Đang trong mùa mưa bão nhưng những bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn huyện Thường Tín vẫn hoạt động. UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo xử lý những sai phạm trên nhưng đến nay huyện Thường Tín vẫn chưa thực hiện, gây mất an toàn đê điều.
Bãi cát không phép, sai phép trong khu vực thực hiện dự án Cảng Vạn Điểm (huyện Thường Tín).
Cuối tháng 4-2017, UBND huyện Thường Tín có văn bản chỉ đạo phòng, ban chức năng, UBND các xã ven sông Hồng triển khai biện pháp ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên tuyến đê hữu Hồng. Huyện giao Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Phòng Kinh tế, Đội Thanh tra xây dựng huyện, Hạt Quản lý đê Thường Tín... xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ, đột xuất việc chấp hành quy định của pháp luật đối với bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, có biện pháp kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với trường hợp hoạt động không phép, xử lý theo quy định đối với bến bãi hoạt động sai phép và đề xuất biện pháp cụ thể nhằm xử lý dứt điểm những trường hợp vi phạm…
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, tháng 6-2017, trong số 14 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện Thường Tín, có 6 bãi không phép, 8 bãi có phép nhưng hoạt động sai phép với quy mô lớn, nằm ven tuyến đê hữu Hồng, thuộc địa bàn các xã Ninh Sở, Hồng Vân, Thống Nhất, Vạn Điểm. Các loại phương tiện quá tải trọng chở cát, đá, sỏi lưu thông nhiều, khiến tuyến đê hữu Hồng bị xuống cấp nghiêm trọng, mặt đê bị vỡ nát, lún, sụt, nứt thân đê, giảm khả năng chống lũ… Hiện, những bến bãi trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn xã Ninh Sở và Hồng Vân đã hạ tải, nhưng vẫn trong tình trạng hoạt động không phép, sai phép.
Tại xã Thống Nhất và Vạn Điểm, tình trạng vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều đã được làm rõ từ năm 2016, nhưng huyện Thường Tín vẫn chưa xử lý dứt điểm. Cụ thể, Công ty cổ phần Thương mại và Sản xuất Hoàng Gia được Nhà nước giao 93.018m2 đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cảng Vạn Điểm. Trong đó, diện tích đất tại xã Thống Nhất là 51.038m2, tại xã Vạn Điểm là 41.980m2. Nhưng thực tế, công ty không sử dụng phần đất nằm ở xã Vạn Điểm, mà tự ý bàn giao cho Công ty TNHH Sông Tuấn. Công ty Sông Tuấn lại ủy quyền cho Công ty TNHH Xây dựng Việt Thái và Công ty TNHH một thành viên Nhật Đức. Hai công ty này sử dụng phần đất thuộc dự án cảng Vạn Điểm để làm bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng không phép.
Từ tháng 4 đến tháng 6-2017, Hạt Quản lý đê Thường Tín đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản vi phạm, gửi công văn tới UBND xã Vạn Điểm và Thống Nhất để đề nghị kiểm tra, xử lý vi phạm. Nhưng đến nay, 4 bãi tập kết vật liệu xây dựng sai phép, không phép ở khu vực thực hiện dự án cảng Vạn Điểm vẫn tồn tại với diện tích lớn...
Ngoài ra, từ tháng 12-2016 đến tháng 2-2017, tại địa bàn 2 xã Ninh Sở, Hồng Vân còn có một số hộ gia đình, cá nhân đào móng, ép cọc bê tông, xây công trình, nhà, xưởng ở các vị trí cách chân đê hữu Hồng 5m, nằm trong hành lang bảo vệ đê, hành lang thoát lũ… Tuy nhiên đến nay, việc xử lý của chính quyền các xã chưa triệt để, công trình xây dựng vi phạm Luật Đê điều vẫn tồn tại.
Theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Đức Trung, những vi phạm nghiêm trọng về bến bãi hoạt động không phép, sai phép, xe quá khổ, quá tải lưu thông làm hư hỏng mặt đê hữu Hồng và xây công trình vi phạm Luật Đê điều ở Thường Tín gây bức xúc trong dư luận thời gian qua, đã được UBND thành phố chỉ đạo xử lý tại các Văn bản số 3294/UBND-ĐT ngày 3-6-2016 và 933/UBND-KT ngày 6-3-2017. Sở cũng nhiều lần gửi công văn đề nghị, nhưng đến nay huyện Thường Tín vẫn chưa xử lý dứt điểm trong khi mùa mưa, bão năm 2017 có nhiều diễn biến phức tạp, những vi phạm này tiềm ẩn nguy cơ sạt trượt, làm mất an toàn công trình đê điều và gây khó khăn cho công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời sự cố.
Chủ đề: Trật tự xây dựng,
Ánh Dương (HNM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.