14/06/2015 12:37 PM
Vụ chiếm giữ trái phép khoản tiền bảo trì chung cư lên tới hàng trăm tỷ của Công ty TNHH MTV Keangnam Vina đang có những diễn biến bất thường. Cư dân cho rằng Công ty TNHH MTV Keangnam Vina đang cố tình dựng “những hàng rào kỹ thuật” nhằm kéo dài thời hạn phải trả tiền bảo trì cho BQT chung cư Keangnam Hà Nội…

Sáng 10-6, đại diện Công ty TNHH MTV Keangnam Vina, ông Lee Hyo Giong, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Keangnam Vina cho biết đang bàn bạc với Ban quản trị (BQT) nhà chung cư Keangnam Hà Nội về việc gia hạn thời gian trả quỹ bảo trì. Đại diện Keangnam cho biết, lý do của việc gia hạn là vì hai bên vẫn chưa thống nhất được chính xác khoản tiền nói trên.

Cụ thể, theo tính toán của Keangnam Vina, kinh phí bảo trì thu từ cư dân có giá trị khoảng 125 tỷ đồng. Vị này cho biết: "Keangnam Vina thấy rằng để có thể bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị, trước hết cần phải xác định kinh phí bảo trì đã thu được một cách chính xác. Trên cơ sở đó, chúng tôi và BQT sẽ bàn bạc, thống nhất và mời một đơn vị kiểm toán để thực hiện công việc này".

Ngoài ra, theo Keangnam, giữa 2 bên vẫn còn một vài vấn đề khác chưa đi đến thống nhất, như diện tích tính phí bảo trì, thông tin tài khoản và các bên liên quan. Cũng theo Công ty TNHH MTV Keangnam Vina: "Do các vấn đề nêu trên chưa thể giải quyết được trước ngày 10-6 nên chúng tôi đang làm việc cùng UBND quận Nam Từ Liêm, và Ban quản trị để xin gia hạn thời hạn bàn giao kinh phí bảo trì cho tới khi 2 bên đi đến thống nhất các vấn đề đó".

Những lý do không chính đáng

Đầu tháng 4-2015, do lo ngại Tập đoàn Keangnam bị phá sản, các tài sản bị phát mại, Ban Quản trị chung cư đã có công văn gửi lên Thủ tướng Chính phủ kiến nghị yêu cầu chủ đầu tư Keangnam khẩn trương hoàn trả quỹ bảo trì. Nhưng đó chỉ mới là kiến nghị hành chính. Để đòi được số tiền bị chiếm giữ, có thể nói rất khó khăn, nhất là trong bối cảnh, Tập đoàn Keangnam và cả Keangnam Vina đang bên bờ vực vỡ nợ.

Ngay sau khi nhận được kiến nghị của cư dân chung cư Keangnam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu UBND thành phố Hà Nội kiểm tra, xử lý thông tin báo chí phản ánh về kinh phí bảo trì tại chung cư Keangnam Hanoi Landmark Tower. Chiều ngày 1-6, Sở Xây dựng thành phố Hà Nội đã chủ trì cuộc họp giữa UBND quận Nam Từ Liêm, UBND phường Mễ Trì, Công ty TNHH MTV Keangnam Vina và Ban Quản trị nhà chung cư Keangnam.

Tại cuộc họp, UBND quận Nam Từ Liêm đã công bố Công văn số 652/UBND-QLĐT yêu cầu công ty TNHH MTV Keangnam Vina có trách nhiệm bàn giao kinh phí bảo trì 2% của tòa nhà xong trước ngày 10-6-2015 theo đúng qui định. UBND quận Nam Từ Liêm giao Công an quận Nam Từ Liêm thực hiện điều tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về pháp luật của chủ đầu tư trong việc chiếm dụng tiền quỹ bảo trì của nhà chung cư Keangnam (nếu có) và thực hiện phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn khu chung cư.

Cũng tại cuộc họp ngày 1-6 giữa Sở Xây dựng Hà Nội, quận Nam Từ Liêm, phường Mễ Trì, Ban Quản trị chung cư Keangnam và Công ty TNHH MTV Keangnam Vina phía chủ đầu tư đã bày tỏ nguyện vọng lùi thời hạn trao trả khoản phí bảo trì chung cư thêm 1 tháng. Nhưng Sở Xây dựng đã giải thích cho phía chủ đầu tư rằng, đáng lẽ ngay sau khi nhận phí bảo trì là chủ đầu tư đã phải chuyển cho Ban Quản trị tòa nhà rồi, để đến nay là quá muộn. Thứ nữa, không dưới 8 lần Ban Quản trị tòa nhà yêu cầu chủ đầu tư hoàn trả kinh phí bảo trì nhưng chủ đầu tư vẫn cố giữ, không trả cho BQT, như vậy là vi phạm các quy định pháp luật về quản lý tiền bảo trì chung cư. Và nếu như BQT chung cư đồng ý, chủ đầu tư mới được hoãn trả tiền bảo trì chung cư cho BQT. Sở Xây dựng và quận Nam Từ Liêm cũng đã thống nhất, sau 10-6 nếu chủ đầu tư vẫn chưa trao trả phí bảo trì cho BQT chung cư, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ mời cơ quan công an kinh tế vào cuộc điều tra vụ việc chiếm dụng vốn của cư dân chung cư.

Nhưng đến ngày 9-6, đại diện chủ đầu tư tòa nhà là Công ty Keangnam Vina đã đến gặp UBND quận Nam Từ Liêm, đề nghị được lùi hạn bàn giao phí bảo trì thêm 1 tháng nữa. Công ty này cũng cho biết, Tập đoàn Keangnam bên Hàn Quốc đã đồng thuận việc trả phí bảo trì cho người dân. Tuy nhiên, họ đề nghị mời công ty kiểm toán vào kiểm tra và chốt con số phí bảo trì rồi mới bàn giao tiền cho cư dân Keangnam. Phía UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, phương án xin trì hoãn trả phí của công ty này không được UBND quận chấp nhận và đề nghị đại diện chủ đầu tư phải chuyển trước cho cư dân tòa nhà số tiền 100 tỉ đồng, số tiền còn thiếu sẽ do hai bên tính toán, thống nhất sau.

Trước đó, để tạo điều kiện cho chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ của mình, sáng 8-6, ông Phạm Văn Công, thường trực BQT chung cư cho biết, BQT, đại diện cư dân đã đồng ý với mức phí bảo trì là 125 tỷ đồng. Ông Công cũng cho biết, việc để tình trạng này xảy ra là do chưa có chế tài kiểm soát yêu cầu doanh nghiệp, chủ đầu tư trong vấn đề bàn giao quỹ bảo trì.
Như vậy, về mặt pháp lý cũng như tình cảm, các bên bị chủ đầu tư chiếm giữ hàng trăm tỷ đồng tiền bảo trì chung cư đã thể hiện hết sức sự thông cảm với những khó khăn của chủ đầu tư khu chung cư Keangnam Hà Nội. Lẽ ra, chủ đầu tư phải tích cực thực hiện việc chuyển giao tiền cho BQT tòa nhà, việc viện thêm những lý do kỹ thuật chứng tỏ phía chủ đầu tư đang cố gắng để chậm chuyển trả tiền cho cư dân Keangnam Hà Nội.


Các cơ quan chức năng cần vào cuộc sớm

Theo quy định của Nghị định 71 và một số quy định của pháp luật khác về quản lý nhà chung cư như Quyết định 08 của Bộ Xây dựng và Quyết định 01/2013 của UBND thành phố Hà Nội thì khi thu tiền bảo trì có giá trị bằng 2% từ các hợp đồng mua bán nhà thì chủ đầu tư phải lập tài khoản riêng và chuyển khoản tiền này vào, có trách nhiệm giữ khoản tiền đó cho đến khi thành lập ra Ban quản trị thì chuyển giao số tiền này cho Ban quản trị tòa nhà. Lẽ ra chủ đầu tư phải chuyển giao ngay số tiền đó cho người dân, nhưng chủ đầu tư đã giữ lại nhiều năm. Hành vi này của Keangnam Vina đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì tòa nhà căn hộ.

Trong trường hợp Keangnam bán tòa nhà văn phòng 72 tầng trên đường Phạm Hùng thì sẽ có nhiều ảnh hưởng gì đến quyền lợi của cư dân đang sống tại tòa nhà căn hộ trong cùng dự án này. Bởi về nguyên tắc khi đã bán tòa nhà văn phòng thì Keangnam sẽ không còn giữ quỹ bảo trì của cư dân nữa. Nếu tiền bảo trì bị chi tiêu vào mục đích khác thì người dân sẽ không có tiền để bảo trì cho tòa nhà này. Số tiền bảo trì chủ đầu tư nói đang giữ, nhưng cụ thể ra sao thì không phải ai cũng biết vì chủ đầu tư không công khai. Kể cả khi đã bán tòa nhà văn phòng thì người dân và chủ đầu tư vẫn còn nhiều vấn đề liên quan với nhau như phần tầng hầm, sàn thương mại, phần công cộng và một số hạng mục khác, nhưng đến nay, chưa thấy Công ty TNHH MTV Keangnam Vina làm việc với cư dân chung cư. Dĩ nhiên, Bên mua tòa nhà vẫn phải tiếp nhận các trách nhiệm, nghĩa vụ với các bên liên quan khi chuyển giao quyền sở hữu. Tuy nhiên khi đó việc đòi khoản tiền bảo trì của người dân sẽ khó khăn hơn là đòi chính Keangnam Vina.

Đức Nguyễn (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.