Một góc thành phố Hà Nội. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Hàng nghìn năm trước Hà Nội đã được coi là vùng đất địa linh nhân kiệt, khiến các bậc tiền nhân, tiên đế chọn là nơi định đô lâu dài. Với sứ mệnh kinh đô của một quốc gia, Thăng Long-Hà Nội luôn mang một khát vọng “Rồng bay” từ nền tảng văn hiến ngàn đời.
Ngày nay, trong mạch nguồn ấy, đó chính là động lực to lớn giúp cho Hà Nội vững bước trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội đã và sẽ mãi là biểu tượng rạng rỡ của dân tộc Việt Nam.
Nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long-Hà Nội, TTXVN xin giới thiệu loạt 5 bài viết, thể hiện thành tựu về kinh tế cũng như tâm thế, dáng vóc của Thủ đô hơn nghìn năm tuổi.
Giữa những ngày Thu tháng 10 tuyệt đẹp, trong rộn ràng và rực rỡ đèn hoa khi Thăng Long-Hà Nội bước sang 1010 năm tuổi, ngoảnh nhìn diện mạo đô thị Hà Nội sau hơn 30 năm đổi mới, đặc biệt là 12 năm mở rộng địa giới hành chính càng thấy sự phát triển khang trang và hiện đại, nghĩ tới mai sau, chợt thấy rộn ràng trong lòng bao cảm xúc.
Trái tim của cả nước
Từ một Thủ đô đổ nát năm 1954, Hà Nội giờ đây đã chuyển mình mạnh mẽ. Một Hà Nội đang đổi thay theo hướng hiện đại từ các công trình, quy mô dân số, diện tích đến những sắc thái đô thị.
Sự nỗ lực trong quy hoạch, kiến thiết xây dựng và quản lý trật tự đô thị, đã và đang đưa Hà Nội trở thành trung tâm lớn nhất cả nước về chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội.
8 năm trước, khi đứng trên nóc tòa nhà Keangnam Hanoi - khu phức hợp nằm ngay trung tâm khu đô thị mới của Thủ đô, nhìn ra bốn phía, mỗi chúng ta đều thầm mong sẽ có một Hà Nội bề thế, đàng hoàng hơn sau khoảng 10 năm.
Tiếp đó không lâu, hơn 2 năm sau, từ trên tầng cao của Trung tâm Lotte Hà Nội - tòa nhà chọc trời cao thứ 3 tại Việt Nam, cao thứ 2 của Hà Nội (272m), cảm xúc ấy vẫn vẹn nguyên.
Thế rồi, chỉ trong khoảng hơn 6 năm, đến thời điểm này, Hà Nội đã và đang phát triển với nhiều hoạt động xây dựng, ngất ngưởng hàng loạt khu nhà cao tầng.
Tiến sỹ, Kiến trúc sư Jan Gehl - tác giả cuốn sách “Cuộc sống giữa những công trình kiến trúc” đã thốt lên: "Diện mạo Hà Nội vụt sáng dậy theo cả chiều rộng lẫn chiều cao” khi nhắc đến sự đổi thay của thành phố sau nhiều năm nghiên cứu.
Nhìn nhận một cách công bằng, diện mạo Thủ đô hơn 30 năm đổi mới đã có những đổi thay nhanh chóng, phát triển toàn diện theo hướng bền vững, đặc biệt, sau hơn 1 thập kỷ mở rộng (2008) và sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Đánh giá về quá trình phát triển đô thị Hà Nội, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, hàng loạt đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành… được phê duyệt tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư xây dựng, phát triển, tạo bộ mặt đô thị hiện đại, văn minh.
Hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Không gian đô thị được mở rộng về nhiều hướng, với việc xây dựng các khu đô thị đồng bộ, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật như: The Manor, Mỹ Đình, Mỗ Lao, An Khánh, Gamuda, Ciputra, Vinhome Riverside, Royal City, Times City…
Thêm nữa, thực hiện Quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hàng loạt công trình, dự án trọng điểm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Các cây cầu mới như Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Tuy và sắp tới đây là cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo... hay nhiều tuyến đường quy mô lớn bên cạnh nâng cao năng lực giao thông còn trở thành điểm nhấn về kiến trúc, tạo dấu ấn của một đô thị bề thế, nhân lên niềm tự hào của người dân Thủ đô và cả nước với bạn bè thế giới.
Mới đây nhất, tháng 5/2020, Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc (đô thị vệ tinh lớn nhất trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Với bản quy hoạch này, Hòa Lạc trong tương lai không xa sẽ trở thành nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, công nghệ cao của cả nước, trung tâm đại học quốc gia và cao đẳng dạy nghề, trung tâm y tế, khám chữa bệnh. Đây cũng sẽ là đô thị sinh thái-nghỉ dưỡng, khoa học-công nghệ theo hướng phát triển đô thị xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng tại phía Tây Hà Nội.
Cũng theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong, thực hiện Chương trình số 06-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kế cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại giai đoạn 2016-2020,” đến nay, 6/9 chỉ tiêu của chương trình đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành.
Cụ thể, Hà Nội đã hoàn thành trồng mới 1 triệu cây xanh; 100% hộ dân đô thị được sử dụng nước sạch; 100% rác thải ở khu vực đô thị, 90% ở khu vực nông thôn và 100% chất thải y tế được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn; hoàn thành xử lý khoảng trên 150 điểm úng ngập mùa mưa...
Về thực hiện Chương trình Phát triển nhà ở của Hà Nội giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Hà Nội chắc chắn sẽ đạt hoặc vượt mục tiêu đề ra, luôn là địa phương đi đầu cả nước về phát triển nhà ở.
Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, Hà Nội đã hoàn thành gần 4 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, hơn 8 triệu m2 sàn nhà ở thương mại và hơn 300 nghìn m2 sàn nhà ở tái định cư. Diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố đạt 26 m2/người; nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố lên 91,2%...
Quả thật, hiện đại, văn minh và đủ đầy khi đắm mình trong những không gian đô thị mới của Thủ đô Hà Nội. Nhưng dường như, đằng sau những điểm sáng ấy, thật không thể không tâm tư. Một Linh Đàm vang bóng đô thị kiểu mẫu đầu tiên, giờ đã thành “nỗi sợ.” Một dãy dài san sát nhà cao tầng dọc trục đường mới mở (Lê Văn Lương-Tố Hữu) nối trung tâm với vùng đất Hà Nội mở rộng cũng trở lên đầy “ám ảnh”...
Phát triển đô thị xanh và thông minh
Rõ ràng, những vấn đề đặt ra trong phát triển cần được phân tích thấu đáo từ quá trình xây dựng quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội với một tầm nhìn chiến lược lâu dài. Bởi lẽ, bài học về sự đầu tư manh mún đã và đang để lại những hậu quả nhãn tiền mà để khắc phục được sẽ mất rất nhiều thời gian và tiền của.
Trên thực tế, những tác động của quá trình đô thị hoá thể hiện rất rõ ở khắp các lĩnh vực liên quan đến đời sống của người dân. Hầu hết các khu vực đều không theo kịp tốc độ đô thị hoá, cơ sở hạ tầng xã hội không đáp ứng được nhu cầu và điều kiện cần có của một đô thị, dẫn đến những tồn tại hết sức tai hại về môi trường sống.
Dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch-cầu Thăng Long có tổng mức đầu tư hơn 5.343 tỷ đồng. (Ảnh: Hào Nguyễn/Vietnam+)
Không những thế, những nảy sinh từ thực tiễn ngày càng gay gắt, mâu thuẫn giữa đô thị hoá và phát triển nông thôn, nông nghiệp ngoại thành dù đã có nhiều cố gắng trong đầu tư phát triển nhưng vẫn còn một khoảng cách cần sớm được rút ngắn.
Một điểm đáng lo ngại khác là tình trạng đang mất dần các không gian mặt nước của Hà Nội. Những tác hại của việc san lấp, lấn chiếm vô tội vạ hàng loạt đầm, hồ còn chưa tính đến thì nay hệ thống hành lang còn lại cũng đang tiếp tục bị đe dọa. Sự phát triển một cách thái quá, vô độ ấy có nguy cơ cắt đứt mọi liên hệ giữa con người với cảnh quan mặt nước.
Kế thừa và tiếp tục thực hiện Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội khóa XVI, Dự thảo Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch gắn với tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong xây dựng, quản lý đô thị.
Lập quy hoạch phát triển Hà Nội giai đoạn 2021-2030; rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phù hợp với định hướng phát triển kinh tế- xã hội.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đặc biệt nhấn mạnh, khi triển khai Chương trình phát triển đô thị phải chú trọng kết nối phát triển giữa đô thị và nông thôn; xây dựng các khu đô thị mới hiện đại, theo hướng đô thị xanh, thông minh, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, xã hội và dịch vụ công. Điểm nhấn trên trục Nhật Tân-Nội Bài và đô thị vệ tinh tại Hòa Lạc, Sóc Sơn.
Cùng với đó, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh các dự án phát triển nhà ở, quan tâm nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp, đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở của người dân. Thực hiện có hiệu quả các chủ trương về cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư cũ xuống cấp, nguy hiểm, hết niên hạn sử dụng, tái thiết thành các khu đô thị văn minh, đồng thời nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát, không để xảy ra tình trạng xây sai phép, sai quy hoạch, nhất là trên đất nông nghiệp, đất rừng và đất công; hạn chế úng ngập cục bộ khu vực nội thành.
Điểm xuyết vài được-mất ấy để thấy, yêu Thủ đô, mong Hà Nội phát triển khang trang, hiện đại, đáng sống, không chỉ cứ có dựng xây, mà còn cần đến tầm nhìn cho sự phát triển, cho một môi trường sống bền vững.
Nói một cách hình ảnh, diện mạo đô thị, kiến trúc cảnh quan đô thị chính là gương mặt của thành phố. Gương mặt đó phản ánh khá toàn diện quá khứ, hiện tại và cả bóng dáng tương lai, thể hiện sức sống và tiềm năng của một đô thị, đồng thời phản ánh khá rõ nét tính văn minh, hiện đại và bản sắc của một thành phố. Bởi lẽ, thành phố không chỉ có nhà và phố. Nhà có đẹp thế nào, phố có dài rộng đến đâu cũng không làm nên được diện mạo đô thị. Linh hồn, cái duyên của một thành phố được làm nên bởi những không gian đô thị.
Tin tưởng rằng, với những định hướng đã xác định trong hệ thống quy hoạch hiện hành, cơ chế đặc thù được xác định trong Luật Thủ đô, đặc biệt, định hướng trong phát triển được xác định tại Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII sắp tới, Hà Nội sẽ phát triển xứng tầm, khẳng định vị thế để vươn lên sánh vai với Thủ đô các nước trong khu vực và thế giới.
-
Ba tuyến đường nghìn tỷ mới mở ở Hà Nội khiến giá đất tăng nhảy vọt
Trong 3 năm gần đây, giá BĐS tại 3 tuyến đường, bao gồm: đường Vành đai 2 đoạn từ Ngã Tư Sở tới chân cầu Vĩnh Tuy, đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài và đường Phạm Văn Đồng đang tăng "chóng mặt".