16/02/2017 2:07 PM
Trong dự thảo báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về xử lý tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém và xử lý nợ xấu vừa công bố, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thẳng thắn chỉ ra rằng tiến trình phục hồi và cơ cấu lại các NH yếu kém vẫn còn hết sức khó khăn. Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, để xử lý dứt điểm vấn đề này cũng như tháo gỡ những vướng mắc trong xử lý nợ xấu, NHNN đang được giao chủ trì soạn thảo dự án Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu.
“NH 0 đồng” tiếp tục lỗ
Quá trình tái cơ cấu các TCTD được tiến hành từ năm 2012 theo Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 254). Thực hiện đề án này, đến nay các TCTD yếu kém đã được nhận diện và được cơ cấu lại, không để xảy ra đổ vỡ TCTD ngoài tầm kiểm soát.
Các TCTD yếu kém được xử lý kiên quyết thông qua sáp nhập, hợp nhất, mua lại trên cơ sở tự nguyện, chủ yếu sử dụng các nguồn lực của xã hội và không sử dụng trực tiếp tiền của ngân sách nhà nước. Đáng chú ý, có 3 NHTM yếu kém NHNN đã phải áp dụng các biện pháp xử lý can thiệp bắt buộc (mua lại với giá 0 đồng) để kiểm soát toàn diện trong bối cảnh chưa áp dụng biện pháp phá sản NH.
Theo NHNN, số lượng các TCTD có quy mô nhỏ, hoạt động yếu kém giảm dần từ cuối năm 2011, đến nay số lượng các TCTD đã giảm được khoảng 22 tổ chức, gồm: 7 NHTM trong nước, 3 NH liên doanh, 4 TCTD phi NH và 8 chi nhánh NH nước ngoài.
Số liệu tổng hợp của NHNN cho thấy, đến cuối tháng 11-2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 2,46% (giảm so với mức 2,55% vào cuối năm 2015). Tuy việc xử lý nợ xấu bước đầu đã đạt được kết quả khả quan, nhưng giá trị nợ xấu hiện tại trở thành nợ xấu vẫn còn tiềm ẩn rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các TCTD.
Đáng lo ngại là tiến trình phục hồi và cơ cấu lại các NH yếu kém còn hết sức khó khăn do chưa có giải pháp và biện pháp hỗ trợ phù hợp với đặc thù của NHTM yếu kém. Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống TCTD hiện chủ yếu tập trung ở 3 NH mà NHNN mua lại giá 0 đồng và các TCTD yếu kém.
Trong khi đó, việc xử lý nợ xấu, thu hồi tài sản không sinh lời rất khó khăn, chưa đạt được kết quả đáng kể. Tình trạng âm vốn chủ sở hữu của 3 NH yếu kém được mua lại bắt buộc 0 đồng quá lớn, âm nhiều lần quy mô vốn điều lệ.
Các NH vẫn trong tình trạng mất khả năng thanh toán nghiêm trọng và không đảm bảo tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định. Mặc dù lỗ kinh doanh của các NH mua bắt buộc giảm dần, nhưng do hoạt động vẫn trong tình trạng cầm chừng, nguồn thu tạo ra không đủ bù chi phí hoạt động kinh doanh nên lỗ lũy kế tiếp tục gia tăng.
Xây dựng luật riêng để xử lý triệt để
Theo các chuyên gia NH, nguyên nhân của tồn tại trên do nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là do chưa có khuôn khổ pháp lý về các biện pháp phục hồi, củng cố hoạt động đối với các TCTD yếu kém. Hiện nay, Luật Các TCTD năm 2010 chưa có các quy định cụ thể về điều chỉnh hoạt động kinh doanh của TCTD đang bị kiểm soát đặc biệt, nên việc triển khai các biện pháp phục hồi gặp nhiều khó khăn.
Luật cũng chưa điều chỉnh quan hệ cho vay, gửi tiền, mua bán nợ... giữa TCTD bị kiểm soát đặc biệt với TCTD khác. Vì thế, việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ từ các TCTD khác cho TCTD bị kiểm soát đặc biệt còn hạn chế...
Tình trạng âm vốn chủ sở hữu của 3 NH yếu kém được mua lại bắt buộc 0 đồng quá lớn, âm nhiều lần quy mô vốn điều lệ.
Để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm xử lý triệt để các TCTD yếu kém, nhiều giải pháp đang được NHNN nghiên cứu, tính toán trong dự án Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu. Theo đó, luật sẽ quy định cụ thể về quy trình xử lý TCTD yếu kém, các biện pháp hỗ trợ phục hồi các TCTD yếu kém; các quy định về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD 2010 có liên quan đến việc khắc phục tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống TCTD.
Đáng chú ý, quy trình xử lý TCTD yếu kém dự kiến có tới 9 bước mà theo đó, nếu TCTD yếu kém không củng cố, phục hồi hoặc tự xử lý được, phương án NHNN trực tiếp mua bắt buộc hoặc cho phá sản đối với TCTD yếu kém đã được đề cập.
Theo NHNN, cần xác định đây là một luật riêng, chuyên ngành để xử lý và hỗ trợ phục hồi các TCTD yếu kém, xử lý triệt để và hiệu quả nợ xấu của ngành NH. Luật sẽ được xây dựng đồng bộ với các luật khác có liên quan (như Bộ luật Dân sự, Luật Các TCTD…) và phải tham khảo tới các chuẩn mực và thông lệ quốc tế để có được những quy định cụ thể, khả thi, hiệu quả.
Các TCTD yếu kém nói chung và các NH mua bắt buộc nói riêng, không thể đáp ứng các quy định về an toàn hoạt động và không đủ điều kiện đáp ứng về giới hạn cấp tín dụng, điều kiện huy động vốn... để triển khai một số hoạt động kinh doanh thông thường.
Theo dự thảo báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về xử lý TCTD yếu kém và xử lý nợ xấu
Hàm Yên (SGĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.