14/05/2021 1:14 PM
CafeLand - Nhiều người làm nghề môi giới bất động sản đang sống khỏe với khoản “hoa hồng” sau mỗi giao dịch thành công. Song, không ít người lại đang chật vật với khoản tiền này, bởi “miếng bánh” ngon không dành cho tất cả.

Đồng tiền “chia năm sẻ bảy”

Công Thuận là cư dân của thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Theo học chuyên ngành ngôn ngữ Anh, nhưng Thuận lại bén duyên với nghề môi giới bất động sản đến nay đã được 5 năm. Con đường dẫn anh vào nghề môi giới bất động sản là mức thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng của một người bạn cùng lớp.

Thị trường của Thuận chủ yếu tập trung ở hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Vào lúc thị trường sôi động, hầu như tuần nào anh cũng có giao dịch thành công, thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng không phải là con số khó kiếm. Chỉ có điều, để có được mức thu nhập nói trên, Thuận phải “cày ngày cày đêm”.

“Khách quen của mình đa phần là dân đầu tư nên mình thường dành thời gian cuối tuần để đưa khách đi xem. Có khi đi mấy ngày liền khách không chốt được lô nào, nhưng cũng có lúc 9-10h đêm khách đặt cọc thì mình vẫn phải chạy đến vì sợ khách đổi ý”, Thuận tâm sự.

Nhiều người làm nghề môi giới bất động sản đang sống khỏe với khoản “hoa hồng” sau mỗi giao dịch thành công. Song, không ít người lại đang chật vật với khoản tiền này

Vì hoạt động tự do trên địa bàn hoạt động khá rộng nên không phải lúc nào cũng có sẵn trong tay nguồn hàng như khách yêu cầu. Vì vậy, đa số người làm nghề đều liên kết với một vài môi giới khác để đa dạng rổ hàng.

“Với những lô giá trị thấp, vài trăm triệu đến 1 tỉ đồng, môi giới được hưởng 2% hoa hồng, nhưng mình phải chia lại cho môi giới kia phân nửa. Cộng thêm chi phí xe cộ đưa khách đi xem đất, chi phí đăng tin quảng cáo, phần còn lại cho mỗi giao dịch thực chất chỉ vài triệu đồng”, Thuận cho biết.

Nhưng đối với Bùi Mai đang sống tại quận Bình Thạnh, TP.HCM thì lại khác. Phi vụ môi giới đầu tiên của cô lại khá thuận buồm xuôi gió.

“Chủ nhà là hàng xóm, khách hàng là sếp cũ. Mình nhận lời giới thiệu khách và tìm được người mua chỉ trong một tuần lễ. Giao dịch lần đó mình được chủ nhà trích hoa hồng 50 triệu đồng, có lẽ là lần môi giới vui vẻ nhất trong suốt những năm làm nghề của mình”, Mai nhớ lại.

Đến nay, Mai đã trụ với nghề môi giới được 8 năm. Cô cho biết, thoạt nghe hoa hồng mỗi căn nhà cả chục triệu, nhưng để bán được nó môi giới phải chi rất nhiều khoản, trong đó khoản phí ngốn nhiều tiền nhất là phí quảng cáo.

Mai kể, có lần cô nhận tìm khách cho thuê một khu căn hộ dịch vụ mini tại Tân Bình. Theo thỏa thuận, cô được hưởng 40% tiền thuê nhà tháng đầu tiên, khoảng 25 triệu đồng.

Nhận dự án xong, Mai bỏ tiền túi ra chạy quảng cáo với số tiền không hề nhỏ nhưng mãi chẳng chốt được khách thuê vì chủ nhà “kén” người thuê. Cuối cùng, cô đành ngậm ngùi rút lui sau cả tháng trời vừa tốn công vừa tốn của.

Không cẩn thận là bị “bẻ cò”

Một trường hợp mà nhiều môi giới hay gặp phải là bị chủ nhà là khách hàng bắt tay nhau để “bẻ cò”. Tức sau khi hỗ trợ người mua tìm kiếm được sản phẩm bất động sản ưng ý, người bán và người mua âm thầm tự làm việc với nhau, gạt môi giới ra một bên. Người môi giới bị mất trắng, tốn thời gian và công sức mà không được nhận hoa hồng.

Như trường hợp của Tường Như (môi giới tại thành phố Thủ Đức) lúc mới vào nghề. Suốt gần một tháng trời chăm sóc, tìm kiếm được căn nhà 3 tỉ đồng cho khách, cô không biết bằng cách nào chủ và khách đã tự làm việc với nhau, chỉ gửi cho Như 5 triệu đồng tiền phí thay vì thỏa thuận 1% trên giá căn nhà như ban đầu.

Muốn kiếm bán được hàng, kiếm được "hoa hồng", môi giới cần sự chuyên nghiệp, bản lĩnh và cái duyên với nghề rất lớn.

“Nhiều khách hàng nghĩ môi giới nhận về vài chục triệu khi giao dịch thành công mỗi căn nhà là rất nhiều. Tuy nhiên, công sức chúng tôi bỏ ra không hề ít, từ đăng tin rao bán, đưa khách đi xem, lo thủ tục giao dịch,… mất cả tháng có khi vài tháng mới xong được một giao dịch. Chưa kể phải làm 5-10 căn nhà mới bán được một căn”, Như ngậm ngùi chia sẻ.

Không chỉ người mới vào nghề như Tường Như, một số môi giới với tuổi nghề nhiều năm cũng đang gặp khó khăn, một phần vì ảnh hưởng của dịch bệnh, một phần vì thị trường khó khăn, sức mua giảm.

Vì vậy, muốn kiếm được tiền đỏi hỏi sự chuyên nghiệp, bản lĩnh và cái duyên với nghề rất lớn.

Đại diện một doanh nghiệp môi giới bất động sản có mặt ở cả Hà Nội và TP.HCM chia sẻ, tỷ lệ đào thải trong nghề môi giới rất cao, có đến 50% người môi giới bước vào nghề nhưng không thành công và phải thay đổi nghề nghiệp. Bước chân vào nghề môi giới có thể sẽ có thu nhập rất cao, nhưng cũng phải trải qua sự cạnh tranh khốc liệt.

  • Đất nước không thể đi lên từ “buôn đất”

    Đất nước không thể đi lên từ “buôn đất”

    CafeLand - Câu chuyện “sốt đất” không phải chỉ xảy ra mới đây, mà là câu chuyện dài đã diễn ra xuyên suốt trong nhiều năm qua. Sau các cơn sốt đất thường để lại nhiều hệ quả cho xã hội và không ít nhà đầu tư theo sóng.

Diệu Trang
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.