24/09/2024 11:33 AM
Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ mở ra cơ hội mới cho Hòa Phát khi doanh nghiệp này đang nghiên cứu sản xuất thép phục vụ cho dự án. Bởi chi phí xây dựng công trình, đường ray, nhà ga có thể lên mức 650.907 tỷ đồng.

Tại hội nghị Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp tư nhân lớn như Vingroup, Hòa Phát, Thaco, KN Holdings, Sungroup, T&T, Geleximco... diễn ra mới đây, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát đã có loạt kiến nghị để phát triển ngành thép, cũng như các dự án đường sắt tốc độ cao.

Trong đó, ông Trần Đình Long nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng mức đầu tư 70 tỷ USD và tin rằng đây sẽ là công trình hạ tầng chiến lược của quốc gia trong trung và dài hạn.

“Hòa Phát sẵn sàng trong việc tham gia đấu thầu cung cấp thép cho dự án. Đồng thời, tập đoàn đủ năng lực để sản xuất thép cho đường ray tốc độ cao tại Việt Nam”, Chủ tịch Hòa Phát khẳng định.

Khẳng định ĐỦ NĂNG LỰC làm đường ray cao tốc, Hòa Phát sẽ hưởng lợi thế nào từ dự án 70 tỷ USD?- Ảnh 1.

Tỷ phú Trần Đình Long khẳng định Hòa Phát đủ năng lực để sản xuất thép cho đường ray tốc độ cao

Trước đó, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của Hòa Phát diễn ra hồi tháng 4/2024, ông Long cũng bày tỏ tham vọng sản xuất đường ray cho tàu cao tốc trong giai đoạn 2 của dự án Dung Quất 2.

Về công nghệ, chủ tịch Hòa Phát tiết lộ sẽ “đi tắt đón đầu”, sử dụng công nghệ cao nhất nhập từ nhóm G7 (Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Ý).

Hiện nay, lĩnh vực thép của Hòa Phát có 2 sản phẩm chính là thép xây dựng và thép cuộn cán nóng HRC. Trước bối cảnh nhà máy Dung Quất 2 sắp đi vào hoạt động, doanh nghiệp này đang cố gắng mở rộng thị trường với mục tiêu có thể tiêu thụ hết lượng HRC sản xuất ở giai đoạn 1.

Đối với mảng sản phẩm truyền thống như thép xây dựng, ông thép, tôn mạ, ông Long cho biết Hòa Phát không có kế hoạch mở rộng để tập trung vào mảng thép chất lượng cao.

Tính đến thời điểm tháng 8/2024, dự án Dung Quất 2 đã hoàn thành 80% tiến độ phân kỳ 1 và 50% phân kỳ 2. Dự kiến, phân kỳ 1 sẽ hoàn thành lắp đặt thiết bị dây chuyền sản xuất thép HRC vào giữa tháng 9/2024, sau đó nhà sản xuất này sẽ tiến hành chạy thử nguội, căn chỉnh thiết bị.

Hòa Phát cho biết, theo tiến độ hiện nay, phân kỳ 1 dự kiến sẽ có sản phẩm chạy thử nóng đầu tiên vào cuối năm và đi vào khai thác thương mại để ghi nhận doanh thu từ đầu quý 1/2025. Phân kỳ 2 hoàn thiện và hoạt động vào quý 4/2025.

Theo ông Long, đây là thời điểm Hòa Phát bắt đầu nghiên cứu và sản xuất những thanh ray đầu tiên để phục vụ cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Khẳng định ĐỦ NĂNG LỰC làm đường ray cao tốc, Hòa Phát sẽ hưởng lợi thế nào từ dự án 70 tỷ USD?- Ảnh 2.

Chi phí xây dựng công trình, đường ray, nhà ga có thể lên mức 650.907 tỷ đồng

Trong báo cáo phân tích mới cập nhật, Chứng khoán Funan (FNS) cho rằng dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ mở ra cơ hội mới cho Hòa Phát khi doanh nghiệp này đang nghiên cứu sản xuất thép phục vụ cho dự án. Bởi chi phí xây dựng công trình, đường ray, nhà ga có thể lên mức 650.907 tỷ đồng.

Theo FNS, dự nhà máy thép Dung Quất 2 sẽ là động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho Hòa Phát giai đoạn sau năm 2024.

Cụ thể, khi dự án đi vào hoạt động cả 2 giai đoạn có thể mang về khoảng 80.000 - 100.000 tỷ đồng doanh thu mỗi năm cho Hòa Phát, đồng thời giúp tập đoàn này gia tăng năng lực sản xuất thép HRC nhằm dẫn đầu thị trường nội địa.

Về triển vọng, FNS cho rằng nhu cầu thép đối với ngành xây dựng dự kiến sẽ phục hồi mạnh trong bối cảnh Chính phủ thúc đẩy đầu tư công trong năm 2024, đi kèm sự phục hồi từ thị trường bất động sản.

Giá thép xây dựng dự kiến phục hồi khi đang giao dịch với mức nền thấp kể từ tháng 7/2023 đến nay nhờ sự phục hồi từ thị trường bất động sản nội địa và các chính sách kích thích nền kinh tế từ Chính phủ.

Ngoài việc tập trung vào thị trường nội địa, Hòa Phát còn dẫn đầu trong mảng xuất khẩu thép của Việt Nam. Doanh nghiệp này được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì vị thế này trong bối cảnh nhu cầu thép thế giới đang phục hồi chậm, với mức tăng trưởng 2,1% so với cùng kỳ năm 2023 và dự kiến sẽ đạt tăng trưởng tiêu dùng trung bình hàng năm là 1,2% trong giai đoạn 2024-2026.

Tuy nhiên, FNS cũng lưu ý một số rủi ro mà các doanh nghiệp thép có thể phải đối mặt như thép HRC của Việt Nam nguy cơ bị Ủy ban châu Âu điều tra chống bán phá giá. Đây là diễn biến đáng lo ngại đối với các doanh nghiệp ngành thép, trong đó có Hòa Phát.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.