10/10/2022 6:44 PM
Trong báo cáo thị trường tiền tệ mới phát hành, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng do tăng trưởng tín dụng cao gấp 2,6 lần tốc độ tăng trưởng huy động vốn, lãi suất tiền gửi dự kiến có thể tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm này, điều này sẽ dẫn đến áp lực tăng lãi suất cho vay.

Ảnh minh hoạ.

Theo MBS, thời gian gần đây, thanh khoản trong hệ thống gặp áp lực do riêng trong tháng 9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện hút hơn 163 nghìn tỷ đồng qua kênh tín phiếu với kỳ hạn 7-14 ngày, lợi suất tín phiếu dao động từ 4-4,5%/năm.

Để hỗ trợ nhu cầu thanh khoản tăng cao, NHNN cũng bơm ngược trở lại vào hệ thống gần 80 nghìn tỷ đồng theo phương thức đấu thầu lãi suất, kỳ hạn 7-14 ngày với lãi suất cạnh tranh từ 4,5%- 6,9%/năm.

Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tính đến thời điểm 9 tháng đầu năm đạt 10,54% so với cuối năm 2021, cao hơn nhiều so với mức 7,17% cùng kỳ năm trước.

Tăng trưởng huy động vốn chỉ đạt 4,04%, tạo sự chênh lệch khá lớn so với tăng trưởng tín dụng.

Cuối tháng 9, NHNN đã quyết định tăng mạnh lãi suất điều hành, trong đó lãi suất tái cấp vốn thêm 100 điểm cơ bản, lên 5%/năm; tăng lãi suất tái chiết khấu thêm 100 điểm từ mức 2,5% lên 3,5%/năm.

Do tăng trưởng tín dụng cao gấp 2,6 lần tốc độ tăng trưởng huy động vốn, lãi suất tiền gửi dự kiến có thể tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm này, điều này sẽ dẫn đến áp lực tăng lãi suất cho vay, theo MBS.

Thực tế, lãi suất huy động tiền đồng của một số ngân hàng tiếp tục tăng lên trong những ngày gần đây. Trong đó, mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện nay đang thuộc về Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) với 8,9%/năm cho kỳ hạn 36 tháng. Ngoài ra, chứng chỉ tiền gửi của nhà băng này cũng lên 8,9%/năm cho kỳ hạn 24 tháng… Vào cuối tuần qua, nhà băng này đã tăng lãi suất thêm khoảng 1%/năm để giữ tiền gửi khách hàng.

Tuần trước, các ngân hàng như VPBank, Sacombank, Techcombank… cũng đã điều chỉnh lãi suất tăng lên. Cụ thể, Sacombank tăng từ 0,5 - 0,6%/năm so với trước đó, trong đó mức lãi suất cao nhất là 7,5%/năm đối với kỳ hạn 36 tháng, còn 6 tháng lên 6,5%, 9 tháng 6,8%, 12 tháng lên 7%. VPBank tăng từ 0,3% ở một số kỳ hạn, lãi suất cao nhất của ngân hàng này huy động ở kỳ hạn 36 tháng 7,8%/năm. Techcombank cũng tăng lãi suất kỳ hạn 1 - 3 tháng mức kịch trần 5%/năm;6 tháng lãi suất tối đa ở mức 7,2%, 12 tháng ở mức 7,5%/năm …

Theo MBS, NHNN bắt đầu bơm tiền trở lại trong vài tuần gần đây với khối lượng lớn và lãi suất OMO tăng cao khiến các ngân hàng khi không tiếp cận được dòng tiền qua kênh thị trường mở, trong khi đang cần vốn gấp để cân đối thanh khoản nên họ phải vay trên liên ngân hàng làm đẩy lãi suất lên cao hơn nữa.

Khảo sát của Bloomberg cho thấy lãi suất liên ngân hàng qua đêm đang giao dịch ở mức 7,1%/năm, tăng mạnh từ mức lãi suất 3,67% của cuối tháng 8. Lãi suất các kỳ hạn khác cũng ở quanh mức 6,8%-6,93%/năm.

NHNN tiếp tục thể hiện quan điểm muốn duy trì thanh khoản trên hệ thống ngân hàng ở trạng thái không quá dồi dào, nhằm duy trì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND ở mức cao nhằm tạo chênh lệch hợp lý với lãi suất USD, giảm thiểu áp lực lên tỷ giá, theo MBS.

Anh Mai
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.