18/11/2018 9:11 PM
49 dự án rau hóa xứ lạnh đều chậm triển khai, nhất là các dự án lớn, chỉ trừ dự án của các hộ gia đình nhưng quy mô rất nhỏ.

Dự án nông trại hữu cơ tổng hợp sản xuất rau củ quả xứ lạnh xuất khẩu, bên trong chỉ có một căn nhà tôn siêu vẹo. Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN

Huyện Kon Plông, một trong ba vùng kinh tế động lực, trọng điểm của tỉnh Kon Tum gắn với khu du lịch sinh thái Măng Đen. Nhiều năm qua, huyện Kon Plông đã thu hút được hàng loạt dự án nông nghiệp công nghệ cao, rau hoa xứ lạnh, du lịch sinh thái với giá trị hơn 18 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên…

Đất trồng rau, hoa hay cỏ dại?

Để thu hút các nhà đầu tư, huyện Kon Plông đã phải chuyển đổi hàng nghìn héc ta đất nông nghiệp trên địa bàn để lấy mặt bằng kêu gọi các nhà doanh nghiệp đầu tư. Đến nay, toàn huyện đã kêu gọi được 96 dự án với tổng diện tích hơn 6.200 ha, trong đó rau hoa xứ lạnh có 49 dự án với gần 1.500 ha (vốn đăng ký hơn 1.600 tỷ đồng)…

Tuy nhiên, có một thực tế hiện tại 49 dự án rau hóa xứ lạnh trên đều chậm triển khai, nhất là các dự án lớn, chỉ trừ dự án của các hộ gia đình nhưng quy mô rất nhỏ. Qua khảo sát, nhiều dự án ngoài việc rào chắn ở cổng chào, còn lại bên trong gần như để cỏ dại mọc.

Cụ thể, dự án nông trại hữu cơ tổng hợp sản xuất rau củ quả xứ lạnh xuất khẩu, kết hợp với chăn nuôi tại xã Đăk Long do Công ty trách nhiệm hữu hạn một hành viên (Công ty TNHH MTV) Kon Tum Bellest làm chủ đầu tư có diện tích 105 ha tại thôn Măng Đen, xã Đăk Long.

Năm 2014, UBND tỉnh Kon Tum đã cấp phép chứng nhận đầu tư, quyết định cho thuê đất từ năm 2015. Sau 4 năm, ngoài cổng chào đơn sơ bằng cửa sắt, dự án hoàn toàn chưa triển khai được gì lớn. Quỹ đất hơn 100 ha cỏ mọc um tùm, bên trong chỉ có một căn nhà tôn siêu vẹo. Khi phóng viên vào, dự án không người trông coi, bảo vệ.

Dự án trồng rau sạch và các loại hoa chất lượng cao do Công ty TNHH MTV Măng Đen-Vila có quy mô 106 ha tại xã Măng Cành đã bỏ hoang suốt 5 năm qua. Trên diện tích dự án, một số hộ dân tự khai hoang làm đất sản xuất.

Việc doanh nghiệp chậm triển khai nên UBND huyện Kon Plông đã giới thiệu một phần diện tích đất của dự án này cho nhà đầu tư khác.

Dự án trồng cây thuốc và khu du lịch sinh thái tại xã Đăk Long do Công ty cổ phần Huỳnh Tấn (thành phố Hồ Chí Minh) có quy mô 40 ha, trên báo cáo công ty đã khai hoang, trồng 13 ha (cây ba kích, bơ, chanh dây…). Tuy nhiên, tiếp cận thực tế, phóng viên chỉ thấy cỏ mọc um tùm, nhà cửa công ty tạm bợ, không có người.

Tại dự án trồng chuối xuất khẩu và các loại cây giá trị cao của Công ty cổ phần Vinagro (thành phố Hồ Chí Minh), quy mô hơn 70 ha, đã có quyết định chủ trương đầu tư từ giữa năm 2017 nhưng đến nay đơn vị chưa nộp hồ sơ thuê đất, dự án chưa triển khai, bỏ hoang…

Dự án của Công ty TNHH MTV Nguyên Flower Farm chuyên trồng hoa với dự kiến sẽ trồng hoa ngoài trời 1 ha với sản lượng 700.000 cành, trồng hoa trong nhà kính 3 ha với sản lượng 3,6 triệu cành… Hiện tại, dự án đã xây dựng dãy nhà làm việc nhưng bỏ hoang và nhà kính nhỏ, không trồng hoa mà bên trong trồng cà chua nhưng cũng đã chết gần hết…

Dự án của Công ty TNHH MTV Nguyên Flower Farm chuyên trồng hoa nhưng bên trong trồng cà chua nhưng cũng chết gần hết. Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN

Có thể nói, đến nay, gần như tất cả các dự án rau hoa xứ lạnh triển khai trên địa bàn huyện Kon Plông đều chậm triển khai suốt thời gian dài. Bức xúc về việc có quá nhiều dự án chậm triển khai, một chuyên gia cho biết: "Doanh nghiệp làm đề án trồng dược liệu là dễ nhất, gieo trồng cây gì cũng gọi là dược liệu, họ trồng cho có, không chăm. Một số dự án rau hoa xứ lạnh chuyển sang trồng cây ăn quả, trồng chiếu lệ, mỗi diện tích một ít. Làm không đúng với mục tiêu của dự án".

Giữ đất là chính

Theo một nhà đầu tư tại Kon Plông cho biết: hiện tại không một ai dám khẳng định mình đầu tư thành công tại đây. Các dự án rau hoa xứ lạnh nhưng người làm thực tế không giỏi chuyên môn, làm đối phó.

Họ làm không tính đến lợi nhuận. Mục tiêu chính của các nhà đầu tư là chiếm giữ đất. Hiện tại một số thanh niên muốn khởi nghiệp hoặc các hộ cá nhân trồng rau hoa xứ lạnh thực sự, có quyết tâm tại Kon Plông đang loay hoay tìm quỹ đất nhưng không có.

“Trong khi mình làm thực, không có đất để làm thì hàng loạt dự án lớn lại không làm, cỏ mọc họ lại cho san ủi, cắt. Quá phí phạm. Họ làm dự án cho có, chủ yếu để chiếm giữ đất, sau này đầu cơ là chính”, một nhà đầu tư nhỏ ở Kon Plông thừa nhận.

Ngoài việc cấp phép tràn lan, đến nay công tác giám sát của huyện Kon Plông đối với các dự án cũng cần xem xét lại. Nhiều dự án, chủ đầu tư đã chia lô, bán đất cho dân đến cư ngụ. Cụ thể, phần lớn trong số 37 hộ dân từ các tỉnh trong cả nước lên xã Đăk Long làm kinh tế mới đã chuyển khẩu đi nơi khác.

Diện tích đất cấp cho 37 hộ dân nơi đây đã chuyển nhượng cho rất nhiều người, chủ yếu từ thành phố Hồ Chí Minh lên mua, giữ đất. Hiện nhà cửa bỏ hoang, đất đi không ai sản xuất. Một số người mua làm cổng, rào chắn hoành tráng nhưng không triển khai.

Là một cá nhân vừa lên tham gia dự án rau hoa xứ lạnh tại Công ty cổ phần Măng Đen Xanh được 1 năm, ong Đỗ Bá Hưng thừa nhận không biết các chủ hộ ở những căn nhà bỏ hoang nơi đây.

Theo ông Đỗ Bá Hưng, dự án của ông có quá ít diện tích để làm (3,5 ha), trong khi nhu cầu nhiều. Điều đáng nói, ở phía đối diện, dự án của Công ty cổ phần Huỳnh Tấn với quy mô 40 ha thì đất bỏ hoang, không người làm.

Tại đầu đường vào khu định cư của 37 hộ, đất ở Hợp tác xã Nông dược Vạn Xuân đã được phân lô, bán nền rất nhiều. Tại đây, các hộ dân mới mua đất đã tự ý xây dựng nhà, nơi đây một khu dân cư mới đã hình thành.

Ông N.V.M. từ Bình Định lên năm 2017 cho biết ông mua đất của dự án thuê 50 năm. “Tôi mua lại của hợp tác xã Nông dược Vạn Xuân 1,5 mẫu đất giá 400 triệu đồng. Hợp đồng là giấy ủy quyền viết bằng tay. Họ nói phải đóng thuế mới tách làm sổ đỏ được. Ngoài tôi, còn 3 hộ khác cùng mua nhưng chưa thể tách sổ đỏ”, ông M. cho biết.

Ngoài ra, 25 dự án khu du lịch sinh thái, trong đó có 16 dự án của các tổ chức cũng chậm triển khai. Cụ thể, Dự án đầu tư xây dựng khu nghĩ dưỡng, du lịch sinh thái Vietinbank (Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam) có tổng diện tích hơn 200 ha, có giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2013, có quyết định giao đất từ năm 2014 (đã giao gần 15 ha) nhưng đến nay vẫn chưa triển khai; dự án xây dựng Trung tâm đào tạo cho vận động viên Quốc gia được UBND tỉnh Kon Tum giao đất từ năm 2011 nhưng đến nay dự án mới xây hàng rào bao quanh và nhà bảo vệ...

Hiện tại, sau khi có thông tin một số doanh nghiệp lớn trong nước vào như Tập đoàn Vingroup, FLC… vào đầu tư đã kéo theo giá đất tăng vụt. Theo người dân, giá thị trường mỗi héc ta đất dao động từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng. Nhiều người có đất sang tay là kiếm lời ngay, không cần đầu tư.

Được biết, hiện huyện Kon Plông còn gần 1.800 ha quỹ đất, trong đó có gần 900 ha rừng thông trồng để giới thiệu cho các doanh nghiệp tiềm năng khác trong cả nước.

Liên quan đến các dự án đầu tư trên địa bàn Kon Tum, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn đã có kết luận số 2758/TB-VP ngày 9/11, giao giám Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan tiến hành tổ chức thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh bị chậm tiến độ. Trên cơ sở kết quả thanh tra, kiểm tra, kết luận hành vi vi phạm, tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi chủ trương và chấm dứt hoạt động dự án theo quy định, hoàn thành và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25/11.

Ngoài ra, đối với nhóm dự án dưới 1 năm chưa thực hiện thủ tục tiếp theo, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư có văn bản đôn đốc nhà đầu tư sớm hoàn thành thủ tục để đưa dự án đi vào hoạt động theo đúng tiến độ thực hiện dự án.

Đồng thời, đề nghị các nhà đầu tư thực hiện chế độ báo cáo (kiến nghị vướng mắc nếu có) theo quy định. Trường hợp nhà đầu tư không thực hiện báo cáo theo quy định, Sở Kế hoạch và Đầu tư có biện pháp nhắc nhở, xử phạt theo quy định./.

Cao Nguyên (TTXVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.