CafeLand - Đại diện Tập đoàn Hyundai mong muốn tham gia hợp tác, đầu tư và chia sẻ kinh nghiệm trong 2 dự án đường cao tốc Bắc - Nam và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ mới đây đã tiếp và làm việc với Phó Chủ tịch Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) Chung Jin Hae về tiềm năng hợp tác lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

Tại buổi làm việc, ông Chung Jin Hae cho biết, Hyundai có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng; đặc biệt trong xây dựng đường cao tốc tại Hàn Quốc cũng như các nước từ những năm 1960 thế kỷ 20. Đặc biệt, trong lĩnh vực đường sắt cao tốc, Hyundai đã hoàn thành 3 tuyến ở nước ngoài, 6 tuyến tại Hàn Quốc và 9 tuyến đường sắt đô thị ngầm.

Với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Huyndai có thể cung cấp các giải pháp tổng thể từ lập kế hoạch, huy động tài chính, xây dựng, vận hành và bảo trì, cũng như cung cấp thiết bị công nghệ, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đào tạo.

Ảnh minh hoạ.

Tập đoàn này gợi ý cách thức huy động vốn cho dự án PPP, trong đó cần có sự tham gia bảo lãnh cấp Chính phủ hai nước để dễ thu hút các nhà đầu tư tài chính, áp dụng các chính sách bảo lãnh doanh thu tối thiểu; Chính phủ giữ vai trò chính trong giải phóng mặt bằng;…

Thứ trưởng Bộ GTVT Việt Nam đề nghị Hyundai hợp tác với hai vai trò: Vai trò nhà thầu thực hiện dự án nếu tham gia đấu thầu, thắng thầu; Vai trò chủ đầu tư khi tham gia đầu tư PPP các dự án có quy mô lớn, mang tính lâu dài, bền vững.

Trước đó, Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đã tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn những ý kiến khác nhau về kết quả nghiên cứu phương án đầu tư, đặc biệt là việc xác định giai đoạn đầu tư Dự án.

Theo báo cáo tiền khả thi, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam được xây dựng theo lộ trình, giai đoạn I (2020-2030) sẽ đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh dài 282 km và Nha Trang - TP HCM dài 362 km. Giai đoạn II (2030-2045) đầu tư xây dựng đoạn Vinh - Nha Trang dài khoảng 901 km, trong đó đoạn Vinh - Đà Nẵng hoàn thành năm 2040, đoạn Đà Nẵng - Nha Trang hoàn thành năm 2045.

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến gần 1,35 triệu tỉ đồng (hơn 58,7 tỉ USD), trong đó, giai đoạn một hơn 567.000 tỉ đồng, giai đoạn hai trên 783.000 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng 2,23 tỉ USD, chi phí xây dựng và thiết bị 43,3 tỉ USD, chi phí quản lý, tư vấn và chi phí khác 4,3 tỉ USD... Dự án được thực hiện theo hình thức PPP với nguồn vốn nhà nước khoảng 80%, vốn tư nhân 20%.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.