Đã hai lần Công ty Focus Nha Trang gửi công văn về việc kế thừa nghĩa vụ thanh toán công nợ của Công ty Rus--Invest-Tur (Công ty RIT) tại dự án Rusalka (Nha Trang – Khánh Hoà) cho Công ty BMC và công ty này đã đồng ý nhận kế thừa nghĩa vụ thanh toán công nợ của Công ty RIT tại dự án Rusalka cho các nhà thầu, (trong đó có Công ty BMC).

Sự việc được cụ thể tại công văn phúc đáp số 205/BMC ghi ngày 19/06/2013. Theo công văn này, một lần nữa Công ty Focus Nha Trang xác nhận đồng ý nhận kế thừa nghĩa vụ thanh toán công nợ của công ty RIT tại dự án Rusalka cho các nhà thầu, (trong đó có Công ty BMC ), đồng thời xin xác nhận nhiều nội dung.

Theo tài liệu được chuyển giao từ ông Nguyễn Đức Chi - chủ tịch HĐQT Công ty Focus Nha Trang, số công nợ của Công ty RIT đối với Công ty BMC (chưa đủ điều kiện thanh toán theo hợp đồng ký giữa 2 công ty năm 2003) là 51,6 tỷ đồng.

Liên quan đến các nội dung được xác nhận trong công văn số 205/BMC ngày 19/06/2013, P.V đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tấn – TGĐ Công ty Focus Nha Trang.

Thưa ông, Công ty BMC đóng vai trò như thế nào trong dự án Rusalka?

Theo hợp đồng kinh tế đã ký năm 2003 giữa chủ đầu tư (Công ty RIT) và nhà thầu (Công ty BMC) thì chủ đầu tư giao cho Nhà thầu thi công một số hạng mục của dự án Rusalka dưới sự bảo lãnh thanh toán của Ngân hàng Quân đội (MB). Nhà thầu được giải ngân sau khi khối lượng thi công được nghiệm thu và sau khi dự án được đi vào khai thác hoạt động; Sau khi khối lượng thi công được chủ đầu tư nghiệm thu, giá trị đã thi công của nhà thầu được tính lãi suất; chủ đầu tư đã ký thế chấp tài sản đã và sẽ hình thành trên đất dự án cho MB, theo đó MB thực hiện bảo lãnh thanh toán cho khối lượng đã và sẽ thi công của nhà thầu.

Như vậy, ngay từ khi Công ty BMC chấp nhận bảo lãnh thanh toán của chủ đầu tư được phát hành thông qua MB và ngay khi các bên ký biên bản nghiệm thu khối lượng đã thi công và biên bản đối chiếu công nợ để tính lãi suất, các bên đã xác lập quyền sở hữu tài sản thuộc về chủ đầu tư , tài sản này được chủ đầu tư thế chấp cho MB và nghĩa vụ thanh toán thuộc về MB nếu đến hạn thanh toán mà chủ đầu tư không thực hiện kịp thời.

Công văn phúc đáp của BMC

Ông đánh giá như thế nào về việc chuyển giao tài sản đã được dỡ bỏ kê biên tại dự án Rusalka từ ông Nguyễn Đức Chi sang Công ty Focus Nha Trang?

Khi xét xử về các sai phạm xẩy ra tại dự án Rusalka, Toà án Nhân dân tỉnh Khánh Hoà đã xác định 2 trong số 3 công ty Liên Bang Nga (ghi trên Giấy phép đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty RIT) không đầu tư vào dự án; dự án Rusalka thực tế do công ty mà ông Nguyễn Đức Chi sở hữu 100% vốn thực hiện. Toà án Nhân dân Tối cao đã có văn bản khẳng định rằng các hành vi mà ông Nguyễn Đức Chi bị xét xử “không liên quan đến việc xin cấp phép đầu tư vào dự án Rusalka”.

Sau khi thu hồi giấy phép đầu tư của Công ty RIT, các cơ quan tố tụng (Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ công An, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Toà án nhân dân tối cao) đã xác định tài sản dự án Rusalka là tài sản thuộc sở hữu của ông Nguyễn Đức Chi. Bản án giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Toà án Nhân Dân Tối Cao (TANDTC) ngày 01/4/2010 khẳng định tài sản bị kê biên tại dự án Rusalka là tài sản của ông Nguyễn Đức Chi; TANDTC cũng có văn bản khẳng định “tài sản bị kê biên và đã được dỡ bỏ kê biên” tại dự án Rusalka là của ông Nguyễn Đức Chi.

Như vậy việc ông Nguyễn Đức Chi ký chuyển giao tài sản tại dự án Rusalka cho Công ty Focus Nha trang trước khi Công ty Focus Nha Trang được UBND tỉnh Khánh Hoà cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án Champarama Resort & Spa là đúng với quy định của pháp luật về việc thực hiện quyền sở hữu đối với tài sản. Việc UBND tỉnh Khánh Hoà thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng CP, tôn trọng phán quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC, thừa nhận việc chuyển giao tài sản hợp pháp từ ông Nguyễn Đức Chi sang cho Công ty Focus Nha Trang và thực hiện cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Champarama Resort & Spa cho Công ty Focus Nha Trang là đúng thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật.

Về năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân RIT trong sự việc này thì sao, thưa ông?

Công ty RIT đã chấm dứt hoạt động từ tháng 10/2006 do bị Bộ KHĐT thu hồi Giấy phép đầu tư (đồng thời là giấy đăng ký kinh doanh) số 2178/GP (Quyết định 581/QĐ-BKH ngày 24/10/2006). Bộ Luật Dân Sự năm 2005 Khoản 2 Điều 86 quy định “Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân chấm dứt khi pháp nhân chấm dứt”, theo đó pháp nhân “Rus-Invest-Tur “ không còn tồn tại để thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với Công ty BMC, phạm vi của nghĩa vụ này được tính tới tới thời điểm 24/10/2006. Việc Bộ KHĐT ban hành Quyết định chấm dứt hoạt động của RIT, bỏ qua thủ tục thanh lý công nợ của RIT tại thời điểm 24/10/2006 là trái quy định của pháp luật về đầu tư, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của chủ đầu tư và của các nhà thầu, trong đó có lợi ích của BMC.

Chúng tôi lấy làm tiếc rằng tại thời điểm đó, trong thời hạn quy định của pháp luật, BMC đã không khiếu nại quyết định của Bộ KHĐT để bảo vệ lợi ích của mình, hậu quả là BMC phải chịu tổn thất về tài sản (công nợ không có người thanh toán), còn chủ đầu tư dự án phải chịu tổn thất vì dự án bị “đóng băng” kéo dài.

Vậy việc giải quyết tranh chấp trong quan hệ dân sự là thẩm quyền của cơ quan nào?

Theo quy định của pháp luật thì Chính Phủ, Bộ KHĐT, Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Khánh Hoà , các cơ quan quản lý hành chính khác không có thẩm quyền giải quyết quan hệ dân sự giữa BMC và RIT. Chúng tôi đồng ý với BMC rằng UBND tỉnh Khánh Hoà không có thẩm quyền quyết định về phạm vi, nghĩa vụ dân sự thay cho các bên tham gia quan hệ dân sự (thay cho chủ đầu tư và các nhà thầu); đương nhiên UBND tỉnh Khánh Hoà không có thẩm quyền quyết định chuyển giao nghĩa vụ dân sự từ RIT sang cho Công ty Focus Nha Trang mà thiếu sự chấp thuận của các bên.

Theo quy định của pháp luật về đầu tư, việc thanh lý công nợ của RIT thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư, việc thanh lý phải được chủ đầu tư thực hiện trước khi pháp nhân chấm dứt hoạt động. Theo quy định của Bộ Luật Dân Sự, việc giải quyết quan hệ dân sự (quan hệ công nợ giữa các bên) được thực hiện theo sự thoả thuận của các bên tham gia quan hệ dân sự (chủ đầu tư và các nhà thầu), hoặc theo phán quyết của Toà án các cấp.

UBND tỉnh Khánh Hoà đã yêu cầu Công ty Focus Nha Trang cam kết kế thừa nghĩa vụ thanh toán công nợ của RIT cho các nhà thầu tại dự án Rusalka, yêu cầu này thể hiện trách nhiệm của UBND tỉnh Khánh Hoà đối với các vấn đề khách quan xảy ra tại dự án Rusalka từ năm 2006; yêu cầu này cũng thể hiện trách nhiệm của UBND tỉnh Khánh Hoà đối với thiếu sót của BMC. BMC có quyền từ chối nhận thanh toán công nợ từ công ty Focus Nha Trang, nhưng trong trường hợp này UBND tỉnh Khánh Hoà không có nghĩa vụ và trách nhiệm pháp luật nào đối với tổn thất kinh tế của BMC trong quan hệ kinh tế, dân sự của BMC đối với RIT.

Xin cám ơn ông!

PV (Người Đưa Tin)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.