Trong một thời gian dài, do chính quyền buông lỏng quản lý nên tại xã Phượng Cách (Quốc Oai), nhiều công trình, nhà xưởng xây dựng trên đất nông nghiệp đua nhau mọc lên.

Khu chăn nuôi thành…xóm mới!

Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phượng Cách là địa bàn "nhất thôn, nhất xã" (cả xã chỉ có 1 thôn), điều kiện về đất ở rất chật chội. Nhà nối nhà, ngõ nối ngõ, không có mấy hộ có đất trồng rau xanh… Nhưng bước qua đê hữu Đáy, tại khu vực trại Thổ Cải, hồ Yên Sơn, tầm nhìn như được giải phóng vì đồng bãi mênh mông, cây cối trù phú…

Theo quan sát của phóng viên, hai bên đường bê tông rộng khoảng 5m chạy từ chân đê ra vùng bãi, gần như đã hình thành một quần thể làng xã. Không chỉ có nhà ở, nơi đây còn xuất hiện 3 nhà xưởng tái chế nhựa, nhuộm hấp quần áo hoạt động rất nhộn nhịp.

Công trình xây trên đất nông nghiệp xã Phượng Cách. Ảnh: Trực Nguyên

Trò chuyện với chúng tôi, một người dân cho biết, tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp ở Phượng Cách manh nha từ năm 2000. Ban đầu chỉ lác đác vài gian nhà cấp 4 tạm bợ, diện tích chỉ vài chục mét vuông, từ năm 2006, khi xã Phượng Cách được UBND huyện Quốc Oai phê duyệt dự án chuyển đổi vùng bãi thành chăn nuôi tập trung xa khu dân cư; do được Nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng (đường giao thông, hệ thống thoát nước, trạm điện) nên vùng bãi đã dần trở thành xóm mới.

“Vẫn biết việc xây dựng trên đất nông nghiệp là sai. Và cái sai của người dân chúng tôi đã để lại hệ lụy xấu cho cả xã. Nhưng được ra đây, người dân có không gian để làm ăn phát triển kinh tế…”- một người dân xin giấu tên cho biết.

Chính quyền thừa nhận trách nhiệm

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phượng Cách Nguyễn Đắc Hải thẳng thắn chia sẻ: Quá trình chuyển đổi mô hình chăn nuôi tập trung giúp kinh tế hộ gia đình nơi đây được cải thiện, ô nhiễm môi trường được căn bản giải quyết, nhưng từ đây cũng phát sinh nhiều hệ lụy…

Theo quy định, tại khu chăn nuôi tập trung mỗi hộ được xây dưới 20m2 nhà tạm làm kho chứa thức ăn và nơi bảo vệ tài sản, lợi dụng điều này, nhiều hộ dân đã xây dựng quá diện tích cho phép. Ban đầu, họ chỉ quây gạch, lợp tôn nhưng sau đó lợi dụng ngày nghỉ, lễ Tết để kiên cố hóa dần dần.

Ngoài ra, một số hộ dân còn tự ý xây dựng xưởng để làm kho bãi tập kết hàng, tái chế nhựa. Việc để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng có nguyên nhân rất lớn từ sự buông lỏng quản lý từ chính quyền địa phương các nhiệm kỳ trước.

Từ năm 2014 đến nay, tình trạng vi phạm đã đươc giám sát chặt chẽ, không còn phát sinh vi phạm mới; xã đã phối hợp với thanh tra xây dựng huyện thường xuyên kiểm tra, cương quyết xử lý ngay khi các trường hợp bắt đầu vi phạm.

Với những tồn tại cũ, UBND xã đã báo cáo và đề xuất UBND huyện phương án xử lý, cương quyết không để vi phạm phát sinh. Với 3 xưởng tái chế phế liệu và nhuộm hấp quần áo bò, xã cương quyết đình chỉ không để việc sản xuất ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Trước mắt, xã đang tập trung tuyên truyền vận động các hộ hạn chế việc thải các chất gây ô nhiễm môi trường.

“UBND xã thực hiện đầy đủ quy trình, thậm chí thành lập ban chỉ đạo xử lý những tồn đọng trong vi phạm đất đai tại địa phương. Những nhiệm kỳ trước, các trường hợp vi phạm chỉ bị phạt cho tồn tại nên bây giờ rất khó xử lý. Hiện tại một số hộ dân có đơn thỉnh cầu đến cơ quan chức năng xem xét cho phép giữ nguyên các công trình xây quá quy định để yên tâm phát triển kinh tế và họ sẵn sàng nộp tiền chuyển đổi quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật” - ông Nguyễn Đắc Hải nói thêm.

Trần Thụ (KTĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.