02/06/2017 8:44 AM
Đó là thực trạng xảy ra tại UBND huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) trong nhiều năm qua, khi có hàng trăm ha rừng bị lấn chiếm, khó thu hồi.
Nhiều hộ dân ở thôn Boong Kinh, xã Nâm N'Jang (Đắk Song) dựng nhà gỗ trên diện tích rừng bị lấn chiếm
Nhiều năm nay, UBND huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) đã triển khai việc rà soát, xây dựng phương án cưỡng chế 29,14ha đất rừng dọc quốc lộ 14 do người dân địa phương lấn chiếm để xây dựng nhà cửa và lấy đất sản xuất. Nhưng quá trình thực hiện cưỡng chế, thu hồi đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc.
Số hồ sơ vi phạm tăng
Rừng phòng hộ cảnh quan quốc lộ 14 (QL14) được UBND tỉnh Đắk Nông giao cho Công ty Lâm nghiệp Đắk Song và Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân quản lý từ năm 2007 với tổng diện tích ban đầu là 581,8ha. Trong quá trình 2 đơn vị trên quản lý, tình hình lấn chiếm, phá rừng diễn biến rất phức tạp, khó kiểm soát nên đến năm 2010, UBND tỉnh đã thu hồi, giao cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh và UBND huyện Đắk Song quản lý. Khi đó, diện tích rừng phòng hộ cảnh quan chỉ còn hơn 361ha. Sau khi rà soát, quy hoạch điều chỉnh bổ sung, đến tháng 9-2013, UBND tỉnh đã quyết định thu hồi 29,14ha đất thuộc rừng phòng hộ cảnh quan QL14 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh giao về cho UBND huyện Đắk Song quản lý, đồng thời thu hồi bổ sung 48,7ha đất có rừng từ địa phương giao cho Chi cục Kiểm lâm quản lý, đưa vào quy hoạch.
Nhiều hộ dân ở thôn Boong Kinh, xã Nâm N’Jang (Đắk Song) đã dựng lều gỗ và sinh sống ổn định nhiều năm nay trên diện tích được xác định là do lấn chiếm đất rừng
Tháng 11-2013, UBND huyện Đắk Song ban hành quyết định phê duyệt phương án về việc cưỡng chế, giải tỏa các đối tượng lấn chiếm, sử dụng đất rừng trái pháp luật tại khu rừng phòng hộ cảnh quan QL14. Qua kiểm tra, xác minh, lực lượng chức năng đã lập hoàn chỉnh 96 hồ sơ vi phạm. Ngoài 3 hộ gia đình đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) được đưa ra ngoài phương án cưỡng chế, 13 hộ đã tự nguyện di dời nên chỉ còn 80 trường hợp phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, tiến tới cưỡng chế nếu không chấp hành.
Tháng 4-2014, lực lượng chức năng đã tổ chức thành công đợt cưỡng chế giai đoạn 1 đối với 42 trường hợp vi phạm thuộc quy hoạch mới rừng phòng hộ cảnh quan QL14. Như vậy, chỉ còn 38 trường hợp phải tổ chức cưỡng chế vì lấn, chiếm 29,14ha đất đã giao về cho địa phương quản lý. Để thực hiện phương án cưỡng chế giai đoạn 2, UBND huyện Đắk Song đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện tiến hành rà soát và phát hiện có 70 đối tượng vi phạm, tăng so với ban đầu 32 đối tượng.
Theo ông Nguyễn Duy Hiển, Trưởng phòng TN-MT huyện Đắk Song, diện tích 29,14ha bị lấn, chiếm nằm trải dài trên 30km dọc QL14, đoạn giáp thị xã Gia Nghĩa, qua xã Trường Xuân và Nâm N’Jang đến giáp thị trấn Đức An.
Đùn đẩy trách nhiệm
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong số 29,14ha được xác định do người dân lấn, chiếm đất rừng thì có nhiều hộ dân đã dựng nhà cửa và sinh sống ổn định cách đây rất lâu. Đơn cử như trường hợp của gia đình ông Đặng Đình Hùng, ở thôn 2, xã Trường Xuân, chuyển đến đây dựng lều gỗ và sinh sống từ năm 2004. Qua nhiều năm, căn nhà gỗ xuống cấp nên vào năm 2016, gia đình ông đã xây gạch, lợp tôn. Khu vực nhà của ông Hùng đất đai khá cằn cỗi, chỉ có thể ở và chăn nuôi.
Những năm qua, ông Hùng đã có công bảo vệ rất tốt khu rừng thông phòng hộ cảnh quan QL14 và được chính quyền địa phương tin tưởng, giao cho quản lý, bảo vệ 4,7ha rừng thông quanh nhà. Gia đình ông rất mong muốn được ở ổn định tại đây và tiếp tục được bảo vệ diện tích rừng được giao. Tương tự, gia đình bà Cao Hồng Thất Tương, ở thôn Boong Kinh, xã Nâm N’Jang cũng dựng lều gỗ từ năm 2001 và sinh sống ổn định từ đó tới nay. Gia đình bà đông con, hoàn cảnh kinh tế khó khăn và hiện vẫn phải sống trong căn lều gỗ lụp xụp; bà mong muốn được định cư tại chỗ và đề nghị cơ quan chức năng xem xét, sớm cấp GCNQSDĐ để gia đình yên tâm, ổn định cuộc sống làm ăn.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Duy Hiển, Trưởng phòng TN-MT huyện Đắk Song, ngoài một số hộ dân đã ở ổn định từ lâu, không ít trường hợp người dân từ nơi khác đến mua lại và xây dựng nhà cửa trong mấy năm gần đây. Khi triển khai và thành lập một số thôn, bon trên địa bàn, địa phương cũng chưa quy hoạch ổn định các khu dân cư nên dẫn đến tình trạng một số khu vực dân cư ở ổn định, đông đúc nhưng không đúng quy hoạch sử dụng đất.
Tháng 8-2016, UBND huyện Đắk Song đã có báo cáo gửi UBND tỉnh về việc triển khai cưỡng chế 29,14ha đất dọc QL14. Theo UBND huyện Đắk Song, diện tích trên không thể sử dụng được cho mục đích phát triển lâm nghiệp vì manh mún, nhỏ lẻ, nằm rải rác trên 30km QL14 và đã được cơ quan chức năng bóc tách đưa ra khỏi quy hoạch rừng phòng hộ cảnh quan và giao về cho địa phương quản lý. Trên diện tích này, có những hộ dân đã ở từ lâu nên việc ổn định dân cư là cần thiết.
Trong khi đó, theo Luật Đất đai năm 2013 thì UBND cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư trước khi thu hồi đất nhưng hiện địa phương chưa bố trí được đất tái định cư cho các hộ dân bị cưỡng chế. Vì vậy, UBND huyện Đắk Song đề nghị UBND tỉnh đồng ý cho tạm dừng việc cưỡng chế 29,14ha, đồng thời cho địa phương kiểm tra, rà soát và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đối với diện tích trên cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Tuy nhiên, Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông chỉ đạo huyện Đắk Song phải xử lý dứt điểm vụ việc 29,14 ha bị lấn chiếm.
Lê Phước (SGGP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.