Rất nhiều dự án nằm bất động sau khi đã huy động lượng lớn tiền của khách hàng.
Mới đây, dư luận chấn động với thông tin hàng trăm khách hàng điêu đứng khi sập bẫy dự án bánh vẽ Metropolitan trị giá 8.000 tỷ đồng do Công ty địa ốc An Khang làm chủ đầu tư. Được biết, từ năm 2008, Công ty An Khang đã lập dự án khu trung tâm thương mại và nhà ở cao cấp Metropolitan (phường 11, TP. Vũng Tàu) với những hình mẫu lý tưởng về một siêu đô thị hiện đại bậc nhất của phố biển. Mặc dù dự án chưa có giấy chứng nhận đầu tư, chưa có quyền sử dụng đất, chưa có giấy phép xây dựng nhưng với những mánh khóe, quảng cáo rầm rộ chủ đầu tư này vẫn dễ dàng huy động được hơn 400 tỷ đồng của gần 300 khách hàng. Để tạo lòng tin cho khách hàng Công ty An Khang tổ chức lễ khởi công rình rang và bỏ một số tiền khoảng 25 tỷ để xây dựng một số cơ sở hạ tầng tại dự án.
Vụ việc chỉ vỡ lỡ khi khách hàng chờ mãi mà không được chủ đầu tư giao nền như đã hứa, trong khi dự án bị bỏ hoang nhiều năm. Khi công an vào cuộc thì phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng của chủ đầu tư, số tiền huy động từ khách hàng cũng được sử dụng vào mục đích khác. Sai phạm không chỉ khiến những người lãnh đạo của Công ty An Khang bị khởi tố mà còn khiến nhiều lãnh đạo cao cấp của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu phải dính chàm.
Trong khi đó, hàng trăm người dân như ngồi trên đống lửa khi nguy cơ mất cả đất lẫn tiền đang dần hiện rõ. Nhiều người rơi vào tình cảnh túng quẫn, nợ nần vì đã dồn hết vốn liếng tích cóp cả đời cho khu đô thị ma này.
Tại TP.HCM nơi có mật độ các dự án bất động sản cao nhất cả nước thì sức cạnh tranh giữa các chủ đầu tư càng trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Nhiều dự án dù chưa đủ điều kiện mở bán, hoặc đang có trục trặc về các vấn đề pháp lý nhưng vẫn ngang nhiên bán hàng huy động vốn rầm rộ. Và những kiểu bán này thường nấp bóng dưới hình thức hợp đồng góp vốn.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành cho biết, thực tế hiện nay có rất nhiều dự án chưa công bố thông tin, thậm chí chưa có đủ điều kiện mở bán nhưng môi giới vẫn bán rất tốt. Nhiều dự án chỉ mới có tấm bảng quảng cáo, chưa đóng được cây cột nào cũng có người mua ầm ầm. Một phần là chủ đầu tư cố tình lách luật để huy động vốn từ khách hàng. Phần nữa trong trường hợp này cũng có lỗi từ khách hàng, mà chủ yếu là người có nhu cầu đầu tư và đầu cơ vì họ thích mua những sản phẩm đó, những dự án càng ít thông tin thì càng thu hút, vì đây sẽ là dự án có lời nhiều.
Nhiều dự án mặc dù đã xây dựng được khối lượng lớn thậm chí là gần hoàn thiện thì người mua vẫn không thể tránh được rủi ro. Tiêu biểu nhất có thể kể đến câu chuyện đau lòng của hàng trăm khách hàng tại dự án chung cư Petrolandmark (quận 2) do Công ty cổ phần Bất động sản xây lắp Dầu khí (PVC Land) làm chủ đầu tư. Theo quy định, khi nhận nhà thì khách hàng chỉ đóng tối đa 95% giá trị căn hộ và khi sẽ đóng 5% còn lại khi được bàn giao sổ hồng. Tuy nhiên, tại dự án này, khách hàng đã phải chờ đợi trễ hẹn đến 4 năm và nhiều người đã phải đóng 100% giá trị căn hộ nhưng dự án vẫn bất động. “Mình đã đóng phần lớn tiền vào đó rồi, giờ dự án ngưng thi công chủ đầu tư yêu cầu đóng tiếp cũng phải cắn răng đóng vì lo sợ sẽ mất nhà, nhưng khi đã đóng đủ rồi thì dự án vẫn không tiến triển gì hơn”, một người mua nhà dự án này than thở.
Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra với nhiều khách hàng mua dự án chung cư Vạn Hưng Phát (đường Tạ Quang Bửu, phường 5, quận 8) do Công ty TNHH xây dựng Vạn Hưng Phát làm chủ đầu tư. Dự án được chính thức khởi công từ tháng 8/2010 và dự kiến bàn giao căn hộ vào năm 2012. Tuy nhiên, khi dự án chỉ mới hoàn thiện phần nền móng thì đã ngừng thi công và nằm “phơi sương” cho tới nay. Rất nhiều khách hàng đã đóng gần 100% giá trị căn hộ, nhưng kết quả mà họ nhận lại chỉ là khối móng trơ trọi.
Theo một chuyên gia bất động sản, thực tế việc lách luật để bán nhà trước khi làm móng hay đủ các điều kiện mở bán không phải là chuyện hiếm. Thậm chí ngay khi dự án vừa mới manh nha thông tin thì nhiều chủ đầu tư đã tìm cách để huy động vốn từ khách hàng. Đặc biệt, khi mà nguồn vốn tín dụng chính là từ các ngân hàng đang dần được siết chặt thì đây là một cách để huy động dòng tiền. Đặc biệt với nhiều chủ đầu tư đầu tư một lúc nhiều dự án thì việc huy động vốn từ dự án này để làm các dự án khác cũng có thể xảy ra.
Luât sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, để không bị dính bẫy thì khi mua nhà khách hàng cần tỉnh táo nghiên cứu kỹ thông tin dự án và trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về luật pháp đối với việc mua bán loại bất động sản này. “Trong trường hợp căn hộ hình thành trong tương lai đã đủ điều kiện để bán (có giấy bảo lãnh của ngân hàng, có văn bản nghiệm thu phần móng, có văn bản của cơ quan quản lý nhà cấp tỉnh xác nhận đủ điều kiện để bán), việc thanh toán tiền lần đầu không quá 30%. Khi chủ đầu tư chưa bàn giao nhà thì không thanh toán quá 70%, và việc thanh toán phải phù hợp với tiến độ xây dựng. Đối với chủ đầu tư là đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài thì việc thanh toán không quá 30%. Khi đã bàn giao nhà, thanh toán tối đa 95%, người mua nhà thanh toán 5% còn lại khi nhận được giấy chủ quyền nhà do cơ quan thẩm quyền cấp”, Luật sư Hòa nói.
-
Phú Mỹ Hưng thanh toán hơn 620 tỷ đồng gốc, lãi trái phiếu trong nửa đầu năm 2024
Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng (Phú Mỹ Hưng) vừa công bố tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu cho kỳ báo cáo 6 tháng đầu năm 2024.
-
Thực hư việc “thuyền trưởng” doanh nghiệp bất động sản top đầu tại TP.HCM rời ghế Chủ tịch
Novaland khẳng định việc ông Bùi Thành Nhơn vừa có đơn xin thôi chức vụ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland là thông tin bịa đặt, hoàn toàn sai sự thật.
-
TP.HCM ủy quyền cho quận, huyện cải tạo, xây dựng chung cư cũ đến năm 2027
UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định số 123/QĐ-UBND, ủy quyền cho UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn, với thời hạn đến hết ngày 31/12/2027....