Công trường Dự án với sắt thép hoen gỉ. Ảnh: Hà Thanh |
Gánh nặng nợ nần
Từng được biết đến là một trong những dự án bất động sản “khủng” nhất của Hà Nội vào thời điểm năm 2009, Usilk City được chủ đầu tư chi những khoản tiền không nhỏ để đánh bóng hình ảnh cho Dự án. Ngay từ khi Dự án vừa đặt thanh cừ đầu tiên, Usilk City đã “làm mưa làm gió” trên thị trường thứ cấp với mức chênh lệch trên thị trường thứ cấp tới hàng triệu đồng/m2. Tuy nhiên, do việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn, chủ đầu tư nhanh chóng bị đẩy vào thế bất lợi. Dự án không thể tiến hành xây dựng theo đúng cam kết, khách hàng đòi nhà, đòi rút vốn khiến STL lâm vào cảnh nợ nần và đối mặt với nguy cơ phá sản.
Theo báo cáo của STL, Dự án Usilk City được khởi công từ tháng 8/2009 với quy mô 13 toà tháp cao 25 - 50 tầng, trải dài trên 1 km dọc trục đường Lê Văn Lương kéo dài, với mức đầu tư dự kiến ban đầu 10.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 21/7/2012, STL đã thu được của khách hàng số tiền 4.062 tỷ đồng. Chi phí đã thực hiện là 4.100 tỷ đồng. Số tiền còn phải thu là 4.606 tỷ đồng. Số tiền còn phải chi là 4.577 tỷ đồng.
Đầu năm 2011, STL đã thực hiện đợt “vét vốn” của khách hàng khi quyết định “biếu không” cho khách mua nhà 18 - 35 m2 sàn thương mại với khách hàng nộp toàn bộ số tiền mua căn hộ mà không đóng từng đợt theo tiến độ xây dựng. Với đợt “vét vốn” này, STL đã thu được vài trăm tỷ để đầu tư xây dựng công trình.
Theo hợp đồng ký kết với khách hàng, chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao những căn hộ tại toà CT101 vào quý I/2012, nhưng đến nay, toà nhà mới hoàn thành việc xây thô. Điều này khiến khách hàng, nhà đầu tư tại Usilk City lo lắng, nhất là khi Dự án ngừng thi công suốt 15 tháng với hiện trường dang dở, trong khi nhiều khách hàng đã nộp 70 - 100% giá trị hợp đồng mua căn hộ. Các toà nhà CT101, CT102, CT103 hiện mới chuẩn bị hoàn thành phần thô. Các toà CT106, CT107, CT108 mới xây đến tầng 4 - 5. Các toà còn lại trong tổ hợp mới đang trong quá trình xây dựng tầng hầm.
Trước những khó khăn chồng chất, tháng 9/2012, để trấn an khách hàng, nhà đầu tư, STL đã công bố khoản tín dụng trị giá 300 tỷ đồng do BIDV Chi nhánh Thanh Xuân tài trợ để tái khởi động Dự án. Tuy nhiên, từ đó đến nay, thực tế cho thấy, dường như khoản tiền này không đủ để “tái khởi động” dự án như chủ đầu tư đã cam kết. Nhiều hạng mục công trình tiếp tục án binh bất động, sắt thép tiếp tục xuống cấp, hoen gỉ.
Cấm xuất cảnh để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư
Trước thực tế dự án dở dang, hơn 200 khách hàng của STL vừa ký vào đơn gửi cơ quan chức năng đề nghị cấm xuất cảnh với chủ đầu tư Dự án, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư chứng minh năng lực tài chính trong việc tiếp tục thực hiện theo hợp đồng.
Ông Nguyễn Thái H., một khách hàng tại dự án cho biết, từ tháng 7/2012, các khách hàng mua nhà tại Dự án đã liên tục yêu cầu STL phải tổ chức họp mặt với khách hàng và đưa ra cam kết thúc đẩy tiến độ và đảm bảo chất lượng của Dự án. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, STL luôn thất hứa và không tôn trọng những cam kết với khách hàng, không tôn trọng quyền lợi của khách hàng, cũng như các nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án với người mua nhà.
“Bằng đơn này, chúng tôi kêu cứu và kính đề nghị cơ quan chức năng can thiệp khẩn cấp để bảo vệ lợi ích hợp pháp của khách hàng mua nhà”, ông H. trình bày.
Cụ thể, khách hàng nghi ngờ STL có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi vào thời điểm tháng 5/2011, Dự án tiến hành thi công rầm rộ và tổ chức một đợt khuyến mại, khuyến khích khách hàng nộp toàn bộ 100% giá trị hợp đồng cho chủ đầu tư. Có ít nhất 200 khách hàng đã tham gia đợt khuyến mãi này (đóng 100% tiền mua căn hộ khi căn hộ còn chưa xây thô xong). Điều đáng nói là, ngay sau khi STL kết thúc đợt khuyến mãi này, chủ đầu tư đã cho dừng thi công ở tất cả các toà nhà. “Liệu đây có phải là một thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản?”, một đại diện khách hàng đặt câu hỏi.
Theo đơn trình bày của các nhà đầu tư tại Usilk City, STL có dấu hiệu sử dụng sai mục đích số tiền huy động của khách hàng. “Với số tiền khoảng 4.200 tỷ đồng thu từ khách hàng, STL đã sử dụng vào việc gì, mà hiện tại không thể (hoặc không muốn) tiến hành xây tiếp và hoàn thiện các toà nhà để bàn giao cho khách hàng như đã cam kết, trong khi khối lượng đã được thi công là rất ít so với số vốn đã thu của khách hàng”, nội dung đơn viết.
-
Để không lấy tiền thuế của dân cứu đại gia BĐS
"Phải minh bạch và công bằng là biện pháp mà chúng ta phải đáp ứng, phải thực hiện để việc đó không phải là cứu một đại gia BĐS nào đó, hoặc một vài đại gia BĐS nào đó"... - GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT nhận định. <br/br>
-
Thị trường bất động sản Hà Nội còn bất cập
Thị trường bất động sản, xây dựng Hà Nội luôn nóng bỏng, kể cả ở giai đoạn trầm lắng hay sôi động. Lúc thị trường sôi động, giới đầu cơ thao túng, lũng đoạn tạo nên cơn sốt giả tạo.
-
Kiều hối sẽ là cứu cánh cho bất động sản?
Trong lúc chờ có những nguồn vốn giải cứu cụ thể từ Nhà nước, các chủ đầu tư đang quay sang nhắm đến lượng kiều hối đổ về cuối năm và xem như đó là giải pháp hiện hữu nhất trong giai đoạn khó khăn hiện nay.