Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cả nước đã thu hút 656 dự án mới với tổng vốn đăng ký 4,85 tỉ USD, tăng 93,2% so cùng kỳ năm ngoái và 219 lượt dự án đăng ký tăng đầu tư thêm gần 2 tỉ USD; tính chung, nguồn vốn FDI vào Việt Nam đạt 6,85 tỉ USD.
Chế biến, chế tạo chiếm nhiều nhất
Công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút nhiều sự quan tâm nhất, với 326 dự án đăng ký đạt 4,8 tỉ USD, chiếm hơn 70% tổng vốn đăng ký trong nửa đầu năm 2014. Thị trường bất động sản ấm dần lên cũng giúp thu hút thêm 692 triệu USD, lĩnh vực xây dựng 465 triệu USD… Một số dự án lớn được cấp giấy chứng nhận đầu tư như: dự án Công ty CP Xi măng Thăng Long, do Indonesia đầu tư tại Quảng Ninh, có vốn đăng ký 352,6 triệu USD; dự án Công ty TNHH Bệnh viện Quốc tế Đại An Việt Nam - Canada tại Hải Dương với tổng vốn 225 triệu USD. Trên địa bàn TP HCM, một số dự án “khủng” cũng đang được triển khai, như: dự án chung cư phường 22, quận Bình Thạnh, vốn đầu tư 220 triệu USD, của Công ty TNHH Bay Water; dự án chế biến, chế tạo của Công ty TNHH Worldon (Việt Nam) 140 triệu USD; dự án về khoa học và công nghệ của Công ty CP Masan Agri vốn đầu tư 102 triệu USD…
Xúc tiến đầu tư tại chỗ
Dự kiến năm nay, tổng vốn FDI cả nước đạt khoảng 20 tỉ USD và giải ngân khoảng 11-12 tỉ USD. Vừa qua, dù có sự cố không thuận lợi nhưng với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành, địa phương, đã giúp nhà đầu tư an tâm. Nhà đầu tư ngoại thường có tầm nhìn quốc tế và có sự so sánh với các quốc gia khác nên họ đánh giá cao cách xử lý của Việt Nam trước những sự cố và khẳng định sẽ tiếp tục ở lại Việt Nam.
Chia sẻ tại Diễn đàn Đầu tư năm 2014 tại TP HCM mới đây, tỉ phú Marc Faber nói rằng Việt Nam vẫn là môi trường lý tưởng để đầu tư, nhất là trong dài hạn và ông đã đầu tư tại Việt Nam trong nhiều năm qua. “Một tỉ phú từng đầu tư rất lâu ở Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục ở lại, qua đó cho thấy sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam” - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng nhận xét.
Hiện Cục Đầu tư nước ngoài đang phối hợp với các tỉnh - thành, bộ ngành tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI. Việc xúc tiến đầu tư sẽ thực hiện tại chỗ để doanh nghiệp ngoại tự cảm nhận, có tiếng nói và giới thiệu cho các nhà đầu tư tiếp theo. Một số nhà đầu tư Nhật Bản cho rằng nếu các vấn đề về cơ sở hạ tầng, công nghệ, nguồn nhân lực, chuỗi cung ứng… được cải thiện sẽ thu hút vốn ngoại đổ vào nhiều hơn.