Hệ thống máy rút tiền tự động (ATM) và máy quẹt thẻ POS của các ngân hàng Việt Nam đã được liên thông vào cuối tháng Năm vừa qua khi ba liên minh thẻ Banknet - VNBC - Smartlink kết nối với nhau…
Như vậy, mười ngân hàng thành viên có số lượng thẻ phát hành lớn nhất, chiếm 87% tổng số thẻ phát hành của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và 75% máy ATM toàn quốc đã liên kết thành một mối thống nhất. Tuy nhiên, vẫn còn không ít vấn đề phải giải quyết để mang lại lợi ích cao nhất cho các chủ thẻ.
Rút tiền tại bất cứ máy ATM nào
Tiện ích lớn nhất mà người chủ thẻ được hưởng hiện nay là có thể rút tiền mặt tại bất cứ máy ATM của bất cứ ngân hàng nào, không cần phải chọn máy của ngân hàng phát hành thẻ để rút như trước. Chỉ có điều, nếu khách hàng rút ở máy của ngân hàng phát hành thẻ thì không phải chịu phí, còn từ máy của ngân hàng khác phải chịu phí. Mức phí phổ biến là 2.000-3.300 đồng/lần, không phân biệt số tiền rút.
Một số ngân hàng cho biết về lâu dài, trong 2-3 năm tới có thể họ sẽ thu phí rút tiền đối với cả chủ thẻ do mình phát hành để có nguồn vốn duy trì, bảo hành hệ thống máy và đầu tư thêm các thiết bị công nghệ mới. Hiện tại phần lớn các ngân hàng đều chưa có lợi nhuận như mong muốn từ mảng cung ứng dịch vụ thẻ.
Tuy vậy, cũng có những ngân hàng cam kết miễn phí rút tiền kể cả trong tương lai cho khách hàng của mình. Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á, khẳng định ngân hàng ông đang và sẽ không thu phí rút tiền với chủ thẻ Đông Á trong ba năm tới. Còn với thẻ do ngân hàng khác phát hành, Đông Á thu 3.300 đồng/lần.
Trong những tháng qua, số lượt sử dụng máy của VNBC (Đông Á là nhà sáng lập liên minh thẻ này) của chủ thẻ ngân hàng khác tăng vọt lên hàng chục ngàn lần do máy ATM của VNBC luôn có sẵn tiền. “Chúng tôi chủ trương thu phí của thẻ ngân hàng khác để bù đắp cho chủ thẻ của Đông Á”, ông Bình nhấn mạnh.
Hiện Đông Á đang khẩn trương hoàn tất những bước cuối cùng của việc kết nối với hệ thống máy của ngân hàng ANZ. Sau sự kết nối này, khách hàng của ANZ ở Úc, New Zealand đi du lịch Việt Nam có thể sử dụng máy ATM của Đông Á để rút tiền và xài các dịch vụ khác.
Hạ tầng công nghệ được nâng cấp, nhưng….
Các ngân hàng đều nói rằng với chiếc thẻ ATM nội địa, ngoài rút tiền, chủ thẻ có thể mua sắm tại những nơi chấp nhận thanh toán bằng thẻ, chuyển khoản, trả tiền điện, nước, điện thoại, mua thẻ VinaPhone, MobiFone, Viettel… Song trên thực tế, chỉ có một số ngân hàng cung cấp đầy đủ các dịch vụ này.
Sau khi kết nối ba liên minh thẻ, một số ngân hàng còn phải thỏa thuận kết nối song phương với nhau. Thí dụ, nếu ngân hàng A và ngân hàng B chưa kết nối song phương, thì chủ thẻ của cả hai chưa thể chuyển khoản cho nhau, vẫn chỉ là chuyển khoản trong nội bộ từng ngân hàng.
Với những ngân hàng có hệ thống kỹ thuật, phần mềm tương thích, việc kết nối song phương là dễ dàng, nhưng nếu không tương thích thì khá khó khăn. Trong trường hợp đó, cả hai phải sửa đổi hệ thống của mình, mà việc sửa đổi đó có thể ảnh hưởng tới sự tương thích với những ngân hàng khác.
Bên cạnh đó, tình trạng máy ATM đã lắp đặt nhưng không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng vẫn còn nhiều. Phổ biến nhất là trong máy hết tiền, đặc biệt vào thời điểm cuối mỗi tháng khi người lao động đồng loạt nhận lương qua thẻ và rút tiền. Một số máy do thiếu bảo trì dẫn đến sự cố không an toàn về điện, hoặc nuốt thẻ, hoặc rút được tiền nhưng không tra cứu được số dư, hoặc chỉ tra cứu được số dư trong tài khoản tiền gửi, không phải trong tài khoản thẻ… Có máy ATM tuổi đời đã 5-7 năm, không được đại tu thường xuyên, xuống cấp.
Một số ngân hàng thông báo có thể trả tiền điện, nước qua thẻ, nhưng chủ thẻ phải đăng ký với ngân hàng và làm thủ tục chuyển giấy báo tiền điện, nước hằng tháng từ công ty cấp nước, điện lực về ngân hàng. Sau đó căn cứ vào giấy báo, ngân hàng trừ tiền trên tài khoản thẻ của khách hàng.
Công nghệ máy ATM phát triển nhanh, thế hệ máy ra đời sau hiện đại hơn hẳn những thế hệ cũ. Giá thành đầu tư máy ATM thế hệ mới cũng cao hơn. Chí phí này nhiều ngân hàng không theo nổi. Ngay cả để bảo đảm máy đã lắp đặt vận hành tốt cũng là vấn đề nan giải với không ít ngân hàng. Phải có đội ngũ nhân viên kỹ thuật được đào tạo chuyên nghiệp để kiểm tra định kỳ, thường xuyên, châm thêm tiền, điều chỉnh ngay nếu có trục trặc... Một ngân hàng tiết lộ họ có ý định thuê ngân hàng khác bảo trì hệ thống ATM, thậm chí không đầu tư thêm máy móc mà chỉ phát hành thẻ, rồi ký gửi dịch vụ ở hệ thống máy của các đồng nghiệp.
Thách thức phía trước
Theo Ngân hàng Nhà nước, mục tiêu đến cuối năm 2010 là có ít nhất 55% đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước thực hiện việc trả lương qua tài khoản (đến cuối năm 2009 tỷ lệ này là 41,5%). Muốn thế, máy ATM phải được đưa về nông thôn, đến các tỉnh thành, chứ không thể chỉ tập trung ở những thành phố lớn. Mà ngay cả ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, máy ATM cũng chỉ tập trung ở các quận nội thành. Thử hỏi ở Cần Giờ (TP.HCM), Thạch Thất (Hà Nội) có bao nhiêu máy ATM?
Đây thực sự là một thử thách vì việc lắp đặt máy ở các huyện lỵ đã vất vả, việc duy trì máy vận hành còn khó khăn hơn nhiều. Chẳng hạn, máy ATM ở các quận 1, 3, 5, 10… tại TP.HCM có thể được các ngân hàng nạp tiền, kiểm tra hằng ngày. Còn máy ATM ở các huyện Hóc Môn, Cần Giờ… lấy nhân viên kỹ thuật đâu mà kiểm tra, nạp tiền thường xuyên? Hiện mỗi ngân hàng có trung bình 200-300 máy ATM. Giả sử mỗi nhân viên phụ trách 10 máy, thì cũng đã cần tới 20-30 người làm việc liên tục. Liệu doanh thu từ dịch vụ thẻ có đủ để trả chi phí nhân sự này?
Một khía cạnh khác: đến cuối tháng 5-2010, theo Ngân hàng Nhà nước cả nước đã có 24 triệu thẻ được phát hành bởi 48 ngân hàng và hơn 190 thương hiệu thẻ, 11.000 máy ATM, 37.000 thiết bị chấp nhận thẻ POS. So với cuối năm 2009, số lượng thẻ phát hành tăng 14,3%, số lượng máy ATM tăng 22%, POS tăng 9%. Thiết bị được đầu tư, nhưng việc đầu tư để tuyên truyền, quảng bá cho người dân sử dụng dịch vụ thẻ lại không tăng tương ứng. Các ngân hàng thừa nhận, chủ thẻ chủ yếu chỉ rút lương qua thẻ, sau đó cả tháng trời là tài khoản rỗng, chờ lương kỳ tới.
Nhiều người ngại mua sắm qua mạng vì e thanh toán bằng thẻ qua mạng không an toàn, có thể bị hacker lấy cắp dữ liệu, mật khẩu. Còn các cơ sở chấp nhận thanh toán bằng thẻ vẫn còn quá ít so với các điểm bán hàng, cung cấp dịch vụ. Thường chỉ có siêu thị, nhà hàng, khách sạn, cửa hàng lớn bán hàng hóa có giá trị mới chấp nhận thẻ. Những hàng quán bình dân hiện diện khắp mọi phố phường nơi chủ thẻ là người lao động, viên chức mua sắm thường xuyên lại hầu như không biết chấp nhận thẻ là gì. Nghĩa là giữa người sử dụng thẻ và người cung cấp dịch vụ thẻ vẫn còn khoảng cách không nhỏ phải vượt qua để tiếp cận nhau.
Cafeland.vn