Đồng euro đã tăng được 8% từ mức thấp nhất trong 4 năm thiết lập vào tháng trước. Hy Lạp, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ đã phát hành thành công 64 tỷ USD trái phiếu chính phủ từ ngày 10/05/2010.
Ở thời điểm đó, nhu cầu cứu đồng tiền chung châu Âu đã buộc các lãnh đạo châu Âu phải tạo ra quỹ giải cứu gần 1 nghìn tỷ USD và chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu quyết định bắt đầu mua trái phiếu.
Ông Christoph Kind, trưởng bộ phận quản lý tài sản tại tổ chức quản lý tài sản Frankfurt-Trust, nhận xét: “Thị trường dường như đã được thuyết phục nhờ ảnh hưởng mà gói giải cứu của châu Âu mang lại và việc nhóm nước đang khó khăn về tài chính đã có thể tự giải quyết những khoản nợ. Điều này diễn ra cùng lúc với việc đồng euro lên giá so với đồng USD.”
Việc tiếp theo Liên minh châu Âu cần làm là cho thấy đồng euro có thể “chống đỡ” với ảnh hưởng tiêu cực từ biến động của khủng hoảng nợ tại châu Âu khi các quan chức công bố kết quả thanh tra ngành ngân hàng.
Các nhà điều tiết thị trường tại châu Âu kỳ vọng đợt thanh tra sẽ giúp trấn an nhà đầu tư về “sức khỏe” của các tổ chức tài chính từ Đức cho đến Tây Ban Nha.
Ông David Page, chuyên gia kinh tế tại Investec Securities, nhận xét: “Rủi ro nợ quốc gia và của các ngân hàng đã khiến nhà đầu tư quá đau đầu và đợt thanh tra sẽ giúp giải quyết nỗi lo sự suy yếu của các ngân hàng sẽ ảnh hưởng xấu đến các quốc gia.”
Đợt thanh tra là phép thử quan trọng. Nếu thị trường phản ứng tiêu cực, ECB có thể đương đầu với nhu cầu thanh khoản từ các ngân hàng lớn hơn, chương trình cho vay lượng tiền không hạn chế có thể phải kéo dài thêm từ 6 đến 12 tháng nữa và như vậy trì hoãn các đợt nâng lãi suất cơ bản.
Chênh lệch giữa lợi tức trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha với trái phiếu chính phủ Đức đã giảm sâu trong tuần này.
Theo Ủy ban giám sát ngân hàng châu Âu, nhóm ngân hàng lớn của châu Âu sẽ có thể công bố lượng nợ chính phủ mà họ nắm giữ.
Các ngân hàng đã được yêu cầu sẽ công bố danh sách nợ của chính phủ 30 nước trong khu vực.
Cafeland.vn
theo Bloomberg