Nhiều dự án bất động sản (BĐS) bất động, khiến cho khách hàng không khỏi hoang mang: khiếu kiện chủ đầu tư liệu có thể cứu được hàng trăm tỉ đồng đang chôn trong dự án, hay lại khiến dự án đổ bể và “trạng chết, chúa cũng băng hà”?

Khách hàng đổi chiến thuật với chủ đầu tư BĐS

Ảnh minh họa.


Thời cơ của khách hàng?


Dự án Usilk City của chủ đầu tư Sông Đà Thăng Long nằm trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) từng được biết đến với slogan “Niềm kiêu hãnh của cộng đồng” giờ đang bị ví von là “sự hoang mang của khách hàng”.


Từ giữa năm trước đến giờ, dự án hầu như “dậm chân tại chỗ”, trong đó có không ít sản phẩm đã được khách hàng trả đủ 100%. Ngay cả 3 khu nhà CT1 – 101, 102, 103 từng được hứa hẹn bàn giao nhà vào khoảng tháng 6 này, nhưng nhiều khả năng không thể giao hàng đúng hẹn, khiến cho không ít khách hàng đứng ngồi không yên.


Tình trạng lình xình của thị trường BĐS khiến cho khách hàng các dự án BĐS có xu hướng tìm đến nhau. Cùng mục đích, điều mà khách hàng muốn trong dự án BĐS thời điểm này, đó là lấy lại tiền đối với dự án BĐS khó có khả năng thực hiện tiếp trong thời gian tới hoặc là thương thảo sửa những điều kiện bất lợi đã từng được ký trước đó đối với những dự án “vàng” có khả năng triển khai tiếp. Sự hợp sức của tập thể một mặt khiến cho nguồn thông tin phong phú hơn, dù cũng phát sinh những thông tin không biết kiểm chứng bằng cách nào.


“Chúng tôi tập hợp với nhau, cùng nhau kiến nghị với chủ đầu tư yêu cầu làm rõ các nội dung liên quan đến dự án” – ông Lê Hiếu, một khách hàng của dự án này, chia sẻ - “Chúng tôi cũng đề nghị tiến độ đóng tiền theo tiến độ xây thực tế, đồng thời làm rõ về hình thức phạt khi chậm tiến độ hay khi không đảm bảo chất lượng và bảo trì, khai thác sử dụng công trình”.


Thay đổi phương thức đấu tranh


Trước đây, khi thị trường nhộn nhịp, hình thức mà khách hàng lựa chọn là đưa các vụ tranh chấp ra tòa. Tuy nhiên, trong lúc thị trường ảm đạm, hầu như đa phần các chủ đầu tư phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng thực hiện dự án do hết vốn, thì dù sốt ruột như ngồi trên chảo lửa, nhà đầu tư cũng bắt đầu thay đổi phương thức đấu tranh với chủ đầu tư.


“Tất cả vì mục đích là có thể đạt được kết quả có lợi nhất. Lúc này, hầu hết các chủ đầu tư đều trong tình trạng mấp mé bờ vực phá sản, nếu đưa nhau ra tòa, với các điều khoản hợp đồng trước đây chủ đầu tư soạn thảo sẵn có dấu hiệu vi phạm pháp luật, khách hàng có nhiều cơ hội thắng kiện. Thế nhưng, nếu thua kiện, liệu chủ đầu tư có cơ hội tiếp tục dự án và có tiền trả cho khách hàng hay không?” – bà Minh Phương, một nhà đầu tư bất động sản, phân vân.


Khi thị trường còn sôi động, khách hàng chấp nhận ký vào những hợp đồng có điều khoản bất lợi cho mình, vì tâm lý “mua được là được”. Lúc này, khi chủ đầu tư lâm vào tình trạng bất lợi và có nguy cơ phải vi phạm hợp đồng, khách hàng lại lôi chính những điều khoản bất lợi đó ra gây sức ép với chủ đầu tư. Ví như, trong hợp đồng có điều khoản khách hàng phải nộp phạt nếu chậm nộp, nhưng không có điều khoản về việc chậm bàn giao nhà thì chủ đầu tư phải đền bù gì. “Đó là một trong những điều bất công mà chủ đầu tư phải sửa đổi. Đó là chưa kể, trong bối cảnh giá cả BĐS đang xuống thế này, chủ đầu tư phải có biện pháp đồng hành cùng khách hàng” – một nhà đầu tư nói.

Theo PLVN
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.