16/04/2024 2:40 PM
Trong năm 2024, huyện đảo Cần Giờ (TP.HCM) sẽ chuyển đổi hơn 190ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Trong đó, đất trồng lúa gần 9ha, đất trồng cây hàng năm khác là 48ha, đất trồng cây lâu năm là 83ha, đất nuôi trồng thủy sản 48ha, đất làm muối 2ha.

Một góc huyện đảo Cần Giờ

UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2024 tại huyện Cần Giờ.

Theo đó, về chuyển mục đích sử dụng đất, trong năm nay huyện Cần Giờ có hơn 190 ha đất nông nghiệp đăng ký chuyển sang đất phi nông nghiệp. Trong đó, đất trồng lúa gần 9 ha, đất trồng cây hàng năm khác là 48 ha, đất trồng cây lâu năm là 83 ha, đất nuôi trồng thủy sản 48 ha, đất làm muối 2 ha.

Đất phi nông nghiệp không phải đất ở chuyển sang đất ở là 0,04 ha. Trên địa bàn huyện Cần Giờ không có diện tích đất chưa sử dụng đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2024.

Trong 7 địa phương có đất chuyển đổi, nhiều nhất là thị trấn Cần Thạnh (43,38 ha), tiếp đến xã An Thới Đông (34,80 ha), Lý Nhơn (33,42 ha), Tam Thôn Hiệp (31,31 ha), Bình Khánh (27,33 ha), Long Hòa (20,25 ha) và ít nhất là xã đảo Thạnh An (0,22 ha).

Cũng theo kế hoạch được duyệt, năm nay, huyện Cần Giờ thu hồi 36,4 ha đất nông nghiệp, trong đó đất trồng cây lâu năm là 20ha, đất rừng phòng hộ 12,7ha.

Đất phi nông nghiệp bị thu hồi 18,4ha. Trong đó, đất phát triển hạ tầng 5,3ha; đất ở nông thôn 0,68ha; đất sông, kênh, rạch là hơn 12ha.

UBND TP. HCM yêu cầu huyện Cần Giờ công bố công khai kế hoạch sử dụng đất theo đúng quy định pháp luật về đất đai. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên việc quản lý sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 60km, Cần Giờ là huyện duy nhất của TP.HCM giáp biển và còn nhiều tiềm năng để phát triển.

Theo báo cáo của huyện Cần Giờ, địa phương này có tổng diện tích tự nhiên 70.421ha, chiếm khoảng 1/3 diện tích toàn TP.HCM, trong đó đất lâm nghiệp là 32.109ha, chiếm 46,45% diện tích toàn huyện; đất sông rạch là 22.850ha, bằng 32% diện đất toàn huyện.

Nghị quyết về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030 của Thành ủy TP.HCM, xác định đến năm 2030, huyện Cần Giờ cơ bản trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực.

Là cửa ngõ hướng biển duy nhất của TP.HCM và còn rất nhiều tiềm năng để phát triển nhưng Cần Giờ chưa thật sự bùng nổ về kinh tế - xã hội có phần nguyên nhân đến từ việc hạ tầng giao thông chưa tương xứng.

Hiện nay, để kết nối từ huyện Nhà Bè đến Cần Giờ đang phụ thuộc vào phà Bình Khánh vừa không đáp ứng nhu cầu, vừa mất nhiều thời gian. Do đó, TP.HCM đang tích cực hoàn thiện thủ tục để sớm khởi công dự án cầu Cần Giờ.

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM mới đây cho biết, đã báo cáo UBND TP.HCM để trình HĐND thành phố xem xét chủ trương đầu tư dự án cầu Cần Giờ vào kỳ họp giữa tháng 6/2024.

Theo đó, cầu Cần Giờ được đề xuất có tổng chiều dài dự kiến toàn tuyến khoảng 7km, trong đó cầu Cần Giờ dài khoảng 3km, còn lại là phần đường dẫn.

Điểm đầu dự án nằm trên đường 15B theo quy hoạch, cách rạch Mương Ngang khoảng 500m về phía bắc; điểm cuối kết nối vào đường Rừng Sác tại lý trình Km2+100 trên đường Rừng Sác (cách bến phà Bình Khánh khoảng 2,1 km về phía nam).

Dự án có quy mô 6 làn xe (4 làn cơ giới và 2 làn hỗn hợp), vận tốc thiết kế 60 km/giờ. Sở GTVT dự kiến bố trí 1 trạm thu phí tự động tại khoảng Km4+400 trên địa bàn huyện Cần Giờ.

Tổng vốn đầu tư của dự án cầu Cần Giờ khoảng 11.087 tỉ đồng, trong đó nguồn ngân sách thành phố khoảng 5.246 tỉ đồng và vốn BOT của nhà đầu tư khoảng 5.323 tỉ đồng.

Khu đô thị lấn biển đang triển khai ở Cần Giờ

Việc cầu Cần Giờ sớm được triển khai xây dựng có thể xem là bước đi mở đường “đánh thức” nhiều dự án tỉ đô đã và đang được xem xét quy hoạch đầu tư ở đây.

Trong đó có Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ có quy mô 2.870 ha với tổng mức đầu tư hơn 217.000 tỉ đồng.

Hay dự án rất được quan tâm là cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ tại khu vực Cù lao Phú Lợi (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ). Dự án này có vốn đầu tư lên đến 5,5 tỉ USD với sự tham gia của hãng tàu container lớn nhất thế giới - Mediterranean Shipping Company (MSC).

Theo đơn vị tư vấn đề xuất, dự án dự kiến khởi công vào năm 2024 và triển khai 7 giai đoạn. Siêu cảng khi hoàn thành vào năm 2045 sẽ có 7,2km cầu cảng, có khả năng tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay (24.000 TEU), công suất thông qua 10 - 15 triệu TEU. Dự án dự kiến tạo việc làm cho khoảng 6.000 - 8.000 người lao động và đóng góp trực tiếp cho ngân sách thông qua các khoản thuế, phí ước tính từ 34.000 - 40.000 tỉ đồng/năm.

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.