Khách hàng được trọng vọng
Đầu năm 2014, thị trường BĐS tuy có khởi sắc hơn so với cùng kỳ nhưng không khí giao dịch tại các sàn BĐS vẫn khá ảm đạm. Người đến tìm mua nhà thì lác đác khiến không chỉ các Cty BĐS mà nhiều chủ đầu tư cũng cảm thấy “oải” vì “đói” vốn.
Sự điều chỉnh kịp thời một số quy định của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng đã giúp cho thị trường kịp chuyển biến vào nửa năm còn lại. Thủ tục tiếp cận nguồn vốn vay 30.000 tỷ đồng được nới lỏng giúp người mua nhà tìm đến các dự án nhiều hơn. Thêm đó, lãi suất ưu đãi tiếp tục được hạ từ 6%/năm xuống chỉ còn 5%/ năm cùng với thời hạn vay tối đa lên đến 15 năm cũng giảm bớt sức ép cho người mua nhà.
Một số ngân hàng cùng chung sức trong việc kết hợp với các chủ đầu tư dự án trong việc cho vay càng khiến cho người mua nhà cảm thấy yên tâm hơn. Các dự án bắt đầu khởi động trở lại sau thời gian chậm, thậm chí là ngừng xây dựng, do thiếu vốn.
Ví dụ như dự án The Pride của Cty CP đầu tư Hải Phát được khởi công xây dựng từ cuối năm 2009 với tổng nguồn vốn đầu tư lên đến 3.200 tỷ đồng, bao gồm 4 tòa tháp sử dụng chung một khối đế, có chiều cao từ 35-45 tầng (không bao gồm tầng hầm). Theo cam kết của chủ đầu tư thì năm 2011 dự án sẽ bàn giao cho khách hàng nhưng phải đến nửa cuối năm 2014, 3 tòa nhà CT1, CT2 và CT4 mới bắt đầu hoàn thiện và bàn giao.
Riêng tòa CT3, cao 45 tầng, “tâm hồn” của dự án, đã từng “nằm im” gần 2 năm do thiếu vốn, vẫn đang trong quá trình xây dựng và dự kiến sẽ bàn giao vào nửa cuối năm 2015. Tuy nhiên, để dự án được “suôn sẻ” thì chủ đầu tư đã phải đổi tên dự án chung cư The Pride thành HP LankMark Tower.
Không chỉ dự án The Pride được đổi tên, nhiều dự án khác trên địa bàn Hà Nội cũng được các chủ đầu tư sử dụng “chiêu” này để đẩy bán căn hộ. Ví dự như dự án chung cư Tân Tây Đô, ở huyện Hoài Đức được đổi tên thành khu căn hộ Xphomes, dự án Phúc Hà City Garden đổi tên thành Thăng Long Victory ở Hoài Đức. Hay một dự án khác cũng đã từng bị ngưng thi công vài năm có tên là dự án chung cư AZ Vân Canh, nay có tên mới là CT Number One Vân Canh.
Việc các chủ đầu tư mở bán một số căn hộ cùng với nhiều ưu đãi cũng giúp cho nguồn cung BĐS trở nên dồi dào. Ví dụ như dự án Goldmark City, ở 136 Hồ Tùng Mậu, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, được chào bán ra thị trường và dự kiến sẽ nhận vào vào cuối quý I năm 2017. Căn hộ ở Sapphire Palace, ở số 4 phố Chính Kinh, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, cũng được chào bán với mức giá từ 1,9 tỷ đồng trở lên.
Nhiều chủ đầu tư khác lại tung ra hình thức khuyến mại vô cùng hấp dẫn. Như việc tặng 2 lượng vàng SJC cho mỗi khách hàng mua nhà tại dự án Thăng Long Numer one trước ngày 31-12. Hay việc ưu đãi lãi suất vay ở các dự án như Hồ Gươm Plaza, The Pride,...
Cùng với sự ấm lại của thị trường BĐS Hà Nội, thị trường TP HCM cũng nóng lên bởi những ưu đãi từ các chủ đầu tư. Như tập đoàn Vingroup có nhiều quà tặng giá trị cho khách hàng mua dự án Vinhomes Central ở TP HCM. Hoặc dự án cao cấp Masteri Thảo Điền, ở quận 2, TP HCM, đã mở bán được 30 căn hộ Duplex.
Trong năm 2014, tập đoàn Vingroup cũng mở bán 3 quần thể biệt thự nghỉ dưỡng Vinpearl Premium Nha Trang Bay, Vinpearl Premium Golf Land Nha Trang và Vinpearl Premium Phú Quốc.
Có thể thấy, thị trường BĐS năm 2014 ấm lên là tiền đề, hứa hẹn nhiều khởi sắc đối với thị trường BĐS năm 2015. Một số quy định mới mà Bộ Xây dựng đưa ra, trong đó có việc cho người nước ngoài được tham gia mua nhà, sẽ góp phần không nhỏ vào việc khơi thông nguồn vốn, hay nói cách khác là “phá băng” thị trường BĐS.
Thị trường BĐS đầu năm 2015 đang có nhiều tín hiệu tích cực.Ảnh: Nguyễn Tuấn
Khơi thông năm 2015 ?
Thực tế, thị trường năm 2014 tuy có khởi sắc nhưng mới chỉ dừng ở phân khúc thị trường thấp. Hay nói cách khác là thị trường có căn quy mô vừa và nhỏ, 70m2 trở xuống, và có giá bán dao động từ 900 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng, tương đương với mức giá khoảng 15 – 16 triệu đồng/m2. Đây là phân khúc phù hợp với phần lớn người mua nhà hiện nay.
Trao đổi với PV, ông Lê Anh Sơn, GĐ Cty Đại Cát, cho rằng, năm 2015 chắc chắn sẽ có nhiều khởi sắc hơn giúp thị trường BĐS giảm bớt “hàng tồn”. Thời điểm thị trường BĐS “sôi” trở lại sẽ vào khoảng quý III năm 2015, khi mà lượng kiều hối của các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào BĐS. Ông Sơn nhận định, phân khúc nhà ở giá rẻ vẫn nắm vai trò chủ lực trong việc khơi thông thị trường BĐS bởi một số nguyên nhân: Thứ nhất, phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân. Thứ hai, so với các kênh đầu tư khác thì việc bỏ tiền đầu tư BĐS có yếu tố an toàn hơn.
Tuy nhiên, những dự đoán đó lại phụ thuộc rất lớn vào các chủ đầu tư cũng như dự án. Hầu hết chỉ những dự án đã xây gần hoàn thiện mới có nhiều giao dịch mua bán. Một số ít dự án sẽ phụ thuộc vào năng lực tài chính của chủ đầu tư cũng như kinh nghiệm của các nhà thầu.
Về khía cạnh khác, ông Nguyễn Quang Huy, kiến trúc sư lại cho rằng, việc khơi thông thị trường BĐS là hoàn toàn tốt nhưng bên cạnh đó chúng ta cũng cần phải tính toán các yếu tố khác như đường sá, giao thông, hạ tầng công cộng,..... “Cần phải tránh việc xây dựng tràn lan mà không tính toán xem hạ tầng ở đó đã đủ đáp ứng nhu cầu của người dân hay chưa?”, ông Huy nói thêm.
Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự khởi sắc của thị trường BĐS trong năm 2015. Với việc người nước ngoài được mua BĐS ở nước ta sẽ giúp cho thanh khoản thị trường nhanh hơn. Từ đó “nút thắt” của thị trường BĐS sẽ được nới ra.
Theo thống kê, tổng số căn hộ bán ra trong năm 2014 là 16.200 căn, tăng gấp đôi so với năm 2013.Trong đó, chỉ riêng Quý IV, thị trường căn hộ Hà Nội đã có 7.200 được chào bán từ 16 dự án. Kể từ năm 2011 trở lại đây, nguồn cung BĐS chào bán ra thị trường hiện nay lớn nhất. Khu vực được người dân quan tâm và tìm mua nhiều nhất vẫn là xung quanh vành đai 3, thuộc các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông và Nam Từ Liêm với lượng căn hộ bán ra là gần 7.000 căn. Khu vực Hoàng Mai – Linh Đàm chỉ mới bán ở mức 5.000 căn. |