08/07/2021 3:18 PM
Những năm qua, dư luận 'dậy sóng' về nhiều vụ việc vi phạm trong trật tự xây dựng trên đất rừng Sóc Sơn - Hà Nội và các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cũng đã ban hành những văn bản, kết luận liên quan đến vấn đề này.

Mặc dù thành phố Hà Nội và huyện Sóc Sơn đã tăng cường siết chặt hơn việc quản lý đối với đất rừng, nhưng thực tế cho thấy còn nhiều khó khăn, bất cập cần giải quyết.

Công trình sai phạm tại xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn. Ảnh (tư liệu): Thành Đạt/TTXVN

Những tồn đọng chưa được xử lý

Huyện Sóc Sơn có địa hình đẹp, thuận tiện, với nhiều tuyến đường giao thông đường bộ, đường thủy, hàng không huyết mạch của Trung ương và thành phố. Huyện có 26 xã, thị trấn thì có đến 11 xã có rừng. Thực tế những năm qua tình trang vi phạm trên đất rừng diễn biến phức tạp, thiếu kiểm soát, dẫn tới khó khăn trong xử lý.

Theo Kết luận Thanh tra số 1085/KL-TTLN-P3 ngày 14/3/2019 và Kết luận số 1125/KL-TTLN-P3 ngày 15/3/2019 của đoàn Thanh tra liên ngành thành phố Hà Nội, hiện tại Sóc Sơn còn 2.915 trường hợp vi phạm đất đai có công trình xây dựng; trong đó, có 2.715 trường hợp vi phạm đất rừng và 200 trường hợp vi phạm trên đất nông nghiệp có công trình xây dựng.

Tuy nhiên, sau hơn 2 năm khi có kết luận, tất cả các trường hợp vi phạm kể trên vẫn chưa bị cưỡng chế và xử lý. Lý giải vấn đề này, đại diện lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn cho biết, sở dĩ chưa có phương án xử lý là do huyện vẫn chờ thành phố và Chính phủ điều chỉnh lại đất rừng Sóc Sơn. Trên cơ sở điều chỉnh lại quy hoạch sẽ bóc tách, phân loại từng loại đất, từng thời điểm, mức độ vi phạm rồi mới có phương án xử lý.

Huyện Sóc Sơn cũng đã thành lập Tổ công tác liên ngành, phối hợp với 9 xã có rừng rà soát 2.715 tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất thuộc ranh giới quy hoạch rừng; trong đó, đất quốc phòng 36 điểm với diện tích 380 ha thuộc 8 xã; đất an ninh với 7 ha; đất công trình dự án, trụ sở cơ quan, trường học 21 điểm; đất tôn giáo, tín ngưỡng, nghĩa trang, nghĩa địa, đường giao thông 22 điểm tại 7 xã, diện tích 5,8 ha; đất hộ gia đình, cá nhân sử dụng nằm trong ranh giới quy hoạch rừng có 2.421 thửa với 2.634 hộ sử dụng; có 527 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp trong ranh giới quy hoạch đất rừng.

Hiện nay, những tồn tại này rất khó giải quyết vì vi phạm trong ranh giới đất quy hoạch rừng một cách đa dạng, với quy mô, thành phần và thời điểm khác nhau. Đặc biệt, năm 2008 - năm thành phố công bố quy hoạch đất rừng Sóc Sơn, nhưng đã có hàng trăm hộ dân sinh sống, di dân làm kinh tế mới ở đây từ năm 1985.

Nhiều khó khăn bất cập

Để đẩy nhanh tiến độ, vừa qua Văn phòng UBND thành phố có Thông báo số 3731/VP-ĐT về việc xử lý, khắc phục sau thanh tra về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở trong phạm vi ranh giới quy hoạch đất rừng huyện Sóc Sơn gửi Thanh tra Thành phố và UBND huyện Sóc Sơn.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông yêu cầu huyện Sóc Sơn cần khẩn trương và xử lý dứt điểm, khắc phục sau thanh tra về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở trong phạm vi ranh giới quy hoạch đất rừng huyện Sóc Sơn theo kiến nghị của Thanh tra thành phố.

Tuy nhiên, huyện Sóc Sơn cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong việc xác lập hồ sơ để xử lý. Cụ thể, một số vướng mắc như: khi triển khai rà soát, hoàn thiện hồ sơ đối với từng thửa đất, nhiều người dân, nhất là những hộ dân mua bán, chuyển nhượng đất không hợp tác cung cấp hồ sơ giấy tờ đất đai.

Hồ sơ địa chính của huyện không đầy đủ, không có sổ mục kê đất đai kèm theo bản đồ địa chính đo đạc năm 1993 nên việc xác định chủ, thời điểm sử dụng đất thiếu căn cứ, chỉ dựa vào ý kiến của cộng đồng dân cư. Do khu dân cư nông thôn không thuộc đối tượng phải cấp phép xây dựng nên hộ dân xây dựng không có hồ sơ.

Bên cạnh đó, ranh giới quy hoạch rừng được các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội thống nhất trong tháng 5/2020 dẫn tới tiến độ rà soát chậm. Ngoài ra, một số xã như Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ phải tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm nên tiến độ rà soát, hoàn thiện hồ sơ từng thửa đất còn chậm.

Đại diện UBND huyện Sóc Sơn cũng cho biết, huyện cũng đề xuất điều chỉnh theo hướng “bóc tách” rõ ràng đâu là đất quốc phòng, an ninh, tôn giáo, hộ gia đình để điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch đất rừng. Đối với những hộ cố tình vi phạm gần đây và sau thời điểm công bố quy hoạch rừng vào năm 2008 thì kiên quyết xử lý và cưỡng chế.

Ngày 17/3/2020, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có kết luận nêu rõ: “Thực trạng quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn Sóc Sơn rất phức tạp và có nhiều vi phạm, UBND thành phố Hà Nội cần tập trung xử lý dứt điểm theo đúng quy định pháp luật. Quá trình xử lý phải gắn với từng thời điểm cụ thể, gắn với các chính sách pháp luật đất đai qua các thời kỳ, quy hoạch đất rừng được phê duyệt, xem xét yếu tố lịch sử, nguồn gốc và quá trình sử dụng đất của các hộ dân. Việc xử lý phải nghiêm minh, nhưng không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân”.

Ông Nguyễn Văn Thu, Đội trưởng Đội Thanh tra Xây dựng huyện Sóc Sơn cho hay, huyện Sóc Sơn đã quyết liệt chỉ đạo, tăng cường các giải pháp quản lý đất rừng nhằm hạn chế phát sinh các vi phạm mới. Song song đó, tuyên truyền, vận động, siết chặt quản lý, kiểm tra xây dựng trên đất rừng, huyện Sóc Sơn đã cưỡng chế 35/68 trường hợp vi phạm xây dựng trong giai đoạn 2017 - 2018…

Để xảy ra việc vi phạm nêu trên, ngoài nguyên nhân chủ quan và yếu kém trong quản lý rừng còn có nguyên nhân khách quan là do tồn tại sự chồng chéo, bất cập trong quy định và sự phối hợp thiếu nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên đất rừng và hệ thống hồ thủy lợi trong rừng hiện nay chịu sự quản lý của nhiều đơn vị. Chẳng hạn việc quản lý, giao khoán, đầu tư, chăm sóc, trồng rừng được giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng Sóc Sơn. Trong khi đó, việc quản lý khai thác, vận hành hệ thống hồ trong khu vực rừng thuộc Công ty TNHH MTV các công trình thủy lợi. Quản lý về địa bàn dân cư, mọi mặt hành chính nhà nước… thuộc UBND các xã.

Vì vậy, khi diễn ra sai phạm xây dựng nhiều công trình, nhà cửa, biệt thự trên đất rừng và xung quanh khu vực hồ dễ diễn ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Do đó, lãnh đạo một số xã cũng đề xuất cần có sự phân công trách nhiệm, tổ chức mô hình quản lý phù hợp và tăng cường sự phối hợp, giám sát chặt chẽ của các bên liên quan.

Từ vụ việc vi phạm, đã có 85 cán bộ các cấp ở huyện Sóc Sơn bị kiểm điểm, thi hành kỷ luật ở nhiều mức độ khác nhau. Đây cũng là bài học đắt giá cần rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, góp phần tạo niềm tin trong nhân dân.

Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.