Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 9,53 tỉ USD, riêng lĩnh vực bất động sản (BĐS) đứng thứ hai với 20 dự án trị giá 1,13 tỉ USD, trong đó phần lớn là dự án BĐS nghỉ dưỡng, du lịch. Dù vậy, tại diễn đàn của Hội BĐS Du lịch Việt Nam diễn ra cuối tuần qua, các nhà đầu tư cho rằng đang có quá nhiều rào cản khiến thị trường này chưa phát triển tương xứng tiềm năng.
Mất 73 tháng để được quyền sử dụng đất
Theo ông Thân Thành Vũ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội BĐS Du lịch Việt Nam (VNTPA), đầu tư BĐS du lịch quá khó và nhiều rủi ro! Quá trình đầu tư một dự án resort 4-5 sao, trung bình 10 ha với khoảng trên dưới 300 phòng ở Việt Nam cho thấy doanh nghiệp (DN) phải mất 167 tháng (gần 14 năm) từ khi bắt đầu ý tưởng đầu tư đến khi đưa vào hoạt động; cần 63 tháng từ khi có chủ trương đầu tư đến khi biết được giá đất và phải mất 73 tháng để có được quyền sử dụng đất.
“Dự án liên quan ít nhất 12 cơ quan ban ngành ở địa phương, có đến 22/44 nhóm công việc lớn phải làm gắn trực tiếp với sự quản lý và phê duyệt của chính quyền. Nhưng dự án lại có thể chết bất kỳ thời điểm nào vì lý do chủ quan hoặc khách quan trong tiến trình này” - ông Thân Thành Vũ ngán ngẩm phân tích.
Đầu tư bất động sản du lịch mất nhiều thời gian và gặp nhiều rủi ro. (Ảnh chỉ có tính minh họa)
Kinh tế du lịch dựa vào các nền tảng BĐS du lịch như: cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, ẩm thực, văn hóa. Nhưng đầu tư phát triển BĐS du lịch là một lĩnh vực rất khó, mất nhiều thời gian và gặp quá nhiều rủi ro. Điều này khiến các cơ sở BĐS du lịch ở Việt Nam vẫn chưa nhiều và mạnh như các nước trong khu vực.
Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới xếp Việt Nam thứ 89/184 quốc gia được xếp hạng về đóng góp của ngành du lịch trong GDP và ở vị trí 16 trong tổng số các quốc gia được xếp hạng về tiềm năng tăng trưởng dài hạn.
Cải thiện chính sách để bớt rủi ro cho doanh nghiệp
Theo các DN, hàng loạt yếu tố rủi ro liên quan đến kinh tế vĩ mô như: tỉ giá, nguồn nhân lực, hạn chế visa, đi lại và cơ sở hạ tầng, thủ tục nhiêu khê và kéo dài, giá đất biến động khó lượng và không thể xác định, hạn chế tín dụng và lãi suất quá cao… đang là rào cản để thị trường này phát triển.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cho biết ở các nước, lãi suất cho vay chỉ vài %/năm, DN có thể vay để đầu tư BĐS du lịch, nghỉ dưỡng trong nhiều năm nhưng lãi suất ngân hàng ở nước ta quá cao, DN vay để đầu tư 10-20 năm không chịu nổi lãi suất.
Mất gần 14 năm để đầu tư một resort tại Việt Nam
Nguồn nhân lực cũng là vấn đề nan giải, một khách sạn 2 sao ở TP Nha Trang đã phải tuyển nhân viên người Philippines để phục vụ du khách nước ngoài khi không tìm được nhân viên người Việt nói thạo tiếng Anh.
“Du khách sẽ đến những nơi mà họ cảm thấy hài lòng về dịch vụ, nhất là con người, nên việc thiếu nguồn nhân lực được đào tạo đang là thách thức cho một số điểm đến tại Việt Nam, nhất là các khách sạn cao cấp” - ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Grant Thornton Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhận xét.
Cũng theo ông Kenneth Atkinson, phí cấp visa cho du khách nước ngoài ở Việt Nam cao hơn các nước láng giềng cùng với thủ tục phức tạp là bất lợi cho tiềm năng du lịch. Phí visa cao đẩy giá tour cao hơn khoảng 8% so với các nước trong khu vực.
“Ngành du lịch và khách sạn đóng góp 9,5% vào GDP nhưng chi phí thực hiện công tác quảng bá, xúc tiến du lịch hằng năm của Việt Nam khoảng 900.000 USD là quá ít, làm sao giới thiệu tiềm năng du lịch... Đây là những vấn đề nhà đầu tư BĐS du lịch phải đối mặt” - vị này nói.