Dự án khách sạn Vavisal Đại Lãnh (bãi biển Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh) đi vào “lịch sử” đầu tư của tỉnh Khánh Hòa với thời gian “xí” đất gần 30 năm không thực hiện. Vùng đất dự án này như bị chìm vào quên lãng, gây lãng phí tài nguyên du lịch. Người dân, cử tri hết sức bức xúc, nhưng không hiểu lý do vì sao, dự án không bị thu hồi.

Bãi biển Đại Lãnh, nơi triển khai dự án Vavisal Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa). Ảnh: P.V

Được “cưng như trứng” vẫn bỏ hoang gần 30 năm

Dự án khách sạn Vavisal Đại Lãnh được UBND huyện Vạn Ninh liên doanh với Xí nghiệp liên hiệp trục vớt cứu hộ (TP.Hồ Chí Minh) đầu tư xây dựng vào năm 1988. Đến năm 1994, dự án được chuyển nhượng cho một nhóm nhà đầu tư (gồm ông Nguyễn Thanh Tùng, Hà Hùng Dũng và bà Phùng Trịnh Thị Vinh). Tuy vậy, sau khi được chuyển giao, nhóm nhà đầu tư này không tiếp tục triển khai, đưa dự án đi vào hoạt động. Đến nay gần 30 năm, dự án vẫn trong tình trạng dở dang. Do vậy, khu vực này trở thành điểm đen của các tệ nạn xã hội, gây mất mỹ quan, cũng như ô nhiễm môi trường tại bãi biển Đại Lãnh.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, đây là dự án này kéo dài rất nhiều năm, qua nhiều thời kỳ nên việc xem xét, đánh giá hồ sơ để xử lý dự án theo quy định pháp luật đầu tư gặp khó khăn và các quy định của pháp luật trong hoạt động đầu tư có nhiều thay đổi.

Sau khi có kiến nghị của cử tri vào tháng 9.2016, UBND tỉnh đã giao Ban Quản lý (BQL) Khu kinh tế Vân Phong chủ trì cùng với các sở, ngành làm việc với chủ đầu tư đánh giá việc triển khai, nhắc nhở, đồng thời đưa ra phương án giải quyết.

UBND tỉnh cho phép nhà đầu tư trong thời gian 1 tháng (đến 15.11.2016) và nhắc nhở, gia hạn thêm 6 tháng (đến 30.6.2017) theo đề nghị của nhà đầu tư để nhà đầu tư tổ chức khảo sát thực địa, đánh giá lại khả năng thực hiện dự án, thu xếp nguồn vốn để thực hiện 1 trong 2 phương án là tu sửa để tiếp tục khai thác công trình hoặc tháo dỡ và thiết kế tạo cảnh quan cho bãi biển Đại Lãnh. Ngoài ra, theo đề nghị của chủ đầu tư, UBND tỉnh đã đồng ý để BQL Khu kinh tế Vân Phong phối hợp với Sở KHĐT, Sở Du lịch hỗ trợ nhà đầu tư, giới thiệu, xúc tiến các đối tác đầu tư khác có quan tâm để tham gia hợp tác đầu tư dự án.

Kể từ khi các cơ quan chức năng làm việc với nhà đầu tư vào tháng 10.2016 cho đến nay, nhà đầu tư nhiều lần cam kết việc thực hiện dọn dẹp và xây dựng kế hoạch triển khai dự án. Tuy nhiên, đã gần 2 năm, nhà đầu tư vẫn không nghiêm túc triển khai các nội dung như đã cam kết. Do vậy, tháng 10.2017, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường khẩn trương tổ chức thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất tại dự án này theo quy định pháp luật về đất đai.

Thất lạc hồ sơ

Tại văn bản 7277 (ngày 18.7.2018) về việc trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Quốc Thịnh, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa - cho rằng, quá trình thực hiện, do phải sao lục hồ sơ (do hồ sơ đã lâu, thất lạc), thực hiện trích đo lại vị trí khu đất và việc liên hệ, làm việc với nhà đầu tư nhiều lần (nhà đầu tư không hợp tác, không cung cấp đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu). Do vậy, Sở Tài nguyên - Môi trường nhiều lần xin gia hạn thời gian báo cáo.

Trước đó, 14.6.2018, Sở Tài nguyên - Môi trường có kết luận thanh tra, báo cáo tỉnh. Tuy vậy, UBND tỉnh xét thấy dự án này đã được giao đất từ lâu (từ năm 1994), trước thời điểm Luật Đầu tư có hiệu lực, do vậy, UBND tỉnh tiếp tục xếp lịch họp để nghe các sở, ngành báo cáo để xử lý trường hợp trên.

Trả lời câu hỏi tại sao dự án này đã treo mấy chục năm nhưng không thu hồi, ông Trần Minh Hải - Phó Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Khánh Hòa - cho biết: “Dự án đó do BQL Khu kinh tế Vân Phong quản lý”. Ôg Hoàng Đình Phi - Trưởng BQL Khu kinh tế Vân Phong cho biết: Dự án này không có giấy chứng nhận đầu tư nên Sở KHĐT không thể xử phạt được. Hiện UBND tỉnh giao Sở TNMT tiếp tục xử lý về sử dụng đất.

Nhiệt Băng (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.