17/10/2022 5:25 PM
Trong báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô quý 4/2022 vừa phát hành, Công ty Chứng khoán KB (KB Securities) dự báo lãi suất huy động sẽ tăng ít nhất 1,0% từ nay đến cuối năm 2022. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cho vay cũng có xu hướng tăng nhẹ nhưng thấp hơn mức tăng của lãi huy động (khoảng 0,4-0,7%) trong bối cảnh lạm phát tăng, cầu tín dụng phục hồi khi mở cửa kinh tế.

Ảnh minh hoạ.

Lãi suất liên ngân hàng và lãi suất huy động tăng cao

Ngày 22/09/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản chính thức tăng đồng loạt các lãi suất điều hành, cụ thể: lãi suất tái cấp vốn tăng 1%, lãi suất tái chiết khấu 1% và trần lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến 6 tháng tăng thêm 1% lên 5%.

Ngân hàng Nhà nước cho biết tăng lãi suất điều hành, tăng lãi suất huy động nhưng cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và kêu gọi, vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục nghiên cứu giảm lãi suất ở một số đối tượng, lĩnh vực sản xuất kinh doanh để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau dịch.

Theo Ngân hàng nhà nước, tính hết 20/9 mức tăng trưởng tín dụng đạt 10,54% so với đầu năm, cho thấy sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức tốt, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2022.

Tại thời điểm cuối tháng 9, lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn, đặc biệt lãi suất liên ngân hàng qua đêm và duy trì ở nền cao trong 2 tháng cuối quý 3. Cụ thể, lãi suất qua đêm, 1 tuần và 1 tháng thay đổi lần lượt là +410 bps, +385 bps và +297 bps so với cuối tháng 6, điều này cho thấy thanh khoản hệ thống đang chịu nhiều áp lực.

Trong quý 3, mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng tăng ở cả kì hạn ngắn và dài do thanh khoản các ngân hàng chịu nhiều áp lực do nhu cầu tín dụng tăng cao khi Ngân hàng Nhà nước đã nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng để đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% so với đầu năm.

Bên cạnh đó, các Ngân hàng Thương mại đã đồng loạt nâng lãi suất huy động sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng các lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động. Các ngân hàng nhỏ có mức tăng lãi suất huy động cao (dao động từ 1% -2%), trong khi nhóm ngân hàng quốc doanh có mức biến động hẹp hơn (quanh 1%).

Dự báo lãi suất 2022

Trong kịch bản cơ sở lạm phát bình quân tăng 3,8% và không có thêm cú sốc về giá dầu, tuy vẫn chịu áp lực lạm tỷ giá và giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, KBSV dự báo, có khả năng Ngân hàng Nhà Nước sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành thêm 0,5-1% theo xu hướng chung của các NHTW toàn cầu, đặc biệt là Mỹ.

Lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng ít nhất 1,0% vào cuối năm 2022

KBSV đánh giá mặt bằng lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 do: (1) Nhu cầu tín dụng tăng khi nền kinh tế phục hồi, (2), Thanh khoản thị trường 1 chịu nhiều áp lực khi tăng trưởng huy động không theo kịp tăng trưởng tín dụng, sẽ buộc các NHTM nâng lãi suất huy động; và (3) Nhu cầu tiền mặt mùa cao điểm – Tết Nguyên Đán tăng cao vào cuối năm sẽ tiếp tục gây áp lực lên thanh khoản hệ thống. Mức tăng nhiều khả năng sẽ tăng 1-1,5%, tương ứng với kịch bản cơ sở lạm phát tăng 3,8%.

Mặt bằng lãi suất cho vay tăng đồng pha với lãi suất huy động

Cũng theo dự báo của KBSV, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ có xu hướng tăng đồng pha với lãi suất huy động. Tuy nhiên mức tăng sẽ ít hơn ở mức khoảng 0,4 – 0,7%, do Chính Phủ tiếp tục chỉ đạo hệ thống ngân hàng cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và kêu gọi, vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả hoạt động, quản trị, tiết giảm chi phí, nghiên cứu giảm lãi suất ở một số đối tượng, lĩnh vực phục vụ sản xuất kinh doanh để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi kinh tế sau dịch.

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.