Nhân dân tệ của Trung Quốc (RMB) được dự báo sẽ sớm trở thành một loại tiền tệ chính thức trong dự trữ ngoại hối toàn cầu bởi lẽ thực tế đã nhìn nhận RMB như thế và ngân hàng quốc gia nhiều nước cũng đã sử dụng cho mục đích này.

Các ngân hàng quốc gia đã phản ứng với cơn sốt RMB bằng cách đầu tư một phần trong dự trữ ngoại tệ của họ vào đồng tiền này. Đến nay, hơn 50 ngân hàng trung ương đã tích cực đầu tư như thế ở trong cũng như ngoài nước.

RMB đang được sử dụng mạnh nhất ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ - những khu vực đang tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư Trung Quốc. Tuy nhiên, ngay cả ở châu Âu, các ngân hàng quốc gia cũng bắt đầu gia tăng dự trữ RMB.

Đầu năm nay, Ngân hàng Quốc gia Pháp thông báo đầu tư mạnh vào RMB. Vào tháng 7, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (tức ngân hàng trung ương của Trung Quốc) cấp hạn ngạch đầu tư 15 tỷ RMB. Do ngân hàng quốc gia Pháp và Thụy Sĩ có vai trò lớn tại châu Âu, các nước khác ở lục địa già cũng sẽ noi theo hai nước này.

Tất nhiên, cần lưu ý rằng RMB vẫn chưa đáp ứng hết các điều kiện để trở thành một loại tiền tệ chính thức cho dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, động thái trên của các ngân hàng quốc qia cũng cho thấy họ rất quan tâm đến RMB vì đồng tiền này đang khẳng định vị thế mạnh của nó và trong quá trình quốc tế hóa theo một con đường không thể đảo ngược được.

Dù RMB vẫn chưa thể thách thức sự thống trị của USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu trong thời gian tới, thì hệ thống tiền tệ quốc tế đang nhanh chóng trở thành đa cực, và vai trò của RMB như một đồng tiền dự trữ và giao dịch ngày càng rõ.

Hiện nay, RMB đứng thứ bảy thế giới trong thanh toán quốc tế, nhưng dự báo sẽ lên vị trí thứ tư vào năm 2020 sau USD, Euro và bảng Anh. Như vậy, đối với nhiều ngân hàng trung ương, đầu tư vào RMB là hợp lý vì dự trữ nhân dân tệ sẽ có lợi hơn nhiều trong bối cảnh nhập khẩu từ Trung Quốc gia tăng.

Sự lan tỏa của đồng tiền này còn phải kể tới vai trò của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng RMB tại các ngân hàng quốc gia các nước. Cụ thể là cho các nước này quyền đặc biệt để đầu tư vào thị trường trái phiếu liên ngân hàng bằng RMB. Trung Quốc cũng đã cấp cho nhiều ngân hàng quốc gia khác những ưu đãi đối với hạn ngạch đầu tư RMB ở Trung Quốc.

Theo quy định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các ngân hàng quốc gia không được báo cáo RMB như là một đồng tiền dự trữ chính thức vì vẫn còn một số điều kiện ràng buộc. Như vậy, về mặt kỹ thuật, RMB vẫn chưa được xem là “tự do sử dụng”. Điều này có nghĩa rằng, trong mắt của IMF, mọi khoản đầu tư vào nhân dân tệ sẽ biến mất khỏi dự trữ quốc gia.

Có thể thấy rằng, dù quy tắc IMF là vậy, các ngân hàng quốc gia không cần phải tiết lộ các thành phần tiền tệ dự trữ của họ khi báo cáo với IMF và IMF không xem xét thật kỹ các báo cáo, trừ khi nước ấy đang thực hiện một chương trình nào đó của IMF.

Động thái này của các ngân hàng quốc gia cho thấy vai trò mạnh mẽ của cả khu vực công và khu vực tư nhân trong việc định hình tương lai của RMB.

IMF đang đóng vai trò trung tâm trong hệ thống tiền tệ quốc tế. Giả sử IMF đã đưa RMB vào tài sản dự trữ bằng đồng SDR (Quyền rút vốn đặc biệt) của IMF, đó sẽ là một bước tiến quan trọng cho quá trình quốc tế hóa RMB. Năm tới, IMF sẽ xem xét vấn đề đưa hay không đưa RMB vào rổ tiền tệ SDR.

Việc đưa RMB vào SDR sẽ là công nhận chính thức RMB là một đồng tiền dự trữ, và ngân hàng trung ương của tất cả các nước thành viên IMF sẽ tự động được báo cáo RMB trong lượng nắm giữ SDR của họ. Nó sẽ khuyến khích các ngân hàng trung ương mới tham gia vào thị trường RMB và khiến các nước đã là thành viên tích cực tăng phần của họ.

Tuy nhiên, ngay cả khi không đưa RMB vào, IMF vẫn có thể đặt ra quy định về cách báo cáo các khoản đầu tư bằng RMB sao cho các nước nhỏ và những nước đang thực hiện các chương trình của IMF không bị thiệt thòi do đầu tư vào RMB. Trong cách tiếp cận vấn đề này, IMF nên nhìn nhận thực tế và dựa vào các phân tích kỹ thuật về sử dụng RMB, chứ không phải bởi chính trị.

Nếu các ngân hàng quốc gia được phép quản lý dự trữ ngoại hối của mình theo cách có thể giảm thiểu rủi ro do các cú sốc bên ngoài, sự ổn định của hệ thống tiền tệ quốc tế sẽ được cải thiện đáng kể. Rõ ràng là ít người nghi ngờ về điều này. Với sự thống trị của Trung Quốc trong thương mại toàn cầu và vai trò đang lớn mạnh rất nhanh của RMB, đa số các nước thấy cần phải tăng tỷ lệ RMB trong tổng dự trữ ngoại hối của họ.

Tường Vi (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.