18/03/2016 4:41 PM
Trước những ảnh hưởng nghiêm trọng của việc phá dỡ công trình 8B Lê Trực (Ba Đình – Hà Nội), hàng chục khách hàng đã đến tìm gặp và có kiến nghị gay gắt với lãnh đạo Thanh Tra Bộ Xây dựng về việc công trình bị phá dỡ mà chưa có phương án phá dỡ.
Hàng chục người dân đến gặp Thanh tra Bộ Xây dựng kêu cứu vào sang ngày 18/3.
Như Báo Xây dựng đã đưa tin về việc hàng chục hộ dân, khách hàng mua nhà tại dự án 8B Lê Trực đang kêu cứu, sáng ngày 18/3, ông Phạm Gia Yên, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng đã có cuộc đối thoại trực tiếp với các khách hàng mua nhà tại dự án 8B Lê Trực.
Bày tỏ những bức xúc với Thanh Tra Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Sỹ Duyên, khách hàng mua nhà tại dự án Lê Trực cho biết: Hiện nay, phương án phá dỡ chưa có mà chính quyền đã cho người vào đập phá khiến tường và trần nhà chúng tôi bị nứt. Không những vậy, các phế liệu như đất, đá, vôi vữa còn văng rơi đầy hết xuống tường, mái nhà dân. Chúng tôi mỗi lần tới xem nhà xót xa lắm chứ. Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc đưa ra phương án phá dỡ để đảm bảo an toàn cho người dân chúng tôi.
Ông cũng đề nghị, Bộ Xây dựng sớm báo cáo thành phố kiểm tra ngay, nếu chưa có phương án tháo dỡ thì phải dừng ngay lại. Người nào sai, người ấy phải chịu, chứ dân chẳng có tội tình gì.
Là khách hàng đã đóng 90% tiền nhà, chị Nguyễn Thị Hồng Xuân cũng gay gắt: Nếu phá dỡ mà không có phương án, sau này nhà cửa gặp sự cố rồi chúng tôi sẽ ra sao? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Chị Xuân cũng đề nghị, lãnh đạo Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ Xây dựng khẩn trương phối hợp với các bên liên quan để có phương án phá dỡ hợp lý nhất nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.
Ông Vũ Văn Cảnh, một cán bộ nghỉ hưu mua nhà tại đây cũng bức xúc: Chúng tôi có hợp đồng mua nhà, thậm chí đóng tới 90% tiền nhà để được sở hữu căn hộ đó. Đề nghị cơ quan nhà nước xem xét việc đập phá mà chưa có phương án đã đúng với các quy định của pháp luật hay chưa? Tại sao chỉ lo phá dỡ công trình mà không đề cập tới quyền và trách nhiệm của người dân thì có thỏa đáng không?
Ông Nguyễn Quang Lung, khách hàng mua nhà tại tầng số 16 cũng đề nghị, Bộ Xây dựng, các cơ quan chức năng phải đưa ra phương án nào để xử lý cho phù hợp, chứ cứ phá dỡ như vậy thì không có tình, có lý chút nào. Đề nghị Bộ Xây dựng xử lý cho chính đáng để dân chúng tôi được nhờ.
Người dân bày tỏ nhiều mối nguy từ việc phá dỡ công trình nhưng không có phương án phá dỡ.
Chia sẻ bức xúc với những khách hàng mua nhà, Ông Phạm Gia Yên- Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết: “Tôi rất cảm thông và chia sẻ những bức xúc với người dân. Tòa nhà 8B Lê Trực do UBND quận Ba Đình ra quyết định cưỡng chế, phải tới đó để phản ánh và đề đạt nguyện vọng. Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng phải có trách nhiệm tiếp dân, giải quyết khiếu nại về việc này.
Ông Phạm Gia Yên cũng nhấn mạnh, một công trình không phải cái kim, nó như thế ai chả biết. Để xây dựng được như vậy cho thấy công tác quản lý rất buông lỏng, để hậu quả rất lớn về mặt xã hội nên phải có trách nhiệm giải quyết trên nguyên tắc: vi phạm pháp luật phải xử lý nghiêm
Làm sao đảm bảo quyền lợi của người dân là trách nhiệm của cấp chính quyền. Phải có người chịu trách nhiệm chính trong chuyện này. Chúng tôi sẽ báo cáo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, và chuyển xuống cho UBND TP Hà Nội giải quyết.
Về việc phá dỡ, cần phải có phương án cụ thể, phải do những người có trình độ chuyên môn lập, để cấp có thẩm quyền phê duyệt, đơn vị phá dỡ phải có chuyên môn. Chúng tôi sẽ chuyển những ý kiến, đề nghị này để Hà Nội kiểm tra ngay. Nếu phá dỡ không đúng điều kiện thì phải dừng lại.
Tôi rất thông cảm với các bác là những người mua nhà ở đây. Chúng tôi sẽ yêu cầu cấp có thẩm quyền xử lý" - Chánh thanh tra Bộ xây dựng Phạm Gia Yên nói.
Trước đó, trao đổi với phóng viên về những nguy hiểm khi phá dỡ các công trình sai phạm nơi đô thị, ông Nguyễn Lương Bình, Phó Tổng Giám đốc Cty CP tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng CONINCO cho biết: Tại Việt Nam, nhà cao tầng thường áp dụng giải pháp hệ kết cấu khung giằng, hệ thống vách lõi cứng chịu chủ yếu tải trọng ngang và có khả năng phân tán năng lượng lớn, hệ khung chủ yếu chịu tải trọng thẳng đứng; gần đây đã sử dụng kết hợp thêm kết cấu sàn và dầm chuyển dự ứng lực. Phần lớn nhà cao tầng cũng nằm lẫn trong các khu dân cư, xung quanh là nhà thấp tầng hoặc trong khu nhà cao tầng.
Do vậy, việc thực hiện phá dỡ phần công trình vi phạm là rất khó khăn và phức tạp, đặc biệt những phần vi phạm thuộc về phần ngầm thì không thể phá dỡ vì sẽ loại bỏ gần như toàn bộ công trình cả ở phần chìm lẫn phần nổi nếu đã thi công xong một phần hoặc toàn bộ phần thân công trình.
Như vậy, có thể khẳng định việc phá dỡ phần công trình sai phạm mà chưa có phương án phá dỡ là cực kỳ nguy hiểm.
Kim Thoa (Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.