17/02/2018 9:16 AM
CafeLand - Bên trong căn hộ vừa mới mua tại một dự án nằm bên bờ sông Sài Gòn (quận Thủ Đức), chị Hương mỉm cười khi mở tung cửa sổ đón làn gió mát lạnh từ sông thổi vào. Căn hộ ở tầng 10, từ vị trí này chị Hương thoải mái phóng tầm mắt để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thành phố buổi bình minh hay sự lung linh lúc phố thị lên đèn.

Do gần sông nên căn hộ lúc nào cũng mát mẻ, lộng gió trời mà không cần phải bật điều hòa nhiệt độ. “Chọn nhà ven sông không chỉ vì một không gian sống thoáng đãng, yên bình, mà theo quan điểm của tôi về phong thủy, nó cũng giúp công việc làm ăn cũng suôn sẻ”, chị Hương tin tưởng.

Sông Sài Gòn uốn mình qua nhiều quận huyện nằm ở các vị trí đắc địa và là một đầu mối giao thông đường thủy cực kỳ quan trọng. Nhiều hướng khai thác đang được tính đến.

Cuối tháng 11/2017, TP.HCM đã chính thức vận hành khai thác tuyến buýt đường sông số 1 (Bạch Đằng, Q.1 - Linh Đông, Q.Thủ Đức) sau 7 năm chuẩn bị. Với tuyến buýt sông này, người dân sẽ có thêm một chọn lựa khi di chuyển từ khu vực phía Đông vào trung tâm thành phố và ngược lại. Trong tương lại, TP.HCM sẽ tiếp tục nghiên cứu triển khai thêm nhiều tuyến buýt đường sông, trong đó có tuyến số 2 (Bạch Đằng - Lò Gốm).

Anh Vương, một môi giới bất động sản, cho biết thu nhập của người dân tại thành phố ngày càng được nâng cao. Mong muốn tìm kiếm một không gian sống trong lành, đẹp và đẳng cấp được nhiều người săn tìm. Trong đó, những dự án nằm gần các sông, rạch luôn được ưu tiên lựa chọn.

Các dự án bất động sản chen chân hai bên bờ sông Sài Gòn. Ảnh: Trần Phong

Nhà đầu tư mon men ra sông

Nắm bắt được nhu cầu và tâm lý ưa chuộng nhà đất ven sông, đồng thời nhìn thấy những sự đầu tư của thành phố, từ lâu các chủ đầu tư bất động sản đã săn lùng quỹ đất và xây dựng nên hàng loạt đô thị, dự án bất động sản ven sông rạch tại Sài Gòn.

Ghi nhận thực tế cho thấy, chỉ một quãng ngắn của sông Sài Gòn, đoạn từ Thanh Đa đến bến Nhà Rồng, đang là nơi cát cứ của hơn chục dự án bất động sản đình đám với hàng chục ngàn căn hộ và nhà phố, biệt thự. Các dự án có thể kể đến như Elite Park (18.000m2), Thảo Điền Saphire (hơn 27.000m2), Saigon Pearl (hơn 25ha), Sunwah Pearl (hơn 19ha), siêu đô thị Vinhomes Central Park (43ha) và Vinhomes Golden River (25,3ha), Đảo Kim Cương (8ha), biệt thự Lan Anh (4ha), Khu đô thị Sala (257ha), Khu phức hợp Nhà Rồng – Khánh Hội (hơn 31ha), cùng hàng loạt dự án đang chực chờ mọc lên bên trong khu đô thị Thủ Thiêm…

Dòng kênh Tàu Hủ - Bến Nghé (quận 1), một nhánh của sông Sài Gòn chảy qua các quận 1, 4, 5, 6 và 8, đang trở thành “thỏi nam châm” đối với các dự án bất động sản. Các tuyến đường ven dòng kênh này như Bến Vân Đồn, Võ Văn Kiệt đang cõng trên mình hàng chục dự án bất động sản như The Tresor, Icon 56 Tower, RiverGate Residence của Tập đoàn Novaland; Grand Riverside của Công ty cổ phần thương mại và đầu tư Hồng Hà hợp tác cùng Công ty TNHH đầu tư địa ốc Tiến Phát; The Gold View do TNR Holdings Việt Nam quản lý và phát triển; và mới đây là Riva Park của Công ty cổ phần thương mại Địa ốc Việt (Vietcomreal).

Tại khu Nam, xu hướng dự án bất động sản ven sông rạch cũng phát triển rầm rộ. Có thể kể đến hàng loạt dự án có yếu tố “view sông” tại khu vực này như: Nine South Estates của VinaLiving, bao gồm 381 biệt thự ven sông và biệt thự phố vườn; River City bao gồm 8.000 căn hộ với 3 mặt giáp sông cùng tổng vốn đầu tư 500 triệu USD từ sự góp vốn của An Gia Investment, Quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản) và Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt; Saigon Mia với 3 mặt hướng sông của Hưng Thịnh Group; dự án Jamona city của Sacomreal…

Đặc biệt, dự án "Khu công viên Mũi Đèn Đỏ và nhà ở đô thị" - Saigon Peninsula với tổng mức đầu tư lên đến 6 tỷ USD do tập đoàn Vạn Thịnh Phát đầu tư đang được triển khai tại mặt tiền đường Đào Trí, (quận 7). Dự án ôm trọn một đoạn dài bờ sông Sài Gòn gây sốt trong thời gian qua.

Theo quảng cáo, dự án này sẽ xây dựng công trình điểm nhấn gồm trung tâm thương mại bán lẻ chất lượng cao kết hợp với khách sạn 5 sao, khu căn hộ cao cấp và biệt thự nghỉ dưỡng cùng các cao ốc văn phòng hạng A… Dự kiến khi hoàn thành, đây sẽ là một trong những dự án ven sông đình đám tại TP.HCM.

Chạy đua săn quỹ đất

Với hơn 1.000km sông rạch bao quanh, TP.HCM có đầy đủ thế mạnh để xây dựng các đô thị sông nước. Tuy nhiên, sự phát triển “chóng mặt” của các dự án đã làm cho quỹ đất ven sông rạch ngày càng khan hiếm. Đặc biệt, những khu đất ven sông tại các vị trí đắc địa hiện đã kín chỗ.

Bất động sản ven sông trở thành cuộc đua giữa các chủ đầu tư. Ảnh: Trần Phong

Theo tổng giám đốc một công ty địa ốc, cuộc chiến săn đất ven sông và kênh rạch sắp tới sẽ diễn ra quyết liệt giữa các doanh nghiệp địa ốc bởi quỹ đất này ngày một khan hiếm.

“Khách hàng rất chuộng mua nhà với tiêu chí “Nhất cận thị, nhị cận giang”, vì nhà ở ven sông sở hữu view đẹp, không khí trong lành, công viên bờ sông thoáng đãng. Mặt khác, hiện nay hệ thống giao thông công cộng đường thủy đang được phát triển sẽ thêm một điểm cộng nữa cho sản phẩm bất động sản này”, vị tổng giám đốc này cho biết.

Ngoài ra, chủ đầu tư bất động sản chuộng các dự án ven sông bởi giá bán luôn cao hơn khoảng 20% so với các dự án ở vị trí khác. Đối tượng khách hàng của những dự án này chủ yếu tập trung vào nhóm khách hàng có thu nhập cao mong muốn một không gian sống đẳng cấp.

Lại là BT

Quả thật, cuộc chạy đua săn lùng quỹ đất ven sông đang diễn ra quyết liệt giữa các doanh nghiệp địa ốc. Trong đó, hai hình thức được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để có quỹ đất là thông qua việc đầu tư các dự án BT (đổi đất lấy hạ tầng) hoặc M&A.

Ngày 19/7/2017 , Tập đoàn Tuần Châu, Công ty TNHH ÂU Lạc Quảng Ninh, của “chúa đảo” Nguyễn Hồng Tuyển đã đề xuất với UBND TP.HCM thực hiện dự án đầu tư xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn với tổng vốn đầu tư khoảng 63.500 tỷ đồng, bao gồm cả chi phí lãi vay của nhà đầu tư theo loại hợp đồng BT. Dự án dự kiến sẽ sử dụng quỹ đất khoảng 12.398 ha, bao gồm cả quỹ đất để thực hiện dự án và thanh toán cho nhà đầu tư.

Trong năm 2017, các doanh nghiệp bất động sản cũng tỏ ra háo hức về việc UBND TP.HCM quyết định xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 nối quận 2 với quận 7 theo hình thức BT.

Theo đó, để có cây cầu trị giá 5.200 tỷ này, TP.HCM sẽ dùng 16 lô đất có diện tích gần 12ha để thanh toán cho các nhà đầu tư thực hiện dự án. Đặc biệt, trong 16 lô đất có 11 lô đất vàng nằm ngay khu đô thị Thủ Thiêm với diện tích gần 100.000m2 và khu đất tại cảng Tân Thuận hiện hữu sau khi di dời. Những khu đất này đều có vị trí đắc địa nằm ven sông Sài Gòn.

Trong giai đoạn 2016-2020, TP.HCM sẽ thực hiện quyết liệt việc di dời và giải tỏa trắng hơn 17.000 hộ gia đình sống ven kênh, rạch để thực hiện công tác chỉnh trang đô thị, tạo bộ mặt mới cho một thành phố. Với tổng vốn đền bù, giải tỏa khoảng 12.400 tỷ đồng, hàng chục nghìn hộ dân sinh sống dọc các tuyến kênh rạch như Tham Lương – Bến Cát, Văn Thánh, Bàu Trâu… sẽ được di dời. Đây sẽ là cơ hội lớn cho doanh nghiệp bất động sản tìm kiếm quỹ đất phát triển các dự án ven sông.

Thông qua hình thức M&A, Công ty China Fortune Land Development- CFLD đã thâu tóm lại dự án Đại Phước Lotus từ quỹ đầu tư VinaLand Limited và VinaCapital Vietnam Opportunity Fund Limited - VOF (thuộc VinaCapital). Dự án Đại Phước Lotus tọa lạc trên cù lao Ông Cồn thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Từ trung tâm TP.HCM di chuyển khoảng 30 phút đường thủy là đến dự án này. Đại Phước Lotus nằm tiếp giáp với quận 2 và quận 9 của TP.HCM gồm hàng chục căn biệt thự bao quanh bởi các dòng sông.

Bên cạnh các dự án chất lượng, đẳng cấp, xu hướng chạy đua nhà ven sông đang bị một số chủ đầu tư biến thành cần câu để dụ khách hàng. Một số dự án có vị trí cách xa sông nhưng vẫn quảng cáo gần sông rạch, đua nhau vẽ thêm nhiều tiện ích. Một số dự án quảng cáo với hình vẽ dòng sông lung linh xanh biếc, nhưng thực tế đó chỉ là một con rạch nhỏ, nước đen quánh, bốc mùi hôi thối.

Bình Thân
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.