Quảng Trị vừa ra quyết định huỷ kết quả trúng đấu giá đối với 41 lô đất còn lại. Ảnh minh hoạ
Kết quả đấu giá như mơ
Đầu năm 2022, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức đấu giá quyền sử dụng 46 lô đất với tổng diện tích trên 14.208 m2 thuộc công trình “Phát triển điểm dân cư xã Gio Hòa” (nay là xã Gio Sơn, huyện Gio Linh). Những lô đất này thuộc 2 thôn, trong đó thôn Đại Đồng Nhất 28 lô và 18 lô tại thôn Trí Tiến. Các lô đất đều nằm dọc trục đường 74, thuộc khu vực nông thôn có nhà dân rải rác, còn lại phần lớn diện tích là đất nông nghiệp của người dân trong vùng.
Đây là đất ở khu vực nông thôn, người dân chủ yếu lấy sản xuất nông nghiệp làm chủ lực, kinh tế khu vực này cũng không mấy phát triển. Thế nhưng kết quả đấu giá lại vượt xa mong đợi khi tổng số tiền trúng đấu giá của 46 lô đất đạt trên 62,3 tỉ đồng. Trong đó, có lô đất được đấu trúng với giá cao hơn gấp 4 lần so với giá khởi điểm.
Con số này khiến toàn bộ người dân và cơ quan chức năng có mặt tại buổi đấu giá hết sức ngỡ ngàng, không ít người tỏ ra vui mừng khi đất đai trong vùng trở nên có giá đến như vậy.
Theo kết quả đấu giá, một số lô đất ở thôn Đại Đồng Nhất dù giá khởi điểm chỉ hơn 381 triệu đồng nhưng lại được các nhà đầu tư ra giá lên đến trên 1 tỉ 750 triệu đồng. Đặc biệt, tại thôn Trí Tiến, lô đất số 6 có diện tích 420m2, được bà Nguyễn Thanh Thủy (thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh) đấu trúng 2 tỉ đồng trong khi giá khởi điểm là hơn 562 triệu đồng.
Sau khi hoàn tất quá trình đấu giá, vào ngày 18.3, UBND huyện Gio Linh có quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với 46 lô đất và quy định rõ sau một tháng các cá nhân đấu trúng đất phải nộp đủ số tiền trúng đấu giá.
41/46 lô đất đấu giá bị bỏ cọc
Những tưởng rằng với kết quả đấu giá thuận lợi và thành công rực rỡ như vậy thì nguồn ngân sách địa phương sẽ được bổ sung một con số đáng kể, đất đai của người dân nhờ đó cũng có giá trị hơn, nhưng không phải vậy.
Đến ngày đóng tiền thì chỉ có vỏn vẹn 5 khách hàng nộp đủ tiền cho 5 lô đất. Do vậy, ngày 4.5, UBND huyện Gio Linh ra quyết định hủy kết quả trúng đấu giá đối với 41 lô đất còn lại. Và dĩ nhiên, những lô đất được đấu với giá cao chót vót cũng nằm trong danh sách bỏ cọc, mỗi lô được cọc với giá từ 70 triệu đồng đến 110 triệu đồng.
Ông Đỗ An Chung, Chủ tịch UBND xã Gio Sơn, huyện Gio Linh cho biết: “Kết quả đấu giá đạt cao ngoài mong đợi như vậy cũng khiến cho địa phương có nhiều băn khoăn, nhưng không nghĩ rằng số lượng người bỏ cọc lại cao đến như thế”.
Ông Chung cũng không loại trừ khả năng, đấu giá cao thực ra chỉ là một chiêu thức của các nhà đầu tư nhằm đẩy giá bán những lô đất đã mua xung quanh khu vực này trước đó.
Tuy nhiên, có một điều mà tất cả những người đầu tư bất động sản trên địa bàn tỉnh, kể cả chuyên nghiệp hay chỉ với vai trò tay ngang đều nhận ra rằng, việc giá đất chững lại trong suốt thời gian qua chính là nguyên nhân mấu chốt khiến cho gần 90% số lô đất được đấu giá tại công trình “Phát triển điểm dân cư xã Gio Hòa” bị bỏ cọc.
Thông tin thêm về vấn đề này, ông Võ Đắc Hóa, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết quá trình đấu giá các lô đất nói trên, địa phương đã khảo sát kỹ, đưa ra bảng giá khởi điểm phù hợp.
“Tuy nhiên, giống như kết quả đấu giá, việc bỏ cọc số lượng lớn các lô đất của nhà đầu tư khiến chúng tôi vô cùng bất ngờ. Sau sự việc lần này, toàn bộ số tiền khách hàng bỏ cọc sẽ nộp vào ngân sách. Các lô đất còn lại tới đây sẽ tổ chức đấu giá lại”, ông Hóa thông tin.
Câu chuyện “thật như đùa” về kết quả đấu giá đất ở Gio Linh thời điểm này đang là đề tài nóng đối với các diễn đàn bất động sản cũng như dư luận địa phương. Xét cho cùng, câu chuyện bỏ cọc khi không còn đủ khả năng để ôm đất là chuyện không xa lạ. Điều đáng nói ở đây, bên cạnh những nhà đầu tư lỡ mất tiền thì cũng sẽ có không ít người thở phào nhẹ nhõm khi đẩy được phần lớn đất đai đã được mua xung quanh khu vực đấu giá.
Và trong cơn khủng hoảng của thị trường bất động sản thời điểm này, các nhà đầu tư dù là tận dụng thời cơ và dùng chiêu thức gì thì cũng cần phải tỉnh táo để nhận diện tình hình, tránh ra tiền - là mất tiền.
-
Tan tành giấc mộng làm giàu từ đất nông thôn
Chỉ chưa đầy 3 tháng, những nhà đầu tư bất động sản tại Quảng Trị lần lượt chịu cú sốc lớn khi giấc mơ làm giàu từ đất nông thôn dần tan thành mây khói. Từ mục tiêu lướt cọc, hưởng chênh lệch nhanh chóng trong tâm sốt đất, nhiều nhà đầu tư tay ngang đã phải ngậm ngùi ôm trái đắng khi lỡ “đu đỉnh” và chưa biết bao giờ mới thu hồi được vốn. Rất nhiều trong số đó buộc phải “bỏ cọc” khi không gánh nổi lãi suất tiền vay.
-
Hà Nội yêu cầu công khai danh sách cá nhân bỏ cọc đấu giá đất
UBND TP. Hà Nội yêu cầu các huyện công khai danh sách các cá nhân trả giá cao hơn thị trường để "thổi giá" đất nhưng không nộp tiền. Những người này có thể bị hạn chế tham gia đấu giá.
-
Bộ Xây dựng: Có hiện tượng "cò” thông đồng bỏ cọc đấu giá đất
Theo Bộ Xây dựng, bên cạnh những lợi ích đạt được thì việc đấu giá quyền sử dụng đất thời gian qua cũng đã bộc lộ một số hạn chế, tiêu cực. Trong đó có tình trạng “cò đấu giá” thông đồng, tạo mặt bằng “giá ảo” để thao túng thị trường....
-
Đất đấu giá Phú Thọ đạt 70 triệu đồng/m2
Kết thúc phiên đấu giá đất huyện Phúc Thọ (Hà Nội) chiều ngày 10/9, lô trúng cao nhất đạt gần 70 triệu đồng/m2, cao hơn gần 10 triệu đồng so với mức đỉnh cũ.