Tiếp tục phản ánh đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Ngô Thị Loan ở Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội cho biết, ngày 06/03/2010, bà có ký hợp đồng vay vốn số 1205/HĐVV10 với Công ty TNHH Quản lý bất động sản Thế Kỷ thuộc Công ty Cổ phần Tập Đoàn Thế Kỷ (CEN GROUP) do bà Trần Thị Thanh Bình làm Giám đốc để đầu tư xây dựng dự án bất động sản.
Hợp đồng vay vốn thực hiện dự án Mekong Plaza giữa bà Ngô Thị Loan ký với Thế Kỷ
Tại các điều 1, điều 2, điều 3 và điều 4 của Hợp đồng đã nêu rõ: Số tiền công ty bất động sản Thế Kỷ vay là 496.000.000 đồng, trong thời hạn 09 tháng với lãi suất cố định trong suốt thời gian vay là 9%/năm.
Trên thực tế đã thu tại phiếu thu số 43 quyển số 3, ngày 06/03/2010 là 624.000.000 đồng, trong đó tiền mua nhà theo giá dự kiến và nộp đợt 1 là 496.000.000 đồng và tiền chênh là 155.000.000 đồng/căn.
Cùng với hợp đồng vay vốn, bà Loan còn ký với Công ty Thế Kỷ phụ lục 01 về quyền mua và thông tin bất động sản ngày 06/03/2010. Theo đó, bà Loan sẽ được quyền mua và quyền thông tin của dự án "Mekong Plaza" tại khu đất A44 - THCT3, Khu đô thị mới Lê Trọng Tấn - Geleximco, Hà Nội.
Tuy nhiên, cho đến nay, dự án "Mekong Plaza" đã bị chậm tiến độ quá lâu so với hợp đồng đã ký kết.
"Khi tôi ký hợp đồng cho vay vốn với Cen Group lúc đầu là để nhận quyền mua một căn hộ hơn 100 m2 nhưng sau đó, khi tôi lên hỏi mới biết, họ lại tự ý thay đổi thiết kế, chia căn hộ mà tôi đã đặt quyền mua sang thành hai căn với diện tích nhỏ hơn.
Không những vậy, hai căn này, theo bản thiết kế mới họ cho tôi xem lại cách xa nhau chứ không gần nhau. Tôi có hỏi thì họ trả lời các căn gần nhau không còn.
Tôi không chấp nhận và đề nghị được rút toàn bộ vốn đã cho vay theo hợp đồng nhưng phía Cen Group không đồng ý. Sau khi tôi cương quyết yêu cầu rút vốn thì họ, đưa ra phương thức trả lại tiền theo kiểu mỗi tháng tôi sẽ nhận được 20 triệu đồng.
Như vậy là không thỏa đáng và không đúng với những gì mà công ty đã hứa hẹn khi tôi ký hợp đồng vay vốn. Tôi có cảm giác đây chẳng khác nào như mình bị lừa đảo", bà Loan bày tỏ.
Theo hợp đồng mà bà Loan cung cấp, tại điều 2: "Điểm 2.1 qui định, thời hạn vay: 09 tháng kể từ ngày ký Hợp đồng vay vốn và tại điểm 2.2 cũng nói rõ, thời hạn vay có thể được điều chỉnh nếu bên B gửi thông báo gia hạn cho bên A trong vòng 10 ngày trước khi kết thúc thời hạn.
Việc gia hạn được hai bên thỏa thuận hoặc tính theo thời hạn khắc phục những ảnh hưởng, tác động của sự kiện bất khả kháng hoặc các sự kiện khác theo thông báo của bên B nhưng không kéo dài quá 06 tháng tính từ ngày kết thúc thời hạn".
Nếu tính theo những gì được qui định tại các điểm 2.1 và 2.2 này thì thời hạn vay vốn ở đây đã quá khá lâu.
Phối cảnh dự án Mekong Plaza (Ảnh: Internet).
Liên quan đến việc rút hoàn trả vốn và lãi, tại điều 6 hợp đồng cũng nêu rõ: Bên B sẽ thanh toán đầy đủ cả gốc và lãi vay bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản cho bên A vào: (i) ngày kết thúc thời hạn vay nếu hai bên không ký kết hợp đồng mua bán; hoặc (ii) khi hai bên chấm dứt việc thực hiện hợp đồng vay vốn này...
CEN Group thừa nhận không có tiền trả cho khách
Trao đổi với PV Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Trần Thị Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý bất động sản Thế Kỷ thừa nhận, công trình đã chậm trễ tiến độ nhiều tháng do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Bà Bình cũng cho rằng: "Ở dự án này ngoài Thế Kỷ còn một số đơn vị thứ cấp khác góp vốn cho chủ đầu tư, tuy nhiên hiện nay, các đơn vị thứ cấp kia đã chuyển toàn bộ khách hàng sang ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư và hoàn toàn không trả một đồng nào cho khách hàng. Hiện chỉ còn Thế Kỷ là đơn vị duy nhất vẫn đang trả lại tiền cho khách hàng muốn rút vốn mà không muốn ký trực tiếp với chủ đầu tư".
Liên quan đến việc công ty đưa ra mức trả hàng tháng chỉ là 20 triệu đồng mà không hoàn trả toàn bộ số vốn cho vay mà khách hàng đã nộp, bà Bình lý giải: "Chúng tôi không có ý định không trả lại tiền cho khách hàng mà do chủ đầu tư hiện đang cầm của chúng tôi mấy chục tỷ và họ cũng đã trả lời thẳng thắn là không có tiền để trả cho chúng tôi. Vì thế, chúng tôi cũng không có tiền để trả cho khách hàng một cục được.
Với tất cả những khách hàng đến đây chúng tôi đều đưa ra hai cách giải quyết, hoặc là sang ký trực tiếp với chủ đầu tư, hoặc là muốn rút vốn thì thông cảm cho chúng tôi trả dần, bởi tiền vẫn nằm hết bên chủ đầu tư mà không rút bất cứ một đồng nào về".
Về việc tự ý thay đổi thiết kế từ một căn thành hai căn, bà Bình nhấn mạnh, đó không phải là lỗi của Thế Kỷ.
"Đó là do yếu tổ khách quan. Ở đây, nếu khách hàng mà lên thì chúng tôi sẽ kết chuyển ký với chủ đầu tư tìm căn phù hợp hơn. Còn không thì quay lại và thông cảm trong thời kỳ khó khăn này để chúng tôi trả vốn lại dần dần", bà Bình cho hay.
Cùng với đó, bà Bình cũng cho hay, nếu khách hàng muốn mua nhà để ở thì công ty sẽ chuyển sang một số dự án khác của công ty đang chuẩn bị giao nhà...