16/09/2012 5:45 PM
Theo số liệu công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ giải ngân vốn của các ngân hàng hiện vẫn rất chậm. Tính đến ngày 20/8, trong khi tăng trưởng tín dụng đạt 1,4% thì tổng số dư tiền gửi tại các ngân hàng tăng 11,23%. Trước thực trạng huy động 10 đồng, nhưng chỉ cho vay ra được 1 đồng, nhiều nhà băng đã tìm nhiều giải pháp để đẩy nhanh tín dụng, từ giảm lãi suất cho vay đến hạ chuẩn đối với khách hàng.

Ngân hàng cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã dành 15.000 tỉ đồng để triển khai gói cho vay ưu đãi lãi suất với mức thấp nhất chỉ 9%/năm trong vòng 4 tháng, bằng với trần lãi suất huy động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tất nhiên, mức lãi suất đặc biệt ưu đãi này không dành cho đại trà, mà chỉ một số khách hàng được xếp hạng tín dụng loại A trở lên theo tiêu chí của chính đơn vị này. Còn đối với các doanh nghiệp khác thuộc 4 nhóm ưu tiên: doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, thì lãi suất dao động từ 10/12%/năm.

Trước thắc mắc về việc cho vay ngang bằng lãi suất huy động, lãnh đạo của Vietcombank cho biết do ngân hàng hiện còn dư địa cho vay rất nhiều, trong khi đó cũng có một số nguồn vốn huy động rẻ hơn so với lãi suất huy động hiện hành, nên cho vay giá thấp để đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng. Trên thực tế, với các mức lãi suất ưu đãi, các ngân hàng cũng chỉ áp dụng với một số lượng khách hàng nhất định, chỉ có 15% tổng dư nợ là được hưởng lãi suất thấp.

Doanh nghiệp luôn thiếu vốn để sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Thiện Hoàng.

Từng gây hiện tượng trên thị trường, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vào giữa tháng 6/2012 đã công bố cho vay VND với lãi suất 7% tham chiếu theo tỷ giá, áp dụng cho tất cả các khách hàng cá nhân, doanh nghiệp với thời hạn vay từ khi triển khai đến cuối năm. Thực ra, bản chất của chương trình tín dụng cho vay VND tham chiếu theo tỷ giá VND/USD là cho vay vốn ngoại tệ nhưng giải ngân bằng nội tệ thông qua hợp đồng quyền chọn. Cụ thể, để tiếp cận lãi suất trên, khách hàng phải có một thỏa thuận đi kèm liên quan đến biến động của tỷ giá USD/VND.

Bên cạnh mức lãi suất 7%/năm, khách hàng phải cam kết bù đắp cho chênh lệch của tỷ giá USD/VND trong kỳ (từ thời điểm triển khai đến cuối năm) tối đa là 3%; nếu tỷ giá tăng trên 3%, Eximbank sẽ chịu thay khách hàng phần vượt trên 3% đó. Nhiều người đánh giá, đây là gói tín dụng mà cả hai bên đều có lợi, cả người vay lẫn ngân hàng, vì cho vay tham chiếu theo tỷ giá như thế này, Eximbank đã có lợi nhuận biên lên tới 5-6%/năm. Như vậy, Eximbank vừa được tiếng vừa được tiền, trong khi các doanh nghiệp có thêm một cơ hội vay vốn giá rẻ rộng cửa trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Không hạ lãi suất cho vay xuống quá thấp, nhưng thị trường tài chính ghi nhận trường hợp Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) công bố hạ chuẩn tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ với lãi suất 13%/năm, không cần tài sản đảm bảo. Cụ thể, DongA Bank dành hạn mức khoảng 1.000 tỷ đồng, cho vay trong vòng 6 tháng và thời hạn vay tối đa 6 tháng. Doanh nghiệp có thể được vay tối đa 75% (đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước) và tối đa 85% đối với doanh nghiệp xuất khẩu.

Tuy nhiên, DongA Bank quy định: Để vay tín chấp, doanh nghiệp vừa và nhỏ phải có báo cáo tài chính với lợi nhuận ròng tối thiểu 2 năm, tỷ lệ nợ trên tổng tài sản năm gần nhất dưới 70%; không phát sinh nợ quá hạn (từ nhóm 2 trở lên) trong vòng 12 tuần gần nhất, doanh nghiệp phải có nguồn trả nợ từ trong nước hoặc từ xuất khẩu. Và dù không giới hạn ngành nghề để cho vay tín chấp, nhưng DongA Bank đặt ra yêu cầu doanh nghiệp phải sử dụng vốn vào mục đích sản xuất, kinh doanh…

Trong khi tình trạng nợ xấu đang là vấn đề nhức nhối của ngành Ngân hàng, nhiều nhà băng chọn giải pháp bảo toàn đồng vốn, nâng tiêu chuẩn cho vay, thì việc DongA Bank dám mạo hiểm hạ chuẩn cho vay được xem là động thái tích cực đối với các doanh nghiệp đang khát vốn. Như vậy, với các động thái này, ngân hàng đang mở rộng hơn cánh cửa đối với doanh nghiệp, tạo cơ hội cho sản xuất kinh doanh phát triển, đồng thời cũng đang tự cứu mình

  • Sở hữu chéo bóp méo thị trường

    Sở hữu chéo bóp méo thị trường

    Thị trường tiền tệ đang bị méo mó bởi tình trạng đầu tư và sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng, tập đoàn, công ty… Để nền kinh tế nước ta phát triển lành mạnh và bền vững, phải dẹp “loạn” sở hữu chéo

  • Lãi suất hạ đã bắt đầu phát huy tác dụng

    Lãi suất hạ đã bắt đầu phát huy tác dụng

    Thực hiện chủ trương của Chính phủ và kêu gọi của NHNN, các NHTM đã khẩn trương hạ lãi suất cho vay.

Theo CAND
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.