Tháng 2/2012, Tập đoàn FLC - chủ đầu tư tòa nhà chung cư FLC Lanmark Tower (đường Lê Đức Thọ, Từ Liêm, Hà Nội) - bắt đầu bàn giao căn hộ cho các khách hàng. Tuy nhiên, đã nửa năm trôi qua, mặc cho chủ đầu tư kêu gọi, gửi thông báo đến nhận căn hộ nhiều lần, nhưng các chủ sở hữu căn hộ vẫn không chịu đến nhận nhà.
Khách hàng bỏ của
Sự phớt lờ của khách hàng đã và đang gây thiệt hại cho chủ đầu tư, do bị chôn vốn hàng trăm tỷ đồng. Một đại diện của FLC cho biết, với khoảng 300 căn hộ, mỗi căn còn nợ 30% đợt thanh toán cuối cùng (trên dưới 1 tỷ đồng), thì chủ đầu tư đang phải oằn lưng gánh số nợ trên 200 tỷ đồng, chưa kể chi phí bảo dưỡng các căn hộ đã xây xong nhưng để không. Mới đây, chủ đầu tư đã thông báo thành lập một tổ xử lý thu hồi công nợ. Theo đó, nếu không thuyết phục được khách hàng đến nhận căn hộ, thanh lý tiền thì chủ đầu tư sẽ bán cho một bên thứ ba theo hợp đồng ký kết.
Thị trường BĐS khó khăn, cả chủ đầu tư và khách hàng thay phiên làm khó nhau.
Theo tìm hiểu, nguyên nhân của việc này là do khó khăn về tài chính của người mua, trong đó có một bộ phận những người không có nhu cầu ở mà mua để đầu cơ, nay thấy nhà mất giá nên bỏ chạy. Trong khi đó, khách hàng cho rằng, khi thị trường ảm đạm, người bán mới cần khách hàng nên khó có thể bắt bí, làm căng với người mua trong lúc này. Vì thế, người mua trốn nhận nhà để mong chủ đầu tư gia hạn tiến độ đóng tiền, hoặc đưa thêm các điều kiện ưu đãi.
Theo các sàn giao dịch bất động sản, tình trạng trên đây đang diễn ra khá phổ biến. Tại các dự án nhà ở thương mại, rất nhiều khách hàng thời gian qua dựa vào vấn đề tiến độ thi công không đảm bảo để khiếu nại xin rút vốn, hoặc trì hoãn đóng tiền tiến độ. Ngay cả nhà thu nhập thấp, tình trạng này cũng khiến các chủ đầu tư điên đầu vì bị chôn vốn hàng chục tỷ đồng. Dù dự án đã gần hoàn thành nhưng ngoại trừ các trường hợp xin thanh lý hợp đồng giữa chừng, thì không ít khách hàng mới chỉ đóng tiền đợt đầu rồi trốn biệt. Doanh nghiệp tìm mọi cách liên lạc, động viên, thậm chí dọa phạt tiền vài chục đến vài trăm triệu đồng cũng không ăn thua.
Chủ đầu tư bỏ mặc dự án
Trong khi khách hàng không muốn nhận nhà thì nhiều chủ đầu tư các dự án dù đã thu tiền tới 90% giá trị căn hộ của khách hàng thì không chịu bàn giao nhà theo đúng thời hạn khiến người mua bức xúc không kém.
Tại dự án CT5 Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội), mới đầu tháng 8 vừa qua, các chủ căn hộ thuộc chung cư CT5 A, B của khu đô thị này đã tụ tập phản đối việc chủ đầu tư ép khách hàng nhận nhà khi nhà chưa hoàn thiện.
Trước đây vài tháng, các khách hàng đã từng lên tiếng phanh phui việc chủ đầu tư, nhà đầu tư thứ cấp là công ty Ba Đình 1 đã thu đến 90% tổng giá trị căn hộ, quá thời hạn bàn giao nhà nhưng công trình mới chỉ ở giai đoạn xây thô. Theo hợp đồng đã ký thì quý II.2011, chủ đầu tư phải bàn giao nhà. Tuy nhiên qua thời điểm trên, nhà vẫn không được bàn giao. Quá bức xúc, các khách hàng liên tục đấu tranh thì qua một năm, chủ đầu tư chữa cháy bằng cách ép khách hàng nhận nhà khi nhiều hạng mục như điện nước, thang máy... vẫn chưa hoàn thiện, nhiều trường hợp căn hộ được bàn giao không đúng thiết kế.
Hay gần đây, nhiều khách hàng mua căn hộ dự án Văn Phú Victoria (Hà Đông) phát sốt khi nhận được “trát” của chủ đầu tư yêu cầu nộp tiền đợt 3 lên tới trên 90% giá trị căn hộ, trong khi việc đóng tiền theo số tầng được khách hàng hiểu đi liền với việc xây thô. Song thực tế, chủ dự án chỉ chú trọng việc “chồng tầng” cho đủ chiều cao để thu tiền mà chưa đặt một viên gạch xây thô.
Tại dự án Usilk City do Sông Đà Thăng Long làm chủ đầu tư cũng chậm bàn giao nhà. Khách hàng tìm đủ mọi cách, kể cả kiện tụng chủ đầu tư nhưng thực tế quyền lợi cũng khó được đảm bảo. Vì chủ đầu tư một phần hết sức khó khăn thiếu vốn, mặt khác với số tiền đã chiếm dụng được, họ dùng vào việc khác sinh lợi hơn, còn quyền lợi nhà đầu tư thì mặc kệ.
Trước tình thế này, cách duy nhất là đối thoại, hỗ trợ, hợp tác tháo dỡ dần để dự án triển khai đúng chất lượng và bàn giao sớm nhất cho khách hàng. Theo đó, khách hàng cần thành lập cộng đồng người mua để tạo sức mạnh, vì mục tiêu chung, không nên để xảy ra việc mất đoàn kết. Tình huống kiện tụng chỉ là giải pháp bất đắc dĩ cuối cùng nếu chủ đầu tư thiếu thiện chí hợp tác. Một chuyên gia về bất động sản cũng cho rằng, bên cạnh vấn đề tài chính thì niềm tin của người mua hiện nay là điều quan trọng góp phần hoàn thiện, tạo ra giá trị của sản phẩm bất động sản. Thị trường đang ở vào giai đoạn đỉnh điểm của nỗi sợ hãi khi chỉ cần người mua mất niềm tin thì một sản phẩm cụ thể khó hình thành từ đó không có giá trị. Thay vì nghĩ mình là đối thủ thì khách hàng hãy tư duy theo hướng là đối tác, song hành cùng chủ đầu tư. Với sự cầu thị từ cả hai phía, điều này sẽ tránh những thua thiệt không đáng có cho các bên.