Là một xã ven đô đang được đô thị hóa, Mễ Trì (huyện Từ Liêm, Hà Nội) đang trở thành điểm “nóng” về vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng và cả lừa đảo những người nhẹ dạ, tham mua đất rẻ.

Ngôi nhà trái phép của ông Nguyễn Văn Đức nằm ngay bên một khu ao cũng vừa bị san lấp trái phép ở xứ đồng Cầu Đôi, thôn Phú Đô.

Ruộng, ao biến thành… thôn xóm

Đầu năm 2011, báo chí đã “nóng” với vụ CA huyện Từ Liêm phải vào cuộc bắt 4 đối tượng “bảo kê” công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại thôn Phú Đô, xã Mễ Trì. Điều đáng nói là vụ việc chỉ được phát giác khi có khiếu kiện vì cùng một mảnh đất đã được bán cho nhiều chủ sử dụng.

Vừa qua, đường dây nóng Báo LĐ lại nhận được cáo giác của bạn đọc về trường hợp tương tự. Có mặt tại khu đất nông nghiệp Cầu Đôi (thôn Phú Đô, xã Mễ Trì), PV không còn nhận ra vết tích của đồng ruộng, bởi phần lớn khu vực đã biến thành một khu dân cư, thậm chí số nhà, xóm ngõ của khu vực này còn được đánh số đàng hoàng(?!).

Trên mảnh đất khoảng 60m2 được bạn đọc cáo giác là đất nông nghiệp và bị chủ sử dụng cũ bán hai lần đã mọc lên một căn nhà “cấp 4” kiên cố với tường dày, cửa sắt. Chủ ngôi nhà này là ông Nguyễn Văn Đức (đăng ký HKTT tại Thiệu Vũ, Thiệu Hóa, Thanh Hóa). Chủ nhà không ngần ngại cho biết, xã có vào lập biên bản nhưng ông vẫn cứ hoàn thiện được nhà do đã “làm luật”(?!).

Để xác minh vụ việc, PV Báo LĐ đã có buổi làm việc với UBND xã Mễ Trì. Ông Nguyễn Hữu Quyết - Phó Chủ tịch UBND xã Mễ Trì - khẳng định: “Việc lấp ao, xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công ở khu vực đất nông nghiệp Cầu Đôi, chúng tôi có biết. Chính quyền xã đã nhiều lần thu giữ xe bò, xe công nông, lập biên bản xử lý trật tự xây dựng đúng theo quy định của pháp luật”.

Kỹ nghệ… hợp thức hóa

“Thế nhưng có một thực tế ao vẫn bị lấp, nhà cửa vẫn mọc trái phép trên đất nông nghiệp?” - PV đặt câu hỏi. Ông Quyết cho biết, do địa bàn xã rộng với diện tích 700ha, mặc dù UBND xã rất kiên quyết trong xử lý vi phạm (những năm gần đây xã xử lý 1/3 số vụ vi phạm trật tự xây dựng, quản lý đất đai trên địa bàn huyện Từ Liêm) nhưng cũng không thể ngăn chặn, xử lý hết sai phạm.

Trước thông tin là người dân muốn xây dựng nhà trên đất nông nghiệp chỉ cần “làm luật” từ 100 đến 150 triệu đồng/căn. Ông Quyết khẳng định là: “Không có chuyện xã cho làm luật. Nếu cán bộ xã nào vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý kỷ luật nghiêm”. Cũng để chứng minh là không có việc “bảo kê” cho căn nhà của ông Nguyễn Văn Đức, ông Nguyễn Hữu Quyết đã cung cấp cho PV một bộ hồ sơ đầy đủ xử lý về trường hợp vi phạm này và khẳng định: “Chúng tôi đã có kế hoạch cưỡng chế đối với hộ ông Nguyễn Văn Đức và các trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở Phú Đô và sẽ thực hiện trước ngày 15.8”.

Cũng tại buổi làm việc, PV Báo LĐ đã đặt câu hỏi với ông Nguyễn Hồng Cảnh - Trưởng CA xã Mễ Trì - về công tác quản lý nhân khẩu tạm trú, tạm vắng. Ông Cảnh khẳng định: “Trường hợp gia đình ông Nguyễn Văn Đức xây dựng và cư trú trên đất nông nghiệp là hoàn toàn trái phép”. Tuy nhiên, khi PV Báo LĐ chỉ ra trong tập hồ sơ do UBND xã Mễ Trì cung cấp cuốn sổ tạm trú của gia đình ông Nguyễn Văn Đức (được cấp cho tạm trú tại xóm 3 Phú Đô, xã Mễ Trì, Từ Liêm, HN) do Phó Trưởng CA xã Ngô Chí Thành ký, cấp ngày 18.7.2013 thì ông Nguyễn Hồng Cảnh hết sức ngạc nhiên và khẳng định sẽ kiểm tra việc cấp tạm trú cho hộ ông Nguyễn Văn Đức.

Như vậy, chỉ với trường hợp của ông Nguyễn Văn Đức, UBND xã cứ lập biên bản, dân thì cứ xây, rồi CA xã cấp sổ tạm trú. Nếu không có chuyện cáo giác do mảnh đất có cùng một lúc hai chủ thì chẳng mấy chốc gia đình ông Nguyễn Văn Đức đến từ Thanh Hóa đã nhanh chóng trở thành người của thủ đô(?!).

Phải chăng đây chính là “kỹ nghệ” đã biến cả xứ đồng Cầu Đôi thành thôn xóm?! Chính quyền xã Mễ Trì và huyện Từ Liêm cần làm rõ và chấm dứt thứ “kỹ nghệ” lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp này.

Hoài Nam (Báo Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.