07/07/2017 8:44 AM
Khi bối cảnh nguồn vốn ngân sách nhà nước hạn hẹp, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã được nhiều địa phương, đặc biệt là 2 đầu tàu kinh tế Hà Nội và TP.HCM đề xuất áp dụng nhằm phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.
Trong đó, việc phát triển các dự án hạ tầng giao thông sử dụng hình thức hợp đồng BT đã được đề xuất nhiều.
Nhiều dự án BT nghìn tỷ tại Hà Nội
Trên địa bàn TP. Hà Nội, Dự án Xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã tư Sở, kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi dưới thấp đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã tư Vọng đang được Thành phố xin ý kiến chủ trương chấp thuận nhà đầu tư thực hiện theo hình thức BT.
Theo đó, Dự án Xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã tư Sở (đường Vành đai 2 trên cao) theo hình thức hợp đồng BT được đề xuất với tổng mức đầu tư khoảng 5.642 tỷ đồng, thời gian thực hiện 48 tháng kể từ ngày bàn giao mặt bằng. Dự án này được đề xuất để hoàn thiện, khép kín đường Vành đai 2 khi UBND Thành phố đã chỉ đạo đầu tư Dự án Xây dựng đường Vành đai 2, đoạn Vĩnh Tuy - Chợ Mơ - Ngã tư Vọng (đường Vành đai 2 dưới thấp) với tổng mức đầu tư khoảng hơn 4.967 tỷ đồng, thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách Thành phố.
Để hoàn vốn cho nhà đầu tư, UBND Thành phố sắp xếp quỹ đất gồm: Quỹ đất 96ha tại khu Sài Đồng A, quận Long Biên và quỹ đất khoảng 130ha tại các ô quy hoạch ký hiệu A4 và một phần khu đất ký hiệu A8 trên địa bàn các xã Tân Hội, Liên Trung huyện Đan Phượng; Bổ sung quỹ đất 291ha ngoài đê sông Hồng tại quận Long Biên và huyện Gia Lâm để thực hiện sân golf Sông Đuống và các quỹ đất khác do UBND Thành phố xác định (nếu còn thiếu).
Mới đây, TP. Hà Nội đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng BT Dự án Cải tạo, nâng cấp QL 6 đoạn Ba La - Xuân Mai (Dự án).
Việc cải tạo, nâng cấp tuyến đường QL6 đoạn Ba La - Xuân Mai theo Quy hoạch giao thông vận tải TP. Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 59/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 đã xác định Dự án thuộc danh mục công trình được đầu tư chủ yếu trong giai đoạn 2016 - 2030.
Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ngày 6/12/2016 của HĐND Thành phố về Kế hoạch đầu tư công trung hạn, danh mục các công trình trọng điểm và danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2016 - 2020 của TP. Hà Nội đã xác định Dự án thuộc danh mục dự án trọng điểm, thực hiện theo hình thức BT.
Ngày 19/1/2017, UBND Thành phố đã có Văn bản số 434/UBND-KH&ĐT ngày 8/2/2017 chấp thuận Liên danh Công ty CP sông Đà Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị - Công ty TNHH MTV, Công ty CP Thương mại Ngôi nhà mới và Công ty CP Đầu tư phát triển và Dịch vụ thương mại Đại An nghiên cứu, hoàn thiện Hồ sơ đề xuất Dự án theo hình thức hợp đồng BT. Liên danh các Nhà đầu tư đã góp vốn thành lập pháp nhân mới là Công ty CP Đầu tư Louis Group để thực hiện Dự án.
Theo đề xuất Dự án, tổng vốn đầu tư Dự án dự kiến khoảng 8.800 tỷ đồng, trong đó giá trị công trình BT dự kiến là 7.736,6 tỷ đồng. UBND Thành phố dự kiến quỹ đất thanh toán cho Dự án theo hình thức BT này là 41 ô đất với tổng diện tích khoảng 441,26ha trên địa bàn các quận, huyện: Hà Đông, Chương Mỹ, Cầu Giấy, Tây Hồ, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đông Anh, Ba Vì, Mê Linh.
UBND TP. Hà Nội cho biết, do tính cấp thiết đầu tư tuyến đường, UBND Thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho phép Thành phố tiếp tục áp dụng hình thức lựa chọn Công ty CP Đầu tư Louis Group đàm phán trực tiếp thực hiện hợp đồng BT Dự án cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Ba La - Xuân Mai.
Nhiều nơi chuộng dự án BT
Tại TP.HCM, UBND Thành phố cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép Thành phố được quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức hợp đồng BT với tổng mức đầu tư của Dự án là 5.253,94 tỷ đồng.
Thành phố cũng đã chấp thuận chủ trương cho Liên danh Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt - Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620 - Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng 168 tự cân đối chi phí, nghiên cứu lập đề xuất dự án theo hình thức PPP (hợp đồng BT).
Đối với quỹ đất đối ứng cho Dự án, TP.HCM sẽ thanh toán cho nhà đầu tư bằng giá trị quyền sử dụng đất của quỹ đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm và quỹ đất tại các vị trí khác trên địa bàn Thành phố. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng cho biết, quỹ đất chính thức dùng để cân đối thanh toán hợp đồng BT cho dự án này sẽ được rà soát tính pháp lý và được xác định cụ thể trong quá trình lập, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi. Giá trị quyền sử dụng đất của quỹ đất dùng để thanh toán sẽ được thẩm định và phê duyệt để làm cơ sở thanh toán hợp đồng BT theo đúng quy định hiện hành.
Ngoài Hà Nội và TP.HCM, nhiều địa phương khác cũng có nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng theo hình thức BT. Thống kê chưa đầy đủ từ 77 dự án PPP đã được các địa phương công bố danh mục dự án trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia từ ngày 1/1/2017 đến 6/7/2017 cho thấy, có khoảng 51 dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BT, 17 dự án theo hợp đồng BOT, còn lại 9 dự án được thực hiện theo các dạng hợp đồng khác (BLT, O&M, OM, BTL, BOO). Như vậy, hợp đồng BT dường như đang được “yêu thích” trong số các loại hợp đồng thuộc mô hình đầu tư PPP.
Thống kê chưa đầy đủ từ 77 dự án PPP đã được các địa phương công bố danh mục dự án trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia từ ngày 1/1/2017 đến 6/7/2017 cho thấy, có khoảng 51 dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BT, 17 dự án theo hợp đồng BOT, còn lại 9 dự án được thực hiện theo các dạng hợp đồng khác.
Chủ đề: Các dự án BT, BOT
Trần Kiên (Báo Đấu thầu)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.