500 triệu đồng. Thời hạn linh hoạt 3 - 12 tháng (tùy điều kiện và nhu cầu, khách hàng có thể chọn hình thức ứng trước tài khoản không có tài sản bảo đảm, hoặc có tài sản bảo đảm.
Có thể nói, với tín dụng cá nhân hiện được hầu hết các ngân hàng xem là sản phẩm cho vay chủ đạo. Tuy rủi ro cao hơn so với các khoản tín dụng lớn, nhưng lợi nhuận thu về trong quá trình phát triển loại hình cho vay này cao hơn. Qua đó, các ngân hàng cũng dễ dàng để phát triển dịch vụ tài chính bán lẻ, nhằm gia tăng nguồn thu trong hoạt động.
Thế nhưng, các ngân hàng thừa nhận, muốn phát triển được loại hình tín dụng này trong bối cảnh lãi suất cho vay thỏa thuận chưa thể giảm thêm là điều không dễ. Tâm lý của khách hàng cá nhân không muốn phải trả mức lãi vay 15 - 17%/năm để mua nhà, hoặc tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay.
Mặc dù chủ trương của Chính phủ là hạ dần lãi suất huy động về 10%/năm để có điều kiện giảm lãi vay thỏa thuận xuống mức hợp lý 12%/năm trong thời gian tới, nhưng khi lãi vay giảm xuống mức này, các cá nhân cũng khó có cơ hội vay được vốn giá rẻ.theo Báo Đầu tư