24/09/2012 2:27 PM
Khi các kênh đầu tư chủ đạo trong nước như chứng khoán, bất động sản… chưa có có dấu hiệu khởi sắc, hoạt động kiều hối tại Việt Nam dù có sự ổn định nhưng doanh số lại giảm so với các năm trước đây. Tuy nhiên, dự báo 4 tháng cuối năm dòng chảy kiều hối sẽ khả quan hơn theo xu thế phục hồi của kinh tế thế giới.

Đầu tư sụt giảm

Số liệu từ NHNN cho biết 6 tháng đầu năm 2012, lượng kiều hối kiều bào gửi về Việt Nam đã đạt trên 6 tỷ USD, trong khi đó cả năm 2011 trên 9 tỷ USD, giảm khoảng 500 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Riêng kiều hối chuyển về địa bàn TPHCM đạt khoảng 1,9 tỷ USD. Doanh số chuyển tiền qua các NHTM giảm khá mạnh, nhưng lại tăng qua tổ chức kinh tế. Các công ty kiều hối cho rằng tình hình kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng đến lượng tiền kiều hối chuyển về Việt Nam.

Hiện nay các kênh thu hút vốn như ODA, FDI, xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn khi niềm tin đầu tư vào Việt Nam sụt giảm, kiều hối được kỳ vọng đóng vai trò quan trọng trong thu hút ngoại tệ cho đất nước. Tuy nhiên, nếu các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán vẫn chưa vực dậy được, sẽ khó khơi thông được kênh kiều hối.

TS. LÊ XUÂN NGHĨA

Nhất là thị trường bất động sản đóng băng, chính sách khống chế trần lãi suất USD... đã khiến các khoản tiền gửi lớn với mục đích đầu tư giảm mạnh, thay vào đó là các món tiền mang tính chất trợ cấp sinh hoạt.

Tuy nhiên, ông Trịnh Hoài Nam, Phó Giám đốc Công ty Kiều hối Đông Á, cho biết công ty ông vẫn duy trì hiệu quả hoạt động chung và đạt kế hoạch đã đặt ra, với doanh số kiều hối trong 8 tháng đã vượt 1 tỷ USD. Hoạt động kiều hối của công ty diễn ra khá sôi nổi với nhiều chương trình khuyến mại cho khách hàng gửi và nhận tiền.

Theo số liệu mới đây của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện nay cả nước có trên 2.000 dự án do kiều bào đăng ký đầu tư với tổng vốn xấp xỉ 6 tỷ USD, trải rộng ở nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, giáo dục, công nghiệp, bất động sản, du lịch...

Nhưng thực tế số vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp cao hơn nhiều nếu tính cả những dự án do kiều bào đầu tư nhưng không đứng tên đăng ký. Theo TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương, số liệu kiều hối thống kê 6 tỷ USD không phải là con số nhỏ trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, khó khăn.

Ở nước ta, dù thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục, nhưng với những chính sách gần đây của Chính phủ trong việc hỗ trợ các gói tín dụng ưu đãi kích cầu, dòng vốn kiều hối sẽ còn đổ vốn vào lĩnh vực bất động sản, nhất là hiện nay giá bất động sản đang giảm và được đánh giá có tiềm năng để đầu tư.

Đồng tình với quan điểm này, theo một chuyên gia NH, có thể năm nay kiều hối không tăng mạnh ở mảng đầu tư nhưng sẽ phát huy mạnh ở vai trò xóa đói giảm nghèo, phúc lợi hộ gia đình (tiêu dùng, giáo dục, y tế...). Nhưng có thể thấy đa phần nhận kiều hối là các hộ gia đình khá giả nên họ sẽ dùng vào mục đích lâu dài như đất đai và nhà ở.

Điểm sáng kiều hối cuối năm

Theo các NHTM, hiện nay những thị trường kiều hối chính mà các công ty kiều hối khai thác hiệu quả là Hoa Kỳ, châu Âu, Australia, Canada. Bên cạnh đó, các công ty vẫn cố gắng duy trì doanh số ở những thị trường xuất khẩu lao động như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Ngoài ra, các thị trường xuất khẩu lao động cũng đóng góp lượng doanh số đáng kể trong tổng doanh số kiều hối của các NH.

Dự báo, kiều hối năm nay có thể đạt khoảng 10-11 tỷ USD. Ảnh: LÃ ANH

Theo thống kê, hiện nay có trên 4 triệu người Việt Nam ở hải ngoại, trong đó có khoảng 500.000 lao động xuất khẩu đang sinh sống ở 101 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đặc biệt các thị trường Đông Á, Đông Nam Á, Tây Âu, Đông Âu, Trung Đông có lực lượng xuất khẩu lao động rất lớn. Lượng tiền chuyển về từ lực lượng này đã góp phần đáng kể trong tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam trong những năm gần đây.

Một số chuyên gia dự báo, kiều hối năm nay có thể đạt khoảng 10-11 tỷ USD, tức tăng khoảng 20% so với năm 2011, cao hơn mức tăng trung bình 10-15% của những năm gần đây. Theo chu kỳ, doanh số kiều hối giảm mạnh vào những tháng sau Tết và những tháng hè, sau đó sẽ trở lại bình thường từ tháng 8. Vì vậy, vẫn còn cần thêm thời gian và chờ đợi số liệu chính thức của cả nước từ NHNN mới có thể xác định được doanh số kiều hối năm nay.

Tuy nhiên, theo ông Trịnh Hoài Nam, những năm trước khách hàng nhận tiền kiều hối thích giữ ngoại tệ hoặc bán ra thị trường tự do. Còn hiện nay, với sự hỗ trợ về tỷ giá của Nhà nước, từ đầu năm đến nay, khách hàng có xu hướng đổi trực tiếp tại NH.

Điều này cũng giúp cho hoạt động thu đổi ngoại tệ của NH phát triển. Hiện nay các NH đang cố gắng rút ngắn chênh lệch giữa tỷ giá hoán đổi ngoại tệ trong NH và ngoài thị trường tự do.

Tuy nhiên, tâm lý của người dân vẫn thích hoán đổi ngoài thị trường tự do. Về vấn đề này cần phải có thời gian để người dân quen dần với việc chuyển đổi ngoại tệ trong NH. Bên cạnh đó, khách hàng nhận tiền kiều hối sử dụng tiền để trang trải cho cuộc sống, chỉ một số ít gửi tiết kiệm, nên NH cũng khó lòng giữ được USD lâu.

Theo Thiên Ngân (SGĐTTC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.