Người "nặn" "Nàng tiên cá" bị phớt lờ
Nằm tách biệt ở đầu bán đảo Nha Trang, Rusalka được xem là một trong những khu nghỉ dưỡng đẹp nhất của Việt Nam và khu vực, được thiết kế theo phong cách nội thất dân tộc Chăm, hài hòa trong phong cách kiến trúc thuần Việt. Năm 2000, DA được Bộ Kế hoạch - Đầu tư cấp cho Công ty Rus - Invest - Tur (RIT) do ông Nguyễn Đức Chi làm Giám đốc triển khai trên diện tích khoảng 46 hécta với ba khu chính: khu biệt thự trên đồi, khu hội nghị quốc tế và sân tập golf trong thung lũng, khu nhà nghỉ ven bờ biển. Theo kế hoạch thì khu nhà nghỉ ven biển sẽ đi vào hoạt động năm 2006, các khu khác sẽ hoàn thành từ năm 2008 đến 2009. DA này được Công ty TNHH một thành viên vật liệu xây dựng và xây lắp thương mại (BMC - thuộc Bộ Công thương) do ông Nguyễn Văn Ngọc làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc là nhà thầu chính cùng 32 công ty trong và ngoài nước thực hiện.
Khi nhiều hạng mục của dự án đang gấp rút hoàn thiện thì giữa năm 2005, ông Chi bị bắt giam, sau đó lãnh án 5 năm 6 tháng tù. Tài sản DA bị Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an kê biên như là vật chứng của vụ án hình sự. Theo đề nghị của cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã ra quyết định chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy phép đầu tư DA. Theo thẩm định của Bộ Tài chính, tài sản của DA Rusalka là hơn 131 tỷ đồng. Ngày 1-4-2010, tòa án nhân dân tối cao hủy kê biên tài sản tại Rusalka. Sau khi ra tù, ông Chi thành lập Công ty cổ phần du lịch trọng điểm Nha Trang (DLTĐNT) do em trai của mình là Nguyễn Đức Tấn làm Giám đốc; ông Chi làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Ngày 1-10-2010, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý DA Rusalka theo quy định của pháp luật về đầu tư. Ngày 27-10-2011, tỉnh Khánh Hòa ra thông báo số 389/TB-UBND về thanh lý DA Rusalka, từ đây bắt đầu xảy ra sự phản đối quyết liệt từ các nhà thầu và chủ nợ của DA, nhất là Công ty BMC - chủ nợ lớn nhất của RIT - vì cho rằng có sự khuất tất, mập mờ, chỉ làm lợi cho ông Chi từ thông báo thanh lý trên. Trước khiếu nại của nhiều chủ nợ, ngày 13-2-2012, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có công văn 141/VPCP-KNTN chỉ đạo: “Yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa khẩn trương thực hiện việc thanh lý DA và giải quyết dứt điểm khiếu nại của tổ chức, cá nhân có liên quan, sau đó mới có quyết định lựa chọn nhà đầu tư mới theo quy định để tránh thất thoát tài sản Nhà nước và thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân liên quan”. Trong khi quyền lợi của BMC và một số nhà thầu chưa được giải quyết, cũng như tỉnh Khánh Hòa chưa có một văn bản nào trả lời chính thức về những khiếu nại của BMC thì công ty này bất ngờ nhận được tin tỉnh Khánh Hòa vừa cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) DA Rusalka cho Công ty DLTĐNT với tên gọi mới là DA Champarama resort & spa. Thực chất việc tỉnh Khánh Hòa cấp DA Champarama resort & spa cho Công ty DLTĐNT là trả DA về tay chủ cũ. Trước đó, BMC từng có văn bản gửi tỉnh Khánh Hòa xin “tiếp tục đầu tư xây dựng DA Rusalka” nhưng bị tỉnh này phớt lờ.
Bỏ hơn trăm tỷ đồng xây dựng DA nghỉ dưỡng cao cấp Rusalka để phơi sương
Cần sớm xử lý
Sau khi biết thông tin trên, trong các ngày 2 và 3-5-2013, BMC làm đơn khiếu nại lên Thủ tướng Chính phủ và nhiều cơ quan trung ương, phản đối những hành vi hành chính và quyết định hành chính của tỉnh Khánh Hòa cũng như tố cáo tỉnh này có dấu hiệu tiêu cực trong quá trình xử lý tồn tại khối tài sản của Nhà nước, của BMC và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời BMC cũng gửi văn bản yêu cầu tỉnh Khánh Hòa tạm ngưng tất cả các hoạt động liên quan đến DA Rusalka cũ, chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
Ông Nguyễn Văn Ngọc cho biết: “Tỉnh Khánh Hòa cấp GCNĐT giao các tài sản thuộc DA Rusalka do các nhà thầu đã bỏ tiền xây dựng nên cho Công ty DLTĐNT mà không có phương án bồi thường cho những chủ thể có tài sản, quyền lợi bị DA tác động là không hợp lý. Tỉnh Khánh Hòa chuyển toàn bộ nghĩa vụ thanh toán của chủ đầu tư cũ là Công ty RIT sang Công ty DLTĐNT kế thừa mà không được sự chấp nhận của các chủ thể có quyền lợi như BMC là vi phạm điều 315 Luật Dân sự năm 2005. Theo quy định, chủ thể được giao tài sản, giao đất hoặc cho thuê đất thì phải có phương án bồi thường được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phải bồi thường cho các chủ thể có quyền lợi bị xâm phạm trước khi đầu tư DA, nhưng tỉnh Khánh Hòa chỉ yêu cầu Công ty DLTĐNT cam kết kế thừa tất cả nghĩa vụ, trách nhiệm về công nợ của RIT. Đây là yêu cầu chung chung vì việc thanh toán nợ phụ thuộc nhiều yếu tố như khả năng tài chính, thời hạn trả nợ, ai đứng ra giải quyết, bảo lãnh cho việc thanh toán này và sẽ chịu hình thức chế tài nào khi pháp nhân cố tình không trả nợ... Những yếu tố quan trọng này chưa được tỉnh Khánh Hòa làm rõ trong GCNĐT, vì thế BMC sợ vấn đề này lại quay về “điệp khúc” cũ là việc dân sự các bên tự giải quyết, nếu không giải quyết được thì khởi kiện ra tòa”.
BMC cũng chỉ ra những điều chưa hợp lý như: “Ngày 16-12-2011, Công ty DLTĐNT mới đăng ký kinh doanh nhưng không hiểu sao ngày 27-10-2011, tỉnh Khánh Hòa đã có thông báo “thống nhất xem xét lựa chọn Công ty DLTĐNT là nhà đầu tư mới tiếp tục thực hiện DA Rusalka”, nghĩa là công ty này chưa “chào đời” nhưng đã được tỉnh Khánh Hòa “chọn mặt gửi DA” trước đó gần hai tháng?”. Chưa hết, tại điều 4 của GCNĐT do tỉnh Khánh Hòa cấp cho Công ty DLTĐNT có ghi: “Vốn đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng, bao gồm: giá trị đã thực hiện khoảng 600 tỷ đồng”. Theo BMC, việc này là không hợp lý vì: “Năm 2007, Chính phủ thành lập Hội đồng định giá tài sản DA Rusalka đã kết luận tổng tài sản đã đầu tư vào DA này là 131 tỷ đồng, toàn bộ tài sản này là vốn của 33 nhà đầu tư trong và ngoài nước, sau tám năm bị bỏ hoang hóa vì sao khối tài sản cũ này không giảm đi mà “bỗng dưng” lên giá thành 600 tỷ đồng? Trong 131 tỷ đồng này thì BMC có 74 tỷ đồng (chiếm gần 56%) và từ lâu đã khiếu nại khắp nơi nhưng chưa được giải quyết, còn Công ty DLTĐNT chưa từng đầu tư một đồng nào DA này vậy căn cứ vào đâu để cấp GCNĐT cho Công ty DLTĐNT?”.
BMC đã có văn bản đề nghị lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa làm việc với mình nhưng bị tỉnh này phớt lờ và cho rằng mặc dù đã có ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhưng tỉnh không có quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của mình là trái với quy định của Luật Khiếu nại tố cáo. BMC yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa sớm có biện pháp giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi cho BMC nói riêng và các chủ nợ khác của DA Rusalka nói chung để các công ty này có nguồn vốn hoạt động.