Ảnh minh họa. (Nguồn: northernvista.org) |
Theo Reuters và AFP, trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới được công bố trước thềm hội nghị 1 năm hai lần của mình dự kiến diễn ra cuối tuần này tại Tokyo, IMF nhận định sức tăng trưởng toàn cầu quá yếu không thể giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp và yếu tố góp phần duy trì chút đà tăng trưởng xuất phát chủ yếu từ các ngân hàng trung ương.
Đối với năm 2012, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu chỉ đạt 3,3%, giảm so với mức dự báo 3,5% hồi tháng Bảy, biến 2012 thành năm tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2009. Đến năm 2013, con số này cũng chỉ nhích nhẹ lên 3,6%, vẫn thấp hơn mức dự báo 3,9% trong tháng Bảy.
Cũng trong báo cáo trên, IMF đã giảm dự báo tăng trưởng của khu vực Châu Á đang phát triển, viện dẫn nguyên nhân do tình trạng suy thoái ở Mỹ và Châu Âu, đồng thời cảnh báo rằng các nỗ lực thúc đẩy kinh tế của Trung Quốc là không chắc chắn. IMF dự báo tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở Châu Á sẽ đạt mức 6,7% trong năm nay trước khi tăng lên 7,2% trong năm 2013. Các con số dự báo tương ứng hồi tháng Bảy là 7,1% và 7,5%.
Nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc, vốn là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng khu vực, sẽ chỉ tăng trưởng 7,8% trong năm 2012, song sẽ đạt mức 8,2% trong năm tới khi những biện pháp nới lỏng gần đây phát huy tác dụng. Các con số này đều thấp hơn mức dự báo lần lượt là 8,0% và 8,5% trong tháng Bảy.
Ngoài ra, IMF cũng hạ triển vọng của Nhật Bản, cho rằng mức chi tiêu cho tái thiết sau thảm họa sẽ giảm dần và dẫn đến sức tăng trưởng yếu hơn trong năm tới. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản chỉ đạt 2,2% trong năm nay nhờ chi tiêu mạnh cho hoạt động tái thiết thời hậu động đất-sóng thần, nhưng sẽ giảm xuống chỉ còn 1,2% vào năm tới. Trong khi đó, các mức dự báo tương ứng đưa ra hồi tháng Bảy là 2,4% và 1,5%.
Trong khi đó theo IMF, nền kinh tế lớn thứ ba Châu Á là Ấn Độ sẽ chứng kiến mức tăng trưởng 4,9% trong năm nay và 6% trong năm tới, nguyên nhân do hoạt động đầu tư đình trệ bởi các vấn đề điều hành và nạn quan liêu, tâm lý doanh nghiệp xuống thấp cũng như đồng rupee suy yếu.
Nhu cầu chậm lại ở nước ngoài cũng là nguyên nhân khiến tăng trưởng nói chung chậm lại ở ba trong số năm nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, gồm Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Tính chung, năm nước này sẽ đạt mức tăng trưởng 5,4% trong năm nay và 5,8% trong năm 2013. Năm ngoái, con số này là 4,5%. Trong năm 2012, chỉ có Philippines và Thái Lan đạt mức tăng trưởng cao hơn so với năm ngoái, với đà tăng trưởng ở Thái Lan được thúc đẩy bởi hoạt động tái thiết và đầu tư sau những trận lũ lụt tàn phá nghiêm trọng miền Bắc nước này./.